Ngôi sao của năm 2018 - Thứ ba, 11/12/2018, 00:10 (GMT+7)

Dương Thúy Vi - cả thanh xuân cống hiến cho thể thao

Vì thành tích của thể thao Việt Nam, cô gái sinh năm 1993 thừa nhận phải đánh đổi tuổi thơ, chịu đựng chấn thương và cả nỗi buồn thất bại.

Sau thế hệ của Trà My, Mai Phương, Thúy Hiền... Thúy Vi chính là gương mặt nổi bật nhất của đội tuyển wushu Việt Nam. Cô làm được điều mà các thế hệ đàn anh đàn chị wushu chưa làm được là đứng lên bục cao nhất ở ASIAD, tại Incheon 2014. Bốn năm sau, cô không thể bảo vệ thành công tấm HCV (giành HCĐ ASIAD 2018), nhưng đó cũng có thể coi là thành công sau thời gian dài chống chọi chấn thương. Thúy Vi là tấm gương cho các đàn em về nghị lực và quyết tâm vươn lên, dù khởi đầu không thực sự hoàn hảo.

Thúy Vi là con nhà nòi về võ, có bố là võ sư Thiếu lâm trong khi mẹ từng theo học Vịnh Xuân Quyền và có giai đoạn theo nghiệp điền kinh. Tuy nhiên, việc Thúy Vi được cho học võ từ nhỏ lại có nguyên nhân khác, chứ bố mẹ cô không tưởng tượng tới ngày con mình lại theo nghiệp võ truyền thống của gia đình.

Thuý Vi đến với wushu với mục đích ban đầu chỉ là cải thiện sức khoẻ.

Thể chất Thúy Vi vốn không tốt. Cô gái sinh năm 1993 thường bị ốm vặt, dễ tổn thương mỗi lần thời tiết đột ngột thay đổi. Mùa đông ở Hà Nội là thứ khiến Thúy Vi rất thích nhưng cũng khiến cô khó chịu vì dễ bị cúm hay viêm xoang. Thế nên từ năm 8 tuổi, cô được cho đi học wushu, môn võ vốn không đòi hỏi quá nhiều thể lực mà thiên về kỹ thuật.

"Ông bố nào chẳng muốn con mình mạnh khỏe và tôi chọn cách cho con học võ", bố của Thúy Vi kể lại.

Lúc nhỏ giống con trai, cá tính mạnh

Thuý Vi bề ngoài nhỏ nhắn nhưng có cá tính mạnh.

Bên trong vẻ ngoài nhỏ nhắn ấy lại là một cô gái cá tính và có ý chí mạnh mẽ. Từ ngày tập võ năm 8 tuổi, Thúy Vi tự đạp xe đi về 7 km từ nhà đến nhà thi đấu ở Hà Đông. Bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ của Thúy Vi, từng kể khi con gái lên 5, một lần bị mẹ vụt mấy roi, bố xót con nên bế Vi chạy ngoài. Nhưng cuối cùng thì cô bé Vi 5 tuổi lại giằng ra sẵn sàng vào nhà cho mẹ đánh tiếp. "Tính tình thì giống bố, có vài chiếc váy nhưng rất ít khi mặc, tôi bảo nó đi sửa lông mày một chút cho đẹp hơn thì nó gạt phắt đi", mẹ Thúy Vi nhớ lại.

Năm 15 tuổi, Thúy Vi đã một mình lên núi Võ Đang (Trung Quốc) dự giải wushu truyền thống thế giới và giành HC vàng trong cuộc tỉ thí với rất nhiều cao thủ người bản địa.

Tài năng bộc lộ

Đến với wushu chỉ vì tình cờ nhưng không ngờ Thúy Vi lại có tố chất với môn võ này. Hồi mới đi học, thầy giáo yêu cầu Vi chụm chân lại bật nhảy xem xa bao nhiêu. Các thầy đã rất bất ngờ bởi "con bé còi" lại bật xa tới 1,50m, vượt qua cả các đàn anh đàn chị. Ngay từ khi đó, các HLV dạy võ tại nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức nhận xét Dương Thuý Vi là viên ngọc thô cần được mài giũa cẩn thận.

Ngay cả Thúy Hiền, người từng giành bảy HC vàng wushu thế giới cũng đánh giá Thúy Vi rất cao. "Từ lúc Thúy Vi còn nhỏ, tôi đã đánh giá em ấy rất có tiềm năng. Thúy Vi có sức bật rất tốt, thái độ nghiêm túc trong tập luyện và thi đấu", cô gái vàng của thể thao Việt Nam từng chia sẻ.

Thuý Vi bắt đầu tạo dựng được tên tuổi từ năm 2013.

Có tố chất, được tập trung đào tạo, Thúy Vi rồi cũng đến ngày gặt hái vinh quang. Nhưng đó là sau quá trình dài nỗ lực luyện tập, thi đấu và cũng không ít lần hứng chịu thất bại. Mãi cho đến năm 2013, Thúy Vi mới giành HC vàng đầu tiên trong sự nghiệp và đó lại là cú đúp HC vàng. Ở SEA Games 2013 tại Myanmar, Thúy Vi giành HC vàng ở nội dung biểu diễn đao thuật và đây cũng là tấm HC vàng đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam ở đại hội.  Từ đó, cô có duyên mở hàng vàng cho thể thao Việt Nam. Cũng trong năm đó, Thúy Vi lần đầu tiên lên đỉnh thế giới với HC vàng nội dung thương thuật.

Nhưng phải đến một năm sau, cái tên Thúy Vi mới trở nên thật sự nổi bật. Tại ASIAD 2014 ở Incheon (Hàn Quốc), Thúy Vi giành HC vàng nội dung thương thuật và đao thuật. Cho đến tận bây giờ, đó vẫn là HC vàng duy nhất của wushu Việt Nam tại đấu trường Á vận hội. Thúy Vi đã làm được điều mà thế hệ đàn chị đi trước như Phương Lan, Thúy Hiền, Ngọc Oanh, Mỹ Đức... không thể đạt tới do vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ những võ sĩ rất mạnh của Trung Quốc.

Kể từ đó, Thúy Vi không có đối thủ ở SEA Games khi tiếp tục giành HC vàng vào năm 2015 và 2017. Đặc biệt ở kỳ SEA Games gần nhất tại Malaysia, Thúy Vi giành đến hai HC vàng nhờ các bài thi có độ khó cao và hoàn thành một cách xuất sắc, khiến ban giám kháo cũng khó lòng thiên vị VĐV chủ nhà.

Bao ngày vật vã vì chấn thương

Năm 2008, trong một lần biểu diễn, Thúy Vi bị trật cổ chân nhưng vẫn cố hoàn thành bài thi. Sau đó, cô phải nhờ đồng đội bế ra ngoài sàn đấu. Từ những ngày tập luyện cho đến khi ra sân thi đấu, Thúy Vi luôn phải sống chung với chấn thương, từ gối, đùi cho đến cột sống. Đó là chưa kể vì thể chất không tốt từ nhỏ nên cô hay bị bệnh vặt, đặt biệt là cảm cúm.

Thuý Vi từng gặp rất nhiều chấn thương nhưng điều này không khiến cô nản chí.

Trước thềm SEA Games 2013, Vi bị chấn thương còn không cúi nổi người, đi lại khó khăn. Đi gặp bác sĩ thể thao chữa mãi vẫn không khỏi nhưng may là "ngón nghề" gia truyền của bố Thúy Vi lại phát huy tác dụng. Chính tay ông đã bấm huyệt cho con gái để Thúy Vi có thể lên đường tới Myanmar với thể trạng tốt nhất.

"Giờ nó cứ lên xuống cầu thang là đầu gối lại lạch cạch, vẫn phải đi châm cứu", mẹ Thúy Vi nói thêm. "Trong giai đoạn tập luyện tiền SEA Games, Vi tập căng cơ nhiều đến mức đôi lúc còn không ngồi được, phải nhờ bố bóp chân cho bớt đau".

Tại SEA Games 29, Thúy Vi gặp nhiều chấn thương sau thời gian dài tập luyện và thi đấu. Nhưng từ khi tới Kuala Lumpur, cơn đau của nữ vận động viên tăng lên nhiều vì những áp lực tâm lý và mong muốn mang vàng về cho đoàn Việt Nam. Sau khi giành được HC vàng nội dung kiếm thuật, Vi ngây ngấy sốt, cảm cúm, hắt xì liên tục, đau toàn bộ vùng xoang mũi, cộng thêm vết thương ở cổ chân và đầu gối chưa lành. Tuy nhiên cô không thể uống thuốc do lo sợ doping. Dù vậy, sau đó Thúy Vi vẫn xuất sắc giành thêm HC vàng nội dung thương thuật.

Thuý Vi cho biết cô không hối tiếc vì dành trọn thanh xuân cho thể thao.

"Tuổi thanh xuân của tôi gắn liền với phòng tập, với mồ hôi, nước mắt. Chúng tôi đã đánh đổi tuổi trẻ, thanh xuân, thời gian cho gia đình để dành hết cho ngày hôm nay. Sau những tấm huy chương là một câu chuyện rất dài... Nếu chẳng may chấn thương nặng sẽ phải lên bàn mổ, có thể phải bỏ luôn giấc mơ của mình, nhưng tôi không bao giờ đầu hàng và gục ngã" - Thúy Vi khẳng định.

Hữu Nhơn

Đánh giá phiên bản mới