Thứ hai, 23/10/2017, 15:04 (GMT+7)

Cốm Mễ Trì - hương vị của mùa thu Hà Nội

Hạt cốm chạm nơi đầu lưỡi dẻo, thơm và ngọt bùi làm nên hương vị đặc trưng không thể thiếu trong tiết thu Hà Nội.

Làng cốm Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) có tuổi thọ hơn một thế kỷ. Hiện nay, làng còn hơn 50 hộ gia đình gắn bó với nghề. Cốm được làm từ nhiều loại lúa khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là lúa nếp cái hoa vàng.

Trong năm có hai mùa làm cốm, cốm vụ chiêm và cốm vụ mùa. Cốm vụ mùa vào thời điểm tiết trời thu se lạnh. Đây cũng chính là vụ mà vị cốm ngọt thanh, thơm và ngon hơn hẳn.

Từ tháng 4 tháng Âm lịch, cánh đồng Gôi ở Dich Vọng - Từ Liêm đã gặt lúa sớm nên Mễ Trì có thêm mùa cốm nữa vào những ngày đầu hạ. Cốm vụ mùa bắt đầu vào những ngày rằm tháng 7 (Âm lịch), khi bông lúa nặng trĩu trổ màu xanh nghĩa là có thể khai thác. Nếu để lâu hơn hạt lúa sẽ già.

Cốm là món ăn dân dã nhưng cũng rất sang trọng, nồng nàn mà cũng thật tinh khiết.

Những hạt lúa tròn mẩy, sóng đều và thơm phức sau khi tuốt hạt, sàng bỏ rơm và những hạt thóc lép thì đem đãi qua nước rồi cho vào chảo rang.

Thóc khi tuốt xong được đãi bỏ những hạt lép, hạ mẩy sẽ lắng xuống dưới. Người làm cốm sẽ lấy hạt này để làm cốm.

Bếp lò để rang cốm thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi. Chảo rang cốm thường bằng gang đúc, có như vậy từng hạt cốm khi rang xong không bị cháy, vẫn mềm dẻo và thơm. Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều. Khoảng 2 tiếng sẽ được một mẻ cốm ra lò.

Ngày nay, một số công đoạn làm cốm có sự hỗ trợ của máy móc. Tuy nhiên, nhiều công đoạn vẫn được làm bằng tay.

Hạt lúa non sau khi rang trên chảo gang đúc được đưa vào cối giã. ‎Trung bình giã và sàng sảy từ 5 đến 8 lần mới thành cốm.

Cốm có thể làm nhiều món như xôi, chè, bánh cốm, chả cốm, cốm xào... Nghề làm cốm xuất hiện từ xa xưa nổi lên với cốm làng Vòng (Cầu Giấy) và cốm Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nức tiếng khắp cả nước.

Ngọc Thành

Đánh giá phiên bản mới