Thương trường - Chủ nhật, 15/7/2018, 00:03 (GMT+7)

Quán Bánh mì của chàng du học sinh Việt nức tiếng ở Nhật

Quán bánh mì 22 m2 mất 2 năm để chuẩn bị giấy tờ của Tâm và anh trai bán 200-300 ổ/ngày, chưa kể nước uống và đồ ăn vặt.

Khởi nghiệp ở nước ngoài là chuyện không đơn giản, đặc biệt là Nhật Bản, nơi không dành cho các startup. Theo số liệu thống kê của Tổng cục kinh tế Nhật Bản, có đến 80% startup thất bại và trong đó 90% là các startup liên quan đến ẩm thực tại đất nước này. Quyết định khởi nghiệp bánh mì truyền thống Việt Nam được đánh giá là việc làm liều lĩnh của hai chàng trai đến từ Quảng Nam.

Bùi Thanh Tâm, sáng lập thương hiệu Bánh Mì Xin Chào tại Tokyo Nhật Bản. 

Thương hiệu Bánh Mì Xin Chào được hai anh em Bùi Thanh Tâm (27 tuổi) và Bùi Thanh Duy (32 tuổi) sáng lập tháng 10/2016. Hành trình mở một cửa hàng nhỏ chỉ 22 m2 trên con đường ẩm thực sầm uất ở Waseda Dori, khu Takadanobaba, khiến Tâm và Duy đổ nhiều mồ hôi, nước mắt.

Ý tưởng nảy ra trong lần đi chơi với bạn gái

Năm 2014, Tâm đang là sinh viên năm 3 khoa Kinh tế, Đại học Yokkaichi, tỉnh Mie. Trong lần đi Tokyo thăm bạn gái, Tâm và người yêu tới tham quan khu chợ Ameyoko. Họ bắt gặp hàng dài khách hàng đứng đợi để mua bánh Kebab, một loại bánh mì của Thổ Nhĩ Kỳ. Tò mò, hai người cũng xếp hàng giờ đồng hồ để nếm thử.

Tại tiệm Bánh Mì Xin Chào còn bán các loại cà phê, nước uống, có xuất xứ từ Việt Nam. 

Khi so sánh giữa hương vị, nguyên liệu, Tâm nhận ra bánh mì Việt nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn. Ngoài hương vị thơm ngon, đậm đà, bánh mì Việt còn có thành phần dinh dưỡng cân bằng hơn với nhiều loại rau, dưa.

"Bánh mì Việt được bình chọn là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới nên tôi nghĩ tại sao mình không đem giới thiệu nó tại Nhật Bản", Tâm kể.

Không chần chừ, ngay chiều hôm đó, Tâm gọi ngay cho anh trai Bùi Thanh Duy, làm việc tại Osaka, chia sẻ ý tưởng kinh doanh chớp nhoáng ấy. Tâm nhận được sự ủng hộ của anh trai và họ bắt đầu lên kế hoạch.

Tên của tiệm Bánh Mì Xin Chào cũng được Tâm nghĩ ra trong lần tham quan ấy. Khu vực Ameyoko nhiều khách nước ngoài nên các cửa hàng đều lận lưng một câu chào hỏi bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Thấy giống người Việt, các nhân viên và chủ tiệm sẽ nói "xin chào", Tâm nghĩ tên quán như thế vừa gần gũi, dễ nhớ và còn giúp quảng bá ẩm thực Việt.

Công thức làm bánh mì được Tâm nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần trước khi khai trương. 

Gần 2 năm chuẩn bị mới đủ điều kiện mở cửa hàng

Lúc chia sẻ ý tưởng với gia đình và người thân, Tâm nhận được một số lời khuyên không nên. Nhưng với quyết tâm lớn, Tâm kêu gọi đầu tư, còn anh Duy liều mượn tạm tiền mừng cưới của vợ chồng anh làm vốn mở quán.

Từ ngày lên ý tưởng đến khi mở được quán bánh mì Việt tại Tokyo, anh em Tâm mất gần 2 năm chuẩn bị. Bởi muốn làm được việc này, họ phải vượt qua vô vàn trở ngại, trong đó có vốn, mặt bằng, pháp lý và người bảo lãnh. Khó khăn nhất vẫn là người bảo lãnh hợp pháp.

Hơn 20h, tiệm Bánh Mì Xin Chào vẫn đông khách đợi. 

Cuối cùng, Tâm được giáo sư trường đại học nơi đang theo học bảo lãnh. Là sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và công tác xã hội ấn tượng, Tâm có được sự tin tưởng của vị giáo sư kinh tế học giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên ban đầu khi Tâm mở lời, giáo sư cũng khá e dè vì khả năng thành công không lớn.

"Anh em tôi mất vài tháng tìm mặt bằng, diện tích chỉ 22 m2 nhưng mỗi tháng phải trả gần 3.000 USD tiền thuê. Số vốn ban đầu chúng tôi dùng để sữa chữa, thiết kế lại cửa hàng và mua các nguyên liệu", Tâm cho hay.

Để có được loại bánh mì hương vị giống Việt Nam, Tâm phải lặn lội tìm tới hơn 50 cơ sở sản xuất mới tìm được nhà cung cấp đáp ứng đủ điều kiện. Tất cả nguyên liệu còn lại như: dưa chua, pate, nước sốt... đều do Tâm tự tay chế biến.

Thực đơn của Bánh Mì Xin Chào.

Sau khi có người bảo hộ, có giấy phép kinh doanh và mặt bằng, anh em Tâm vẫn chưa thể thở phào. Cả hai phải dành thời gian mấy tháng để học các khóa về an toàn thực phẩm và trải qua nhiều đợt kiểm tra mới có được chứng nhận của Hiệp hội An toàn vệ sinh thực phẩm Nhật Bản.

Tháng 10/2016, tiệm bánh mì của hai chàng trai Việt có mặt trên con phố ẩm thực Waseda Dori sầm uất.

"Ngay ngày đầu khai trương, quán đón hơn 500 lượt khách. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ vì kết quả vượt mong đợi", Tâm chia sẻ.

Mỗi chiếc bánh mì tại tiệm Xin Chào có giá khoảng 100.000 đồng, khá rẻ so với mức sống tại thủ đô Tokyo. Theo ông chủ trẻ, hiện bánh mì Xin Chào bán ra mỗi ngày khoảng 200 đến 300 ổ, chưa kể đồ uống và các món ăn vặt khác.

Thời gian đầu, hai anh em Tâm phải làm việc hơn 15 tiếng mỗi ngày, có những hôm chỉ ngủ được vài ba tiếng.

Tuy là ông chủ nhưng hai anh em vẫn chỉ nhận lương hàng tháng, doanh thu của quán dùng để trang trải khoản tiền đã ứng trước đó để mở quán. Đến nay, cửa tiệm của Tâm đã hoàn vốn và có lãi.

Hai anh em: Bùi Thanh Tâm và Bùi Thanh Duy chụp hình cùng nhà báo Lại Văn Sâm trước cửa tiệm. 

Bánh mì Xin Chào ra đời là điểm đến yêu thích của nhiều du học sinh và người Việt sinh sống tại Tokyo.

Bạn Diễm My, du học sinh tại Tokyo, chia sẻ: "Mùa đông được ăn ổ bánh mì nóng hổi làm mình đỡ nhớ nhà hơn. Bánh mì ở đây đúng chuẩn hương vị Việt, rau dưa đầy đủ và thịt nướng thơm ngát".

Kensaku Sato, một nhân viên văn phòng tại Tokyo, cho biết anh đã ăn ở bánh mì Xin Chào nhiều lần và cảm thấy rất ngon. Hiện anh lên kế hoạch cho chuyến du lịch đến Việt Nam để thưởng thức thêm ẩm thực Việt.

Tâm cùng các nhân viên ở sự kiện Festival Việt Nam tổ chức tại công viên Yoyogi Tokyo. 

Sau khi gặt hái được thành công, thương hiệu bánh mì của anh em Tâm có nhiều đơn vị ngỏ lời hợp tác và nhượng quyền thương hiệu. Tuy nhiên họ đang xem xét những đề nghị này.

"Ẩm thực luôn gắn với hương vị độc đáo riêng, nếu vội vàng sẽ đánh mất chính mình. Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này tại Nhật Bản và TP HCM", Tâm cho hay.

Câu chuyện khởi nghiệp của hai anh em Duy và Tâm được giới truyền thông Nhật Bản chú ý. Tờ báo uy tín của Nhật Bản là Chunichi đã đăng tải câu chuyện này như động lực cho giới trẻ Nhật Bản khởi nghiệp. 

Thảo Nguyên
Ảnh: NVCC

Đánh giá phiên bản mới