Thời trang - Thứ hai, 11/10/2021, 11:40 (GMT+7)

Xu hướng mặc đồ theo phim giúp các thương hiệu 'cháy hàng'

Sức ảnh hưởng rộng rãi của các bộ phim giúp những trào lưu thời trang hay món đồ diễn viên sử dụng được săn lùng.

Giày lười trắng, bộ đồ thể thao cổ điển và áo liền quần đỏ trở thành những món đồ thời trang được săn lùng nhiều nhất thời gian qua, nhờ sức ảnh hưởng trên toàn cầu của cơn sốt mang tên Squid Game - bộ phim Hàn Quốc đầu tiên đạt hạng nhất trên bảng xếp hạng của Netflix. Theo số liệu từ Sole Supplier, doanh thu đôi giày Vans trắng đạt tới 7.800% sau khi bộ phim công chiếu. Đây là một dẫn chứng cho thấy khả năng ảnh hưởng "khủng khiếp" của phim ảnh tới xu hướng thời trang của công chúng.

'Squid Game' - bộ phim sinh tử tạo cơn sốt về thời trang.

Điện ảnh và thời trang, lâu nay vẫn là hai khái niệm không thể tách rời. Khán giả xem phim không chỉ quan tâm đến nội dung, diễn xuất của các diễn viên mà việc họ mặc gì cũng gây chú ý lớn. Trong nhiều thập kỷ qua, các bộ phim đã mang lại những khoảnh khắc thời trang kinh điển. Từ những năm 1920, khi Hollywood bắt đầu sản xuất phim, cả xã hội trở nên ám ảnh với các ngôi sao điện ảnh. Các hãng phim nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của việc thuê các nhà thiết kế thời trang và stylist để tạo trang phục cho các ngôi sao. Theo University of Fashion, từ đây các thần tượng màn ảnh cũng trở thành hình mẫu để công chúng học hỏi phong cách. Khi Audrey Hepburn diện chiếc váy đen trơn của Givenchy trong Breakfast at Tiffany’s (1961), váy đen (LBD) trở thành món đồ mà mọi quý cô phải có trong tủ đồ. Khoảnh khắc Julia Robers rạng rỡ trên màn ảnh trong Pretty Woman (1990) với chiếc váy đỏ trễ vai, mọi cô gái tuổi teen đều muốn có một phiên bản tương tự để diện đến buổi dạ hội.

Nhiều năm qua, các bộ phim vẫn có sức ảnh hưởng to lớn trong việc định hướng phong cách thời trang của giới mộ điệu. Những tác phẩm như Clueless hay Gossip Girl, Sex in The City... cũng từng tạo nên những làn sóng ăn mặc bắt chước các diễn viên trong phim.

Dù không phải là một tác phẩm về thời trang, việc phục trang trong Squid Game tạo nên cơn sốt tương tự không phải điều khó hiểu. Ra mắt trên Netflix trong bối cảnh hậu giãn cách, các trang phục trong phim rất phù hợp với xu hướng khi thời trang thể thao thoải mái lên ngôi. Theo Lyst Insights, lượt tìm kiếm toàn cầu về bộ đồ thể thao và giày thể thao trắng tương tự các diễn viên trong phim tăng lần lượt là 97% và 145%, trong khi đó bộ đồ đỏ giống quần áo lính canh cũng tăng tới 35%. Gần đến ngày Halloween, việc mặc như các sao Squid Game được cho là cách "hóa trang" đơn giản mà hiệu quả nhất.

'Bridgerton' thúc đẩy lối ăn mặc lộng lẫy với corset (trái), trong khi đó 'Money Heist' truyền cảm hứng cho phong cách streetwear ngổ ngáo với tông đỏ làm chủ đạo.

Theo Vogue Business, phim ảnh đang trở thành kênh truyền bá thời trang. Emily in Paris từng thúc đẩy lượng tìm kiếm mũ xô Kangol, trong khi đó Gossip Girl giúp gu thẩm mỹ preppy trở lại. Bridgerton đã truyền cảm hứng cho xu hướng "Regencycore" thịnh hành trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, với cách phối đồ lộng lẫy theo phong cách cổ điển. Những chiếc áo corset tưởng như lỗi thời quay trở lại mạnh mẽ với vô vàn cách biến tấu để thay vì mặc bên trong như nội y, các cô gái có thể diện ra ngoài một cách đầy gợi cảm và kiêu hãnh. Money Heist - series Tây Ban Nha về một nhóm cướp nhà băng gây sốt trên Netflix cũng tạo ra hiệu ứng tương tự. Bộ áo liền quần đỏ cùng chiếc mặt nạ các diễn viên dùng trở thành biểu tượng. Các thương hiệu thời trang từ Diesel đến Pull and Bear đổ xô sản xuất quần áo ăn theo hình ảnh và phong cách các nhân vật trong phim.

"Ngay cả khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ, các buổi trình diễn thời trang trực tiếp trở lại, tính thẩm mỹ từ các bộ phim nổi tiếng vẫn là cách thông minh để các nhà bán lẻ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng", Vogue Business viết. Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới, từ các tác phẩm như No Time To Die hay House of Gucci đến các drama Hàn Quốc hứa hẹn sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nhà bán lẻ.

Tại Việt Nam, thời trang trong phim cũng dần có sức ảnh hưởng lớn. Theo diễn viên Quách Thu Phương, trước đây khâu phục trang không quá được quan tâm, các diễn viên có xu hướng "có gì mặc nấy". Tuy nhiên theo thời gian, trang phục trong phim Việt Nam càng được chú trọng. "Trang phục không chỉ để khắc họa con người, tính cách nhân vật, còn chiếm khoảng 50% thành công của một bộ phim. Chắc không chỉ riêng tôi mà những khán giả xem phim nước khác như Hàn Quốc chẳng hạn, luôn rất để ý đến khâu trang phục của diễn viên. Tôi nghĩ tạo hình của nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng giúp phim được quan tâm hơn", diễn viên Hương vị tình thân nói.

Bà Xuân - Nam trong tập 33 'Hương vị tình thân'
 
 
Trích đoạn 'Hương vị tình thân'

Thực tế vài năm gần đây, các bộ phim giờ vàng đang định hướng gu ăn mặc của một bộ phận người xem. Sự hợp tác giữa diễn viên và các nhãn hàng giúp các ngôi sao có diện mạo chỉn chu, được khán giả yêu mến, trong khi đó doanh thu các món đồ sao diện cũng tăng vọt.

Năm 2018 khi Quỳnh búp bê lên sóng, Phương Oanh từng tạo nên cơn sốt mặc đồ giống nhân vật của mình trong phim. Những chiếc áo cổ cao không tay hay bộ pyjama nữ tính còn được các shop gọi là "áo Quỳnh, pyjama Quỳnh" và mua bán nhộn nhịp trên mạng xã hội. Với sức hút của Về nhà đi con công chiếu một năm sau đó, các diễn viên cũng tạo nên sức ảnh hưởng về phong cách. Quỳnh Nga chia sẻ cô nhận được quá tải inbox mỗi ngày để hỏi về trang phục mình diện trong phim, trong khi đó Bảo Thanh cũng giúp đồ pyjama lịch sự rộ lên thành phong trào.

Hồng Diễm trong 'Hướng dương ngược nắng'.

Thay vì tự chuẩn bị trang phục, Hồng Diễm là một trong những diễn viên phim truyền hình Việt Nam đầu tiên thuê stylist để có cả trăm bộ đồ trong Hướng dương ngược nắng. Cô được xem là "biểu tượng thời trang công sở" nhờ khả năng lăng xê loạt thiết kế hợp mốt.

Vân Nguyễn, chủ thương hiệu Vividress, chia sẻ: "Thương hiệu thời trang của tôi từng tài trợ trang phục cho nhiều diễn viên như Hồng Diễm, Quỳnh Kool, Khả Như, Thu Hoài... Khi phim của các diễn viên lên sóng, nhiều trang phục tạo hiệu ứng. Mỗi ngày chúng tôi nhận được hàng chục inbox để hỏi mua set đồ của các diễn viên. Có nhiều mẫu từ các bộ sưu tập trước nhưng được stylist sử dụng trong phim nên cũng góp phần tăng trưởng doanh thu".

Chị Vân nói thêm, trong thời dịch vừa qua, trang phục của chị may mắn góp mặt trong nhiều bộ phim, trong đó có sự lăng xê của diễn viên Kiều Anh phim Ngày mai bình yên. Gu ăn mặc trẻ trung, đầy màu sắc giúp Kiều Anh thoát khỏi hình ảnh quen thuộc. Một vài set đồ được Kiều Anh mặc thậm chí còn được yêu thích đến mức trở thành "đặc điểm nhận diện" của nhân vật dì Mai. "Việc phủ sóng thương hiệu trên màn ảnh giúp giữ lượng doanh thu bán hàng ổn định, không bị sụt giảm ngay cả trong bối cảnh dịch phức tạp", chị Vân cho biết.

Trang phục dấu ấn của Kiều Anh trong 'Ngày mai bình yên'.

Trong 11 tháng 5 ngày, diễn viên Khả Ngân gây ấn tượng với phong cách sang chảnh đậm chất tiểu thư. Dù đóng vai con nhà giàu, cô không diện hàng hiệu mà tích cực sử dụng đồ của các thương hiệu Việt. Lối mix đồ đẹp mắt và dễ học hỏi giúp Khả Ngân tạo cơn sốt thời trang, sức bán của nhiều thương hiệu được cô diện trong phim cũng tăng đáng kể. Dưới những hình ảnh được Khả Ngân đăng tải, khán giả liên tục hỏi tìm mua váy áo giống cô mặc.

"Tôi bất ngờ về hiệu ứng của thiết kế Anne Set khi hình ảnh Khả Ngân lên sóng. Mỗi ngày, thương hiệu nhận được quá tải đơn hàng, trang phục trở thành best-seller và luôn trong tình trạng sold-out. Khách hàng muốn sở hữu đôi khi phải đặt và chờ đợi. Nhiều khách hàng còn tâm sự với tôi về bộ phim. Thế mới cảm nhận được tình cảm của khán giả dành cho nhân vật Tuệ Nhi là rất lớn", Vân Vui, chủ thương hiệu Van Studios nói. Cũng nhờ set trang phục Khả Ngân mặc được ủng hộ nồng nhiệt, Vân Vui cho biết doanh thu thương hiệu của cô trong tháng qua tăng tới hơn 50%.

Khả Ngân tạo hiệu ứng với trang phục trong '11 tháng 5 ngày'.

Diễn viên Khả Ngân nhìn thấy sự phát triển của thời trang Việt Nam gần đây, từ mẫu mã đến chất lượng. Vì vậy khi vào vai Tuệ Nhi, cô ưu tiên đồ từ các local brand. "Nhiều trang phục sau khi tôi diện được khán giả hỏi tìm mua, đó là điều khá thành công", người đẹp nói.

Theo CNBC, Hàn Quốc đã làm rất tốt trong việc lan tỏa làn sóng Hallyu. Thành công của các bộ phim tạo nên hiệu ứng vượt bậc trong ngành bán lẻ, từ thời trang đến mỹ phẩm. Hồi Vì sao đưa anh tới lên sóng, son môi Jun Ji Hyun dùng trong phim hết veo ở Hàn Quốc, còn đôi giày Jimmy Choo "bay sạch khỏi giá" ở Trung Quốc sau khi xuất hiện trong phim. Việc nam chính Kim Soo Hyun đeo ba lô Samsonite cũng giúp doanh thu bán hàng tăng đột biến, giúp anh có được hợp đồng quảng cáo với thương hiệu này. Việc hợp tác giữa các diễn viên và thương hiệu vì vậy đang trở thành một xu hướng "đôi bên có lợi", giúp hiệu ứng của cả bộ phim và trang phục thêm lan tỏa.

Trang Shaelyn

Đánh giá phiên bản mới