Thứ bảy, 27/11/2021, 00:00 (GMT+7)

Thu nhỏ hàng nghìn trang phục dân tộc cho búp bê

Hà NộiHọa sĩ Hoàng Anh tìm cách thu nhỏ trang phục của 54 dân tộc Việt Nam cho búp bê mặc vì muốn lan tỏa bản sắc dân tộc ra thế giới.

Trong căn phòng 40 mét vuông tại quận Hoàng Mai, họa sĩ Hoàng Anh đang ghép từng phần trang phục người Tày cho búp bê. Bốn giờ đồng hồ loay hoay với từng chi tiết nhỏ, anh hoàn thành sản phẩm. Cầm trên tay búp bê nhỏ xinh, anh hài lòng vì mỗi lần làm lại cho ra sản phẩm đạt được độ hoàn hảo cao hơn.

Vốn yêu cái đẹp, thích trang phục truyền thống, anh Hoàng Anh dành một phần tư không gian trong nhà trưng bày búp bê thủ công trong trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam.

Anh Hoàng Anh kể có hơn 10 năm làm trang phục truyền thống cho búp bê. Ý tưởng đến với anh qua nhiều lần thấy khách du lịch ngó lơ các sản phẩm búp bê dân tộc bằng giấy, len trong quầy lưu niệm.

"Tôi muốn khách du lịch khi vừa nhìn vào búp bê Việt Nam sẽ bị cuốn hút, thay vì các sản phẩm phủ đầy bụi, xếp xó trong kệ hàng", anh nói.

Anh dành hai năm đi khắp bản làng vùng núi phía Bắc tìm hiểu truyền thống văn hóa, đặc điểm từng dân tộc và trang phục của họ. Để làm ra bộ trang phục truyền thống giống nhất, Hoàng Anh không ngại cùng ăn ở, sinh hoạt với đồng bào, tận mắt chứng kiến cách họ dệt vải, thêu tay để lấy cảm hứng chế tác. Khi được sờ vào từng miếng vải dệt tay, trang phục các bà, các mẹ mất hàng năm hoàn thiện, anh Hoàng Anh cho biết mình mê mẩn đến “quên lối về”.

Năm 2011, sau hai năm tìm tòi khắp buôn làng, anh Hoàng Anh bắt tay "thu nhỏ" các trang phục dân tộc anh từng gặp. Các công đoạn từ chọn vải, cắt may đến lên trang phục cho búp bê, đính trang sức đều do anh thực hiện thủ công. Anh chia sẻ để làm ra một bộ trang phục truyền thống bình thường đã khó, việc thu nhỏ trang phục cho búp bê còn vất vả hơn.

“Mọi chi tiết đều cần chính xác tuyệt đối, lệch một chút thì không giống trang phục gốc của người ta nữa”, anh nói và cho biết để làm ra trang phục dân tộc nào, anh đều đọc, tìm hiểu sâu từng nét văn hóa, truyền thống của dân tộc ấy để tạo ra cái hồn cho từng sản phẩm.

Theo anh, mỗi dân tộc có một trang phục riêng, gắn với từng hoa văn, họa tiết. Đặc biệt, một số dân tộc có cách thiết kế trang phục của phụ nữ có chồng khác những thiếu nữ tuổi đôi mươi. Hoàng Anh đã thực hiện hàng nghìn bộ quần áo tinh xảo, giống hệt bản gốc của người dân tộc Dao, Mông, Thái, Tày, Hà Nhì, Lô Lô...

Anh cho biết để chế tác một sản phẩm gồm nhiều công đoạn: đầu tiên là nghiên cứu trang phục về kiểu dáng, chất liệu vải, sau tiến hành làm phôi bằng composite. Khi có phôi, anh tạo hình và vẽ mặt cho búp bê. “Với người dân tộc, yêu cầu khuôn mặt hồn hậu và xen chút mộc mạc, giản dị. Người Kinh thì mắt phượng, mày ngài sắc sảo hơn”, anh nói.

Khi có phôi, anh gắn từng phụ kiện như gùi, chiêng, trống, khăn, mũ cho từng sản phẩm. Tùy độ khó, mỗi búp bê mất 4-6 tiếng hoàn thiện. "Ngoại trừ đồ trang sức không thể 'sao y bản chính', các chất liệu vải cho đến các phần phối trên trang phục phải giống bản gốc", anh Hoàng Anh cho biết.

Với hàng trăm sản phẩm trưng bày tại nhà, anh Hoàng Anh có thể thuyết minh tỉ mỉ trang phục từng đồng bào cùng các đặc trưng. Ví dụ, hoa văn trên trang phục Tà Ôi là thổ cẩm dệt cườm, của người Dao phải bôi sáp ong lên mặt vải rồi mới nhuộm màu, phần áo vạt dài, thêu đính cầu kỳ hơn trong khi trang phục người Mường thường là áo cõn, mở cúc ngực khoe mảnh thổ cẩm trong áo yếm, còn phụ nữ H'Mông thường may váy nhiều tầng lớp và có kiểu thêu ngược đặc biệt...

Từ vài mẫu ban đầu định làm trưng bày, hiện anh sở hữu khoảng 5.000 búp bê với hai kích cỡ là 25 cm và 35 cm, của 45 trong số 54 dân tộc. Nam họa sĩ bất ngờ khi sản phẩm mình làm ra được nhiều khách trong và ngoài nước tìm mua. Giá bán một búp bê dao động từ 800.000 đến 3,5 triệu đồng. Thời gian tới, nam họa sĩ sẽ hoàn thiện bộ sưu tập búp bê của 54 dân tộc để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Đông Vũ

Đánh giá phiên bản mới