Thương trường - Thứ bảy, 20/10/2018, 09:00 (GMT+7)

Nữ doanh nhân lấy cảm hứng từ sen, đại bàng làm quạt trần

Phác thảo cánh đại bàng, đóa hoa sen hay thậm chí ổ bánh sandwich để biến thành quạt trần, sản phẩm của Lê Lan Hương phục vụ đa phân khúc, từ căn hộ giá rẻ đến resort 5 sao.

Nữ doanh nhân 8X mở đầu câu chuyện bằng một nhận xét gần như ngược đời: "Làm giàu từ quạt rất khó bởi lượng khách không quá nhiều. Một nhà mua một sản phẩm, dùng đến 7-10 năm, rất lâu thay đổi trừ khi bạn đổi nhà mới, chuyển đi". Nhưng, chị vẫn cứ làm. Vì đam mê và vì giấc mơ cả một đời mà chị đeo đuổi.

Khởi nguồn từ một chuyến công tác, bắt gặp những mẫu quạt trần tráng lệ trong các công trình kiến trúc, Lan Hương gần như choáng ngợp. Chị nhận ra rằng, món đồ gia dụng này khi được đầu tư sẽ trở thành vật trang trí nâng tầm khí chất cho cả gian phòng. Ngay lúc ấy, Hương đã xác lập hướng đi mới cho mình: khởi nghiệp, tiến vào ngành quạt trần trang trí.

Thời điểm năm 2012, thị trường còn rất sơ khai. Chị đi theo lộ trình lấy mẫu có sẵn và phân phối. Đến năm 2014, khi "chịu không nổi" chất lượng quạt Trung Quốc, nữ doanh nhân 8X chính thức xắn tay áo, tự mình thiết kế để cho ra đời những mẫu quạt tốt cả về hình thức lẫn công năng.

Quá trình tự mình xắn tay áo ấy không hề dễ dàng. Ở sản phẩm đầu tiên của thương hiệu Royal Home, Lan Hương gần như phải cầm cố hết tài sản, vay mượn tất cả nguồn có thể để gom đủ vốn. Chưa kể, chị dành gần như toàn bộ thời gian lẫn tâm huyết, ăn nghĩ về quạt, ngủ cũng trăn trở quạt. Liên doanh với 3 nhà máy tại Đài Loan, công thức để cho ra đời một thiết kế mới của Royal Home là: 4 bước thiết kế, gần 6 tháng từ khi lên ý tưởng cho đến lúc có sản phẩm mẫu, một tỷ đồng chi phí.

Vẻ bề ngoài là yếu tố đầu tiên thu hút người dùng, vậy nên ý tưởng cho mẫu quạt cũng quyết định sự thành bại của Royal. Ý tưởng đôi lúc đến rất bất chợt, từ những thứ vô cùng gần gũi với đời sống mỗi người mà để nắm bắt được nó đòi hỏi sự tinh tế và nhạy cảm của người làm nghề. Với Lan Hương, chị chọn cách ngồi tĩnh lặng nhìn ngắm sự vật ở các quán cà phê phong cách vintage, tìm hiểu vật dụng ngày xưa. Đặc biệt, với tình yêu như đã ngấm trong máu, dù ở đâu Hương cũng hướng chú ý đến vật thể bay, về gió và các sự chuyển động. Có ý tưởng, chị liền chụp lại, vẽ phác thảo lên giấy, chỉnh sửa để làm sao nó đạt tính thẩm mỹ cao nhất.

Ví như có lần thấy bồ câu tung cánh lên bầu trời, Hương liền đem hình tượng vút bay ấy để thiết kế cánh quạt cong trong mẫu Eagle - sản phẩm chiến lược cho cả năm 2018. Trước đó, chị mô tả quá trình nở hoa tulip vào trong hoạt động của mẫu Fiore, khi bật cánh quạt sẽ bung xòe, lúc tắt 6 cánh sẽ cụp lại. Cánh chong chóng, quạt con cóc ngày xưa, hình ảnh vũ công ba lê xoạc chân... tất cả đều được Lan Hương cải biên theo lối thiết kế nhẹ nhàng, thẩm mỹ hơn, tạo ra mẫu mã hiện đại nhưng vẫn hơi hướm cổ điển, gần gũi với người Việt.

Từ ý tưởng sơ khai ban đầu, chị tỉ mẩn phác họa trên giấy rồi chuyển cho họa sĩ, biến đường vẽ chì đó trở thành mô hình 3D. Muốn hình tượng hóa từ suy nghĩ trong đầu ra hình hài cụ thể không dễ dàng, đặc biệt là với người không hề được đào tạo qua trường lớp hội họa như Lan Hương. Nhưng bù lại, chị chọn cách rèn luyện mỗi ngày, khi căng thẳng hay rảnh rỗi lại tay bút tay giấy, vu vơ vẽ trời, mây, hoa, lá hay thậm chí khung cảnh con nô giỡn.

Nhưng từ bản phác thảo đến mẫu mã hoàn chỉnh còn cần trải qua nhiều công đoạn, mà quan trọng nhất là tính toán các chỉ số phù hợp. Đơn cử: độ nghiêng cánh phù hợp với độ cong để đảm bảo an toàn; làm sao cánh dài nhưng APM (tốc độ quay trung bình) vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, đủ tạo ra độ mát...

Click để lật ảnh
Click để lật ảnh

Thiết kế lấy cảm hứng từ cánh đại bàng của quạt Eagle.

Từ bản mô tả 3D, chị cùng đội họa sĩ sẽ trao đổi, chỉnh sửa nhằm đưa ra thiết kế, các thông số hợp lý nhất. Thông thường, đây là lúc mà Hương sẽ "cãi nhau" nhiều nhất với đội thiết kế. Lý do, nữ doanh nhân muốn hướng tới sự hiện đại, làm cánh mỏng đi, dài ra và khác với sản phẩm hiện có. Tuy nhiên, đội ngũ tại nhà máy hầu hết đều là những người suốt 40 năm nay chỉ biết làm quạt, nhiều kinh nghiệm nhưng cũng có nhược điểm chỉ muốn an toàn theo phương thức truyền thống, khó thay đổi quan điểm. Chưa kể, việc tạo ra cái mới đôi khi rất rủi ro, nếu tính toán sai sẽ phải đập bỏ đi làm lại từ đầu, tức là mất cả một tỷ đồng và phải rót thêm một tỷ nữa.

Chính lúc ấy, bằng sự đam mê và quyết đoán, chị đã thuyết phục kỹ sư thử nghiệm phương án của mình. 

“Muốn dẫn đầu xu hướng thì phải đầu tư về ý tưởng, chi phí, công sức. Nếu cứ rụt rè, chỉ nghĩ mà không làm thì người khác sẽ làm mất”.

Chấp nhận rủi ro và sự tốn kém chi phí, chị thực hiện hàng loạt kiểm tra thử nghiệm để tối ưu thiết kế của mình. Lấy ví dụ ở mẫu Eagle, vì đặt mục tiêu tạo ra nhỏ gọn, Lan Hương muốn giảm kích thước động cơ. Vấn đề nảy sinh là động cơ nhỏ rất khó làm, chi phí đội lên gấp 3 lần. Chưa kể, động cơ là bộ phận quyết định nên đặc tính của quạt nên rất cần sự cẩn trọng. 

Hơn một năm làm việc cùng 3 nhà máy mới ở Đài Loan chị mới cho ra đời được động cơ DC kích thước nhỏ gấp 2 lần thông thường. Và quả ngọt cho sự đầu tư ấy, thế hệ động cơ mới giúp giảm trọng lượng của quạt trần đến 2 lần, chỉ còn 3-4kg; dễ sử dụng, bền bỉ; tiết kiệm điện, chỉ tiêu hao 30W/giờ (quạt thường 120W/giờ, máy lạnh 1.200W/giờ - khảo sát của Royal Home).

Mất đến gần 3 tháng, ý tưởng mới được hoàn thành và chuyển sang bước thứ 2: làm khuôn. Mỗi chiếc quạt làm ra cần rất nhiều khuôn cho nhiều bộ phận: cánh, động cơ bên trong, housing (bao quanh động cơ - vỏ thân với nhiều hoa văn thiết kế)... Quá trình lên khuôn này nhanh nhất là một tháng và có thể kéo dài đến 60 ngày.

Khuôn sản xuất xong sẽ đến công đoạn chọn tông màu, đổ màu trên file 3D rồi đánh giá, lấy nhận xét từ nhiều phía. Để sản phẩm bắt kịp xu hướng nội thất thế giới, chị cũng thường tham gia các triển lãm, sự kiện nước ngoài để học hỏi. Đơn cử tháng 10/2017, khi dự triển lãm chuyên nghiên cứu thiết kế đèn, quạt tại Hong Kong thì chị thấy màu gỗ GWO (khói xám) rất được ưa chuộng trong phong cách tân cổ điển và sẽ trở thành màu đặc trưng cho 2018. Vì vậy trong mẫu sản phẩm chủ lực cho năm nay, chị cũng đã đưa sắc khói xám này lên Eagle.

Cuối cùng là khâu thử nghiệm sản phẩm. Khi có sản phẩm mẫu, chị sang nhà máy Đài Loan để xem xét, chỉnh sửa. Sau một tuần trải nghiệm tại nhà máy, mẫu sẽ được chuyển về Việt Nam treo thử và tiếp tục trải nghiệm, cho mọi người đánh giá. 

Trải nghiệm sản phẩm bao gồm các quá trình kéo dài khoảng một tháng: đánh giá thông số kỹ thuật; đáp ứng yêu cầu về nguồn điện, năng lượng, gió của cơ quan quản lý; treo nhiều không gian khác nhau để kiểm tra việc tạo ra độ mát. Đến khi đạt đủ tiêu chuẩn và yêu cầu mới tiến hành sản xuất.

Kể cả khi đã bán ra thị trường, các ý kiến phản hồi của người dùng vẫn được ghi nhận để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện sản phẩm dựa trên nhu cầu thực tế. Tiếp tục lấy ví dụ ở quạt Eagle, ở lần sản xuất thứ 2 sẽ được điều chỉnh để tăng thêm độ mát, đáp ứng điều kiện khí hậu Việt Nam. Tức là động cơ sẽ khỏe hơn, thêm vào dây đồng, vòng Pi lớn hơn, aluminum chọn chất liệu tốt nhất để giảm nhiệt tốt hơn.

Để tạo ra những sản phẩm mà chị tự tin là "độc nhất vô nhị", bà chủ Royal Home còn chăm chỉ bồi đắp mọi kiến thức liên quan đến việc làm quạt. Trước đây, cánh quạt sử dụng gỗ plywood (gỗ tự nhiên xếp lên nhau và ép bằng máy), chịu được điều kiện thời tiết biển khá tương đối.

Tuy nhiên, muốn sản phẩm của mình tốt hơn nữa, vươn ra khỏi những gì đang có, Lan Hương liền đến hàng chục hội chợ đồ gỗ để học hỏi, hiểu về tính chất, biết cách so sánh công năng, giá tiền rồi tìm cho mình chất liệu phù hợp nhất. Nhờ đó, mẫu quạt Eagle 2018 có đặc tính nhẹ gấp đôi mẫu quạt thông thường cùng kích thước sải cánh 1,52m khi sử dụng gỗ basal siêu nhẹ (vốn dùng cho động cơ máy bay, mô hình). Chưa kể, cánh quạt làm từ gỗ basal có thể chịu gió, nắng biển trong thời gian dài mà lớp sơn không bị ảnh hưởng, giữ nguyên độ sáng bóng.

Nhắc đến quạt trần, người ta vẫn thường nghĩ sản phẩm chuẩn phải có 5 cánh. Nhưng với Royal Home thì không như vậy. Lan Hương đã thiết kế rất nhiều mẫu 3 cánh ngay khi một mẫu mới ra đời, chị lại tiếp tục tìm tòi để phát triển thêm, chỉnh sửa hay thậm chí loại bỏ mẫu cũ khi không còn đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều người e ngại, liệu 3 cánh có ít mát hơn 5 cánh không? Lúc ấy chị giải thích rằng mát hay không là do động cơ, độ nghiêng cánh chứ không phụ thuộc vào số cánh. Chị cũng mở đồng thời 2 dòng quạt 3 cánh, 5 cánh để người dùng được trực tiếp trải nghiệm.

Đã kinh doanh thì không thể ngồi yên một chỗ, muốn tạo ra sản phẩm tốt nhất cho người dùng, chị phải hiểu được họ cần điều gì nhất khi chọn mua quạt trần, tức là phải đi, khảo sát và trải nghiệm sản phẩm ở nhiều không gian. Ở các khu nghỉ dưỡng, không gian mở, chị thiết kế mẫu Eagle với sải cánh dài, gió tỏa ra diện tích rộng hơn. Nhà phố, cánh quạt được giảm bớt độ nghiêng nhằm hạn chế lượng gió do không gian nhỏ; nhà ở quê cánh quạt lại được vát cong nhiều hơn, tăng lượng gió do diện tích lớn. Căn hộ chung cư trần thấp thì có mẫu Elegant, biệt thự phong cách cổ điển được thiết kế riêng mẫu cao cấp Villa.

"Tìm kiếm mẫu mới lạ là câu chuyện không đơn giản. Khi ý tưởng bị thu hẹp, phải tìm đi nhiều, học nhiều, đến nhiều nơi để tìm điểm đặc biệt. Vì vậy mỗi năm chúng tôi chỉ có khoảng 2-3 mẫu", Lê Lan Hương.

Sau doanh số kỷ lục 10.000 quạt bán ra năm 2017, Lê Lan Hương đặt mục tiêu năm 2018 con số này sẽ tăng lên hơn 1,5 lần nhờ vào 3 mẫu chiến lược: Eagle, Villa và Elegant. Xem thêm các mẫu quạt độc lạ tại https://quattran.vn.

Hoài Nhơn

Thiết kế: Thế Bình

Đánh giá phiên bản mới