Thương trường - Thứ bảy, 18/8/2018, 00:10 (GMT+7)

Kỹ sư bỏ việc lương nghìn USD về quê cứu nước mắm truyền thống

Ám ảnh với mùi mắm tuổi thơ, Lê Anh bán cả nhà tích góp, mua thùng gỗ trăm triệu đồng để ủ loại mắm truyền thống có vị thanh.

Mất nhiều thời gian để ghi nhớ thành phần một chai nước mắm công nghiệp, nhưng rất nhanh cho một người thuộc làu nguyên liệu nước mắm truyền thống của anh Lê Anh, chỉ gồm: cá cơm và muối.

Mắm truyền thống thường bị định kiến vị mặn, mùi nồng và quy trình sản xuất chưa sạch. Bước chân vào lĩnh vực mà cho rằng chỉ người già mới làm, chàng kỹ sư trẻ quyết xóa tan định kiến trên.

Anh phải trả giá bằng việc chống lại kỳ vọng "rời lũy tre làng" gia đình dành cho mình và một thân lặn lội suốt thời gian đầu để tìm ra công thức riêng.

Lê Anh là kỹ sư xây dựng trong 10 năm, trước khi mở xưởng mắm sạch tại Thanh Hóa.

'Về lũy tre làng' với nghề mắm cơ cực

Năm 2015, anh Lê Anh, ở tuổi 30, đang là kỹ sư xây dựng cho công ty Hàn Quốc với mức lương vài nghìn USD. Hạng mục anh làm cho nhà thầu có nhà ga sân bay Nội Bài và công trình lọc dầu. 

Nhưng anh nói: "Sinh ra trong một làng quê có nghề mắm, từ nhỏ mùi mắm đã in sâu vào ký ức tuổi thơ tôi". Anh kỹ sư chưa quên những trưa hè mẹ khuấy mắm trong chum rồi hương vị của biển bốc lên. 

Người con vùng biển Thanh Hóa kể làm mắm cực. Muốn mắm ngon, cá phải tươi. Cá tươi phải mua từ thuyền đánh bắt. Hồi nhỏ, cậu bé Lê Anh chứng kiến bố mẹ đi chợ ngoài biển lúc 3-4h sáng là chuyện thường. Rồi việc chăm cá với muối sau đó như chăm con mọn.

Nghĩ về mắm cách đây ba năm, người trẻ này cũng bị nạn thực phẩm bẩn thôi thúc thay đổi bằng sản phẩm sạch và nguyên bản của quê hương.

Nước mắm truyền thống Lê Gia có vị thanh, mùi dịu và màu vàng tươi hổ phách.

Kỹ sư xây dựng kinh nghiệm 10 năm bỏ việc và dấn thân vào một thị trường vô cùng khốc liệt. Nước mắm công nghiệp thống lĩnh còn nước mắm truyền thống bị định kiến.

Mở xưởng trên chính mảnh đất ông bà, anh Lê Anh quyết xóa bỏ định kiến và giành lại phần nào vị thế cho nước mắm truyền thống. Với anh, đó là một nét tinh hoa từ nghìn đời của văn hóa Việt và anh trăn trở việc các làng nghề truyền thống tương tự có nguy cơ mai một.

Cả gia đình đồng loạt phản đối dữ dội, còn vợ anh không ý kiến gì. Chàng startup mắm mang tiếng "điếc không sợ súng" khi chọn con đường vừa cực nhọc vừa chông gai.

Đi tìm khác biệt

Chặng đường để một người đến sau như mình tìm nên khác biệt, anh Lê Anh kể, chan nước mắt.

Không làm thì thôi, đã làm, anh kỹ sư chọn thùng gỗ quý thay vì chum vại để ủ mắm và đầu tư mọi thứ chỉn chu nhất có thể với hoài bão xóa định kiến mắm truyền thống.

Lê Anh bán nhà để đủ tiền đóng những thùng gỗ bời lời với chi phí 100 triệu đồng mỗi chiếc, cho ra sản lượng 1.500 lít sau tới 18 tháng ướp ủ chăm bẵm cá-muối. So sánh với đóng thùng gỗ sồi làm rượu vang, anh cho rằng nếu không làm thế thì không thể ra loại mắm mà vị, mùi, màu đều thanh. 

Cho ước mơ dài hạn, vợ chồng anh hiện đi thuê nhà để ở.

"Mắm truyền thống là 'hộ chiếu' ẩm thực của người Việt khi bước ra thế giới", anh Lê Anh nói.

Ban đầu, cựu kỹ sư lang thang đến nhiều làng nghề để học hỏi làm nước mắm. Anh cũng kết hợp tư vấn của chuyên gia khoa học thực phẩm. Lê Anh sau đó mất nhiều tiền thử nghiệm những mẻ cá khác nhau và tỉ lệ pha trộn cá muối thay đổi. Sau nhiều phép thử vừa tốn sức vừa tốn kém, Lê Gia mới tìm ra bí quyết mắm riêng.

Chủ nhân 33 tuổi tự hào nước mắm truyền thống của mình vị thanh, mùi dịu và có màu vàng tươi hổ phách. Khác biệt để cảm nhận, theo anh tả, là cái mặn đầu lưỡi và hậu vị ngọt tự nhiên ở cuống họng.

Vợ chồng anh Lê Anh gọi vốn thành công 6 tỷ đồng từ Shark Tank Việt tháng 7/2018. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Trong văn phòng ở Hà Nội, anh Lê Anh đọc vanh vách xuất xứ của từng yếu tố làm nên một chai mắm Lê Gia, từ cá cơm tươi béo của biển Thanh Hóa, muối tinh Bà Rịa-Ninh Thuận cho đến chai thủy tinh Thái Lan hay nhập từ nhà máy thủy tinh Hải Phòng.

Sự tỉ mỉ của anh kỹ sư vẫn thể hiện rõ khi nói chính xác kích thước từng thùng gỗ rồi việc tính toán thiết kế nắp chai sao cho người dùng tiện điều chỉnh lượng rót, điều tưởng nhỏ nhưng ảnh hưởng đến cảm giác sạch sẽ lúc cầm trên tay một chai nước mắm.

Chiến lược của kẻ đến sau

Nước mắm truyền thống Lê Gia (nhãn xanh da trời) cạnh tranh các nhãn nước mắm khác trong siêu thị.

Là người đến sau và bởi gian nan khi chào hàng trực tiếp người tiêu dùng vốn phần lớn ưa chuộng nước mắm công nghiệp, anh Lê Anh chọn tấn công thị trường ngách làm bước đi đầu tiên. Anh ra mắt nước mắm cho bé, kỳ vọng các bà mẹ tin dùng rồi sau chọn thương hiệu Lê Gia cho các sản phẩm mắm khác.

Trình bày tâm huyết làm mắm tự nhiên, Lê Anh nhận sự đồng cảm để sớm có mặt ở siêu thị mẹ và bé và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Đây trở thành cú hích cho sự lan tỏa của nhãn hiệu này. Ngoài hai cơ sở trên, nước mắm cho bé Lê Gia hiện có mặt trong hệ thống bán đồ trẻ em khắp cả nước.

Một chiến lược khác được đặt ra là tận dụng tiếng sẵn có của mắm tôm, mắm tép Thanh Hóa có khả năng bán nhanh nhằm "lấy ngắn nuôi dài". Lê Gia cũng đa dạng hóa với các sản phẩm chế biến khác như mắm nêm, kho quẹt...

Điều kỹ sư làm mắm mừng là Lê Gia vượt qua những vòng kiểm định vô cùng gắt gao để lên kệ một siêu thị lớn trong năm qua. Chỉ có 4-5 nhãn nước mắm truyền thống được chọn bán ở đây. Ngoài các hãng từ Phú Quốc, một từ Hải Phòng, Lê Gia là đại diện duy nhất từ vùng biển miền Trung.

Chủ nhân của nó vẫn lên kế hoạch tiếp tục phủ thêm nhiều siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch toàn quốc, bên cạnh chào hàng các khu du lịch và hội chợ. 

Anh Lê Anh còn kết hợp với du lịch địa phương, điển hình là khách tham quan biển Hải Tiến (Thanh Hóa) được chào đón đến xưởng mắm cách đó 2 km để tận mắt chứng kiến những công đoạn làm mắm. Minh bạch quy trình sản xuất là điều cốt lõi trong sứ mệnh mắm sạch của chàng kỹ sư.

Cá cơm và muối Bà Rịa-Ninh Thuận được ướp trong thùng gỗ tốt và 'chăm bẵm' trong 18 tháng để ra nước mắm.

Sứ mệnh với gia vị truyền thống Việt

Tổng doanh thu năm 2017 của Lê Gia là 6 tỷ đồng. Con số cho quý I/2018 đạt mức hơn 2 tỷ đồng. Trong 2 năm tới, nhãn hiệu này dự định dẫn đầu thị phần nước mắm cho bé và thị phần mắm tôm.

Mục tiêu xa hơn của anh Lê Anh không chỉ là mắm mà đem những gia vị truyền thống, nguyên bản và tự nhiên đến mâm cơm người tiêu dùng Việt.

Cựu kỹ sư cũng tìm kiếm nguồn đầu từ để xuất khẩu bởi với anh, đó còn là xuất khẩu cả một nền văn hóa. Nghề mắm truyền thống không hấp dẫn về mặt tiền bạc, nhưng là "hộ chiếu" ẩm thực của người Việt Nam khi bước ra thế giới, theo cách Lê Anh gọi.

Anh tâm niệm: "Làm mắm truyền thống gắn với cuộc sống của nhiều tầng lớp yếu thế trong xã hội như ngư dân, diêm dân cũng như người lao động nghèo khác ở các vùng quê và là một nghề cần gìn giữ".

Quốc Việt
Ảnh: NVCC

Đánh giá phiên bản mới