Thương trường - Thứ ba, 14/8/2018, 00:10 (GMT+7)

Đôi vợ chồng lang thang làm nên kho tri thức khổng lồ cho dân 'phượt'

Ghế công viên thành nơi kết nối hai tâm hồn phiêu lưu để cho ra đời nhà xuất bản du lịch lớn nhất toàn cầu, Lonely Planet.

Với ai muốn tự đến nơi nào đó trên thế giới khi túi tiền không rủng rỉnh, những cuốn sách từ công ty Lonely Planet là chỉ dẫn hàng đầu.

Nếu Sergey Brin không gặp Larry Page, sẽ không có Google; cũng như ba chàng trai đứng sau Airbnb không trọ cùng nhau ngày ấy thì hãng chia sẻ lưu trú 30 tỷ USD đã không ra đời. Và những cẩm nang bỏ túi dân du lịch ngày nay được lưu truyền từ ngày Tony và Maureen Wheeler khoác balo đi vòng quanh châu Á và ghi chép.

Maureen và Tony Wheeler từ thành phố London, Anh, lái xe băng qua châu Á những năm 1970 và sáng lập Lonely Planet tại Australia. Ảnh: Lonely Planet.

Câu chuyện bắt đầu từ chiếc ghế công viên Regent ở London vào một chiều tháng 10/1970. Maureen chỉ định kiếm chỗ yên tĩnh đọc sách.

Cô gái nhìn ra duy nhất một ghế có ánh nắng chiếu vào, nhưng ở đó một anh chàng đã xí chỗ. Ghét việc có thể bị tán tỉnh nếu ngồi ké, Maureen loanh quanh mất vài vòng trước khi quyết định: "Đây đã là năm 1970. Mình có thể ngồi bất cứ nơi nào muốn". Giải pháp cô chọn là tiến đến chiếc ghế ấm nắng, quay lưng vào nam thanh niên và cắm mặt vào sách.

Anh chàng kia chính là Tony Wheeler. Cuộc gặp gỡ trong công viên khiến họ nên duyên vợ chồng chỉ một năm sau đó.

Vợ chồng Wheeler kỷ niệm ngày cưới tại Taj Mahal, Ấn Độ, năm 1972. Ảnh: Wheeler.

Rời London và cứ đi về hướng Đông

Thập kỷ 70 là lúc trào lưu du lịch của giới trẻ đến những vùng đất mà thế hệ trước chưa đặt chân bắt đầu nở rộ. Sau này, kiểu đi ấy thường được hiểu là "phượt". Năm thứ hai sau khi kết hôn, vợ chồng Wheeler quyết định có một năm nghỉ ngơi và du ngoạn.

Đôi trẻ nhắm hành trình đất liền băng qua miền đất Á, bằng cách xuất phát từ London và cứ thế đi theo hướng Đông. Điểm đến trong kế hoạch của họ sau khi rời nơi định cư là: bất cứ đâu.

Trên chiếc ôtô rẻ đến mức nếu hỏng sẵn sàng bỏ lại dọc đường, nhà Wheeler bắt đầu lái xe xuyên châu Âu và đi xa nhất có thể về hướng Đông. Họ lần lượt đi dọc Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Afghanistan, Pakistan rồi Ấn Độ và Myanmar. Hai người dự định sau cùng dừng chân ở Australia, làm việc ở đó một thời gian để tiết kiệm tiền trở về thủ đô nước Anh.

Ngày tha hương, cặp vợ chồng mang theo 400 bảng Anh (khoảng 7.000 USD hiện nay). Hai phượt gia này dựng lều để nghỉ đêm trong phần lớn thời gian trên đất Á, với vườn các khách sạn là địa điểm lý tưởng cho họ.

Góp nhặt tài sản trên những trang giấy

Ngày nay, mọi người có thể dễ dàng mở sách hoặc các ứng dụng hướng dẫn du lịch của Lonely Planet để tìm chỉ dẫn cho các địa danh. Thế nhưng hồi ấy, những gì Wheeler có thể làm là giao tiếp với dân bản địa, dù qua nhiều quốc gia bất đồng ngôn ngữ.

Mặc dù vậy, họ thừa nhận không quá khó khăn để tìm sự giúp đỡ, khi chỉ tay về phía một đường biên giới hay lúc những người ngoại quốc khoác balo được trông thấy như đang lạc đường. Người ta sẽ dẫn họ đến đúng xe bus mong muốn, một khách sạn có thể ở hoặc một quán ăn.

Maureen Wheeler tại thành phố Isfahan, Iran, năm 1972 trên hành trình phiêu lưu đất Á. Ảnh: Wheeler.

Trong nhiều tuần liền, gia đình Wheeler có thể không bắt gặp nổi một gương mặt Tây phương quen thuộc, nhưng rồi bất chợt tìm thấy ở chốn nào đó sau nhiều ngày. Đó là dịp họ dành cả buổi chiều chỉ để trao đổi thông tin như nơi này không tốt, nơi kia nên trải nghiệm.

Tony Wheeler luôn giữ một cuốn nhật ký và siêng năng ghi chép, những thứ đại loại như: từng ở đâu, chi phí bao nhiêu, ngày hôm ấy di chuyển quãng đường dài bằng nào... Ngày ấy, thông tin còn khó tiếp cận, đó là nguồn tri thức quý giá có thể biến thành tài sản kinh doanh về sau của cặp vợ chồng phiêu lưu.

Để có được những nhặt nhạnh trong hoàn cảnh không hề dư dật, hai người chấp nhận giá rẻ nhất cho mọi nhu cầu, như đi tàu hỏa hạng bét hay bằng mọi cách xin quá giang.

Sách Lonely Planet đầu tiên chưa đến 2 USD

Ngày đặt chân được đến Australia, nhà Wheeler chỉ còn vài xu dính túi. Chiếc máy ảnh, vật giá trị duy nhất, lập tức được cầm cố để có 25 USD. Thời điểm đó, 15 USD đủ trang trải chỗ trọ cho họ trong một tuần. 

Maureen sớm xin được việc tại một quán cà phê. Tại đây, cô gái Anh bán cả sandwich và cuối ngày được phép mang hàng ế về làm đồ ăn cho hai vợ chồng.

Nhà Wheeler đi vòng quanh Đông Nam Á trên xe máy Yamaha năm 1974. Ảnh: Wheeler.

Mất một thời gian như vậy, hai người tìm được việc làm ổn định hơn. Kỳ nghỉ dự tính một năm đã kéo dài thành hành trình ba năm.

Tony có công việc marketing tại một hãng dược, còn Maureen thành trợ lý cá nhân trong công ty rượu vang. Họ bắt đầu gặp gỡ nhiều người và đến đâu, những câu hỏi như "anh đã đến nơi nào?", "cô làm sao đến đó được?"... luôn dành cho họ trong cuộc trò chuyện. Mọi người thực sự quan tâm đến kiểu du lịch mà đôi vợ chồng ngoại quốc này đã thực hiện.

Nhiều lần như vậy tái diễn khiến nhà Wheeler nảy ra suy nghĩ rằng thay vì cứ chỉ kể bằng miệng hay viết ra hết lần này đến khác, họ có thể tập hợp thông tin thành sách và bán. Maureen mượn được máy chữ từ văn phòng làm việc về nhà mỗi tối và bắt tay miệt mài.

Tên hãng phát hành của đôi vợ chồng phượt gia ra đời sau khi Tony nghe nhầm ca từ "lovely planet" (hành tinh đáng yêu) của một bài hát du ký thành "lonely planet" (hành tinh đơn độc).

Thời điểm hoàn thành bản gốc đầu tiên năm 1973, Lonely Planet không đủ điều kiện nhân bản ở hãng in lớn. Nhà Wheeler tìm đến một người có chiếc máy in tại gia và tự tay đóng thủ công từng cuốn sách.

Một hiệu sách ở Sydney lần đầu đồng ý mua 50 cuốn cẩm nang du lịch Across Asia on the Cheap của họ với đơn giá vô cùng bèo bọt: 1,8 USD cho 96 trang giấy, cả kho kinh nghiệm về lục địa Á sau bao tháng ngày ròng rã.

Maureen Wheeler bế con khi du ngoạn thung lũng Kathmandu, Nepal, năm 1983. Ảnh: Wheeler.

Ở tiệm sách, Maureen một lần chia sẻ ngẫu nhiên với một phụ nữ cuốn sách về châu Á từ nhà xuất bản có tên Lonely Planet. Người này chưa nghe cái tên trước đó nhưng đồng ý lấy sách và xin số điện thoại trong trường hợp muốn mua thêm.

Tình cờ bạn của người phụ nữ đó là nhà báo, ấn tượng với cuốn cẩm nang và muốn phỏng vấn cặp Wheeler trên truyền hình. Đôi vợ chồng lên sóng chia sẻ về toàn bộ hành trình đi và viết đã trải qua. Đó là lần ra mắt công chúng đầu tiên của hai nhà sáng lập Lonely Planet.

Trong 3 tháng, Wheeler bán được 8.000 bản cuốn sách đầu tiên.

Cuốn trước 'nuôi' cuốn sau

Tiền bán tác phẩm đầu tay không mấy dư dả nhưng đủ cho hai người "thai nghén" chuyến đi và sách tiếp theo. Họ mang theo quyết tâm lên chiếc xe máy Yamaha với điểm đến lần này là Đông Nam Á.

Bấy giờ chiến tranh Việt Nam đang diễn ra. Đông Nam Á vì thế không phải một chốn thăm thú được để mắt. Nhưng điều nhà Wheeler giỏi là nhìn ra sự thay đổi trong tương lai và tiềm năng du lịch của nơi này. Lonely Planet nung nấu cho ra đời ấn phẩm tốt nhất từng viết về du ngoạn Đông Nam Á.

Một năm khám phá qua đi, Wheeler ra mắt cuốn South-East Asia on a Shoestring tại Singapore năm 1975. Sách nhận phản hồi thậm chí tốt hơn cuốn trước đó.

Sau "đứa con" thứ hai , đôi vợ chồng quyết định quay lại Australia một thời gian trước khi về nước. Thế nhưng một quãng đó đã thành mãi mãi, châu Đại Dương không chỉ là nơi khai sinh Lonely Planet mà còn là lựa chọn định cư lâu dài của nhà Wheeler.

Ông bà Wheeler bán hết cổ phần Lonely Planet năm 2011 và hiện vẫn thường 'phượt' cùng nhau. Ảnh: Reuters.

7 năm đầu, chỉ có hai người xoay xở với mô hình kinh doanh và phát triển Lonely Planet chậm chạp. Họ dùng tiền bán mỗi cuốn trước làm nguồn tài chính để đi và "nhỏ giọt" cuốn sau. Nhìn vào căn phòng trọ ngập sách, vợ chồng nhà sáng lập chưa từng dám nghĩ đây có thể trở thành một đế chế xuất bản đa quốc gia một ngày nào đó.

Tuy nhiên, họ chuyển hướng, bắt đầu hành trình tìm kiếm những cây bút khác cho Lonely Planet.

Công ty hai người thành 'đế chế' toàn cầu

Tony Wheeler kể: "Bạn không thể săn lùng tác giả sách du lịch ngoài kia bởi không tồn tại sinh vật như thế. Chúng tôi nói với ai đó rằng nếu bạn có thể đi và quay lại trong một năm rưỡi với một cuốn sách, chúng tôi sẽ xuất bản. Đó là cách thức đã được thực hiện".

Đến cuối thập niên 70, Lonely Planet đứng sau khoảng 20 đầu sách. Cuốn sau đó viết riêng về Ấn Độ, do Wheeler và hai tác giả khác chắp bút, trở thành bước ngoặt cho hãng phát hành. Kho chữ dày 700 trang này có giá gấp đôi những cuốn trước đó nhưng bán được tới 100.000 bản, giúp mô hình công ty nhân đôi.

Các cuốn cẩm nang du lịch của Lonely Planet từ đó nhanh chóng tiếp cận khắp thị trường châu Á và lan ra toàn cầu nhờ độc giả thích thú với những nội dung được viết ra "chân thực, không khoan nhượng hay thiên vị".

Từ những năm 80, Lonely Planet bắt đầu được gây dựng thành mô hình kinh doanh chuyên nghiệp. Thập kỷ sau đó, lần lượt truyền hình và website Lonely Planet ra đời và hút khách.

Cẩm nang bỏ túi của nhà xuất bản Lonely Planet phổ biến với dân du lịch toàn cầu. Ảnh: Matador Network.

BBC mua lại "đế chế" Lonely Planet năm 2007 với giá khoảng 165 triệu USD. Khi đó, hãng phát hành đã bán 60 triệu bản của 500 đầu sách. Bản quốc tế bằng tiếng Anh của họ đã có mặt ở 200 quốc gia, bên cạnh các bản được dịch ra hơn 8 thứ tiếng khác.

Từ năm 2013, tập đoàn truyền thông Mỹ NC2 Media sở hữu lại Lonely Planet từ tay BBC. Ngày nay, Lonely Planet đã trở nên quen thuộc với dân du lịch toàn cầu qua những ấn bản in, điện tử, truyền hình và ứng dụng di động. Hai nhà sáng lập hạnh phúc khi chứng kiến "đứa con" của mình lớn mạnh, tự đứng bằng hai chân kể từ năm 2011, khi bán lại toàn bộ cổ phẩn.

Gần kỷ niệm 50 năm ngày cưới, đôi vợ chồng Wheeler vẫn thường xuyên du ngoạn hàng năm cùng nhau. Đặc biệt, ở tuổi ngoài 70, nhà văn du lịch Tony Wheeler vẫn không mệt mỏi tìm đến những mảnh đất còn chưa đặt chân tới và đang thai nghén 5 cuốn sách tiếp theo.

Quốc Việt
Theo NPR

Đánh giá phiên bản mới