Thứ hai, 15/2/2021, 09:33 (GMT+7)

Tục làm giấy bản đón năm mới của người Mông

Thanh HóaNgày cuối cùng của năm cũ, người Mông ở miền tây Thanh Hoá có tục lệ thay xử ca (bàn thờ) đón tết. Bàn thờ đơn giản là tờ giấy bản được phụ nữ trong nhà làm thủ công.

Một ngày giữa tháng Chạp, bà Thao Thị Cho, 56 tuổi, ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát cùng con gái và nhiều người trong bản Cá Nọi đeo gùi vào rừng đi tìm cây giang. Trong khoảng một tuần, bà Cho sẽ nghỉ hầu hết việc nương rẫy để đốn cây, làm giấy bản chuẩn bị đón năm mới.

“Đây là công việc linh thiêng không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Mông. Bất kể gia đình nào trong bản đều phải có giấy ngày tết…”, bà Cho nói.

Dịp cuối năm nào, phụ nữ Mông có gia đình ở Mường Lát cũng phải thức khuya dậy sớm hì hụi làm giấy bản. Họ không biết tục lệ này xuất phát từ đâu và có từ bao giờ, “chỉ biết nó được truyền từ đời này sang đời khác”.

Giấy do người Mông làm thủ công có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo từng vùng. Người Mông ở miền tây Thanh Hóa gọi là giấy bản. Theo người dân địa phương, làm giấy bản không có công thức chung nào, nhưng để có tờ giấy đẹp thì mỗi gia đình sẽ giữ bí kíp riêng.

Dù có khác bí kíp đôi chút song nguyên liệu chính để làm giấy bản đều được lấy từ thân cây giang hoặc các loại cây họ tre luồng mọc rải rác trên các sườn đồi. Ngoài ra, một thành phần không thể thiếu để tạo chất kết dính là vỏ của các loài cây chứa nhớt.

Làm giấy bản đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, có những công đoạn khá nặng nhọc song đàn ông không tham gia. Hầu hết mọi công đoạn đều do phụ nữ đảm đương.

Hôm nay, phụ nữ trong bản và mẹ con bà Cho thức dậy từ tờ mờ sáng. Đeo chiếc gùi lên vai cùng con dao quắm, họ băng rừng đi tìm nguyên liệu.

Sau chừng hơn một giờ đi bộ băng qua mấy con suối, bà Cho cũng tìm được một bụi giang ưng ý. Bà vung dao đốn hạ những cây đang thì bánh tẻ, lóng đẹp, không bị sâu. “Cần chặt bỏ mắt, chỉ lấy phần lóng dài từ 40-60 cm…”, người phụ nữ lý giải.

Mất hơn nửa buổi, mẹ con bà Cho mới gom đầy hai gùi ống giang nặng chừng 40 kg. Gần trưa, họ nhọc nhằn về bản. Ăn vội nắm xôi đồ từ nếp nương, nhóm phụ nữ Mông lại tất tả quay vào rừng để lấy cho đủ số cây định dùng. Mất hai ba chuyến ra vào rừng như vậy, bà Cho mới hoàn thành việc tìm nguyên liệu.

Sau khi lấy giang, họ tiếp tục tìm các loại cây rừng chứa nhiều nhớt, lấy phần vỏ đủ cho tỷ lệ 70% cây giang hoặc vầu và 30% vỏ cây có nhớt.

Ngày hôm sau, những phụ nữ trong nhà xúm lại cùng nhau dùng dao tước cẩn thận để loại bỏ phần cật (vỏ) màu xanh bên ngoài, chẻ ra thành từng thanh nhỏ như chiếc đũa rồi rửa sạch.

Bước tiếp theo, họ xếp lần lượt vào chiếc chảo lớn để nấu cùng với các loại vỏ cây. Thường thì thời gian đun nấu mất 12-15 tiếng, đến khi nào thanh giang nứt nhừ thì dập lửa.

Nguyên liệu sau đó được vớt ra, đem ngâm độ 2-3 ngày mới đem giã nhuyễn thành bột. Họ dùng vải màn lọc thật kỹ để loại bỏ phần bã và cho ra thứ hỗn hợp để làm giấy.

“Từ nhỏ tôi đã thấy mẹ mình làm giấy mỗi dịp gần Tết Nguyên đán”, bà Cho nói. Người phụ nữ cho hay, quá trình làm giấy nghe thì có vẻ đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm thì mới thấy cầu kỳ, vất vả.

Theo những người có kinh nghiệm, việc chọn nguyên liệu quyết định đến 80% chất lượng giấy bản. Giang, nứa hoặc vầu phải tìm được những cây óng xanh, không bị sâu. Khi nấu cùng với vỏ cây có nhớt cũng cần để ý canh chừng không để nước cạn, nếu bị cháy khét thì coi như bỏ đi cả mẻ. Lúc giã và lọc để lấy hỗn hợp làm giấy phải thật đều tay, nếu lọc sơ sài thì chất lượng giấy không mịn, còn lọc kỹ quá thì độ kết dính sẽ giảm cũng làm ảnh hưởng đến độ bền của giấy.

Khâu cuối cùng của việc làm giấy bản là rải đều hỗn hợp lên khuôn, công đoạn này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. “Nếu gia đình nào làm đúng hôm trời khô ráo, phơi được nắng giấy sẽ trắng mịn, không bị xỉn màu. Nếu gặp trời mưa hoặc bữa nồm ẩm, giấy sẽ không đạt yêu cầu”, chị Va Cá Dua, bản Pù Toong, xã Pù Nhi tiết lộ.

Mỗi tấm giấy của người Mông thường có kích thước 1,2 m x 1,5 m, mỗi gia đình dịp cuối năm sẽ làm 3-5 tấm. Giấy bản ngoài được sử dụng làm xử ca (bàn thờ) mới vào ngày 30 tết còn được dùng trong nhiều nghi lễ quan trọng của đồng bào Mông như cúng tế, đám ma… Nó như một vật tế có ý nghĩa gắn kết giữa người sống và tổ tiên đã khuất.

Xử ca của người Mông đơn giản chỉ là một tấm giấy dài khoảng 30 cm, rộng hơn 20 cm, được treo trên tường nhà đối diện hướng từ cửa chính đi vào.

“Quan niệm thay giấy bàn thờ gia tiên mỗi khi năm hết tết đến là nghi lễ thể hiện lòng kính trọng, nhớ về tổ tiên, cội nguồn của đồng bào Mông”, ông Lầu Văn Ly, chuyên viên Phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Mường Lát cho hay.

Theo ông Ly, tục làm giấy bản của đồng bào Mông có từ lâu đời. Các cô gái khi lớn lên, trước khi về nhà chồng, ngoài may vá thêu thùa còn phải biết làm giấy bản. Họ sẽ được người mẹ chỉ dạy cách làm giấy.

Theo quan niệm của người Mông ở Mường Lát, chỉ có giấy bản do chính tay những người phụ nữ làm ra từ các loại cây rừng mới linh thiêng và mới được sử dụng vào những việc hệ trọng của mỗi gia đình. Do vậy, trên thị trường hiện có rất nhiều loại giấy nhưng không loại nào có thể thay thế được giấy bản.

“Năm mới đến, dù là gia đình giàu có hay khó khăn đều phải có giấy bản mới để thay xử ca…”, ông Ly chia sẻ.

Tục làm giấy bản đón năm mới của người Mông
 
 

Phụ nữ Mông làm giấy bản đón năm mới. Video: Lê Hoàng.

Lê Hoàng

Đánh giá phiên bản mới