Showbiz - Thứ ba, 18/12/2018, 09:00 (GMT+7)

Bạch Long - người đàn ông mang ‘một triệu nỗi buồn’

Cuộc đời Bạch Long vừa gợi về một nhân vật bước ra từ truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, vừa như một hình ảnh trong khúc bolero của Châu Kỳ.

"Ai nói tới chữ nghèo là nước mắt anh rơi" - Bạch Long nói với Trấn Thành. Hôm đó, anh làm khách mời của chương trình Sau ánh hào quang. Hôm đó, anh cùng người dẫn nói rất nhiều về cái nghèo. Và họ khóc nhiều lần. Trong phiên bản đăng lên YouTube, nhà sản xuất Đông Tây đặt tên chương trình ấy là "Bạch Long - Triệu tiếng cười, triệu nỗi buồn".

Bạch Long hay kể về một câu chuyện làm người ta nhớ đến Kép Tư Bền, một biểu tượng của kiếp cầm ca. Trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, kép Tư Bền vẫn phải đi diễn khi người cha đang trên giường hấp hối. Anh Tư Bền nợ tiền người ta, không trốn được buổi diễn. Người nghệ sĩ hài đứng trên sân khấu "phải hò, hét, ngâm, cười, múa, nhảy để mua gượng lấy những tràng vỗ tay", còn bên trong ruột "xót như muối". Bên cánh gà, tiếng người vọng ra thông báo ở nhà nguy kịch lắm. Rời sân khấu, sau những tiếng vỗ tay, là khi Tư Bền nhận tin cha đã trút hơi thở cuối cùng.

Bạch Long giống Tư Bền của Nguyễn Công Hoan ở chỗ cũng là người diễn "tuồng cổ". Và anh cũng phải lên sân khấu, trong ngày mẹ nuôi anh mất. Cha mẹ của Bạch Long sợ rằng họ không có số nuôi con trai, sau khi người con đầu qua đời. Anh được gửi ở nhà người cô ruột, rồi khi lớn lên, vẫn ở lại chăm sóc bà lúc neo đơn. Ngày bà mất, anh cũng phải đứng trên sân khấu chọc cười cho người ta. Miệng cười, lòng đau. Lúc rèm hạ, thì người mẹ nuôi nấng từ tấm bé, cũng đã được khâm liệm cho vào quan tài.

Trong "Kép Tư Bền" có cảnh trước lúc lên sân khấu, người diễn viên cứ đánh mặt, nước mắt chảy ra, lại dặm phấn, rồi lại khóc. Cũng như nhiều người nghệ sĩ trước giờ ra ánh đèn, Bạch Long từng như thế. Hôm ấy, anh đã phải đánh mặt ba lần, rồi mới quyết định ngừng khóc, bước lên sân khấu. Đó là ngày chàng nghệ sĩ nghèo nhận thiệp cưới của người yêu.

Khi ấy, đời người nghệ sĩ lại giống lời hát của một khúc bolero, của Châu Kỳ hay Vinh Sử. Đấy chính là lúc mà "ai nói tới chữ nghèo là nước mắt anh rơi".

Năm 20 tuổi, Bạch Long quen người con gái đầu tiên. Cô bán nước ở rạp, biết và thương anh, rồi tự qua nhà chăm sóc mẹ anh đau yếu. Bạch Long khi ấy chỉ là "thằng kép phụ", tiền diễn còn không đủ để nuôi mẹ. Cô biết anh nghèo, tự bỏ ống để dành tiền cưới.

Hai tuần sau ngày mẹ nuôi anh mất, cha cô tìm gặp anh. Ông mời anh đi uống cà phê, rồi hỏi: "Bây giờ cậu cưới con tôi rồi cậu làm cái gì cậu nuôi nó?". Nói rồi ông đứng dậy đi về. Anh ngồi khóc. Chẳng bao lâu, người yêu anh đi lấy chồng.

Đến năm 30 tuổi, Bạch Long mới dám yêu lại. Cô là một khán giả hâm mộ anh. Họ yêu nhau tới mười năm, đi qua những quãng khốn khó nhất của cuộc đời anh, khi nhóm Đồng ấu cải lương của Bạch Long tan rã, trắng tay, đã có lúc nghĩ quẩn. Nhưng rồi đúng vào lúc sự nghiệp ổn lại, được đi diễn, có lại tiền, thì cô gửi anh thiệp cưới.

Mẹ cô đòi tự vẫn "nếu mày lấy thằng Bạch Long". Người ta nói bọn nghệ sĩ không chung thủy, nay yêu mai bỏ. Đời anh cũng không có gì ổn định. Trước đó là bốn năm thất nghiệp, không một đồng dính túi. Cái bữa người yêu sắp cưới giới thiệu chồng sắp cưới, Bạch Long chết đứng, chỉ ngồi đó nhìn cô và lắc đầu. Anh vẫn nhớ ngày cô gửi thiệp tới đoàn cải lương Minh Tơ. Anh em trong đoàn thấy anh khóc, cũng khóc, rồi vỗ vai: "em phải diễn để chứng minh cho người ta thấy". Bạch Long nuốt nước mắt, lên sân khấu diễn.

Năm 50 tuổi, anh xuất hiện trên truyền hình, và nói rằng cho đến tận hôm nay anh vẫn còn yêu cô.

Buổi tối hôm ấy, có người gọi điện thoại tới. "Anh Bạch Long à, thay mặt gia đình xin lỗi anh". Anh ngẩn người: sau mới nhận ra, đó là em gái của cô gái năm xưa.

Bây giờ, người nghệ sĩ cải lương đã cận lục tuần. Anh cũng muốn có tổ ấm như ai, nhưng không dám nghĩ tới mang gánh nặng cho người con gái nào. Trong túi anh lúc nào cũng có tờ vé số. Chỉ có trúng vé số mới mua được nhà. Phải có căn nhà, mới dám nghĩ đến việc cưới vợ. Anh không muốn làm khổ người khác.

Bạch Long giờ đang duy trì một lớp dạy cải lương ở Nhà văn hóa thiếu nhi quận 1. Học phí chỉ 2 triệu một khóa hơn chục buổi. Lớp có lúc có 30 bạn tới học, hoặc có thời điểm như ngay lúc này, chỉ dăm ba bạn. Anh hài lòng với thực tế đó. Đã qua lâu rồi cái thời anh mơ một giấc mơ lớn cùng cải lương.

Đó là những năm 90, khi Bạch Long còn duy trì nhóm Đồng ấu Bạch Long. "Đồng ấu" nghĩa là những đứa trẻ: anh hy vọng rằng cải lương có thế hệ tiếp nối; từ các nghệ sĩ cải lương trẻ cho đến thế hệ khán giả trẻ. Nếu không nuôi dưỡng khán giả trẻ thì cải lương sớm muộn gì cũng chết hẳn. Bao nhiêu tiền đi hát, anh đổ vào cho nhóm đồng ấu. Anh si mê trong việc tìm kiếm các nhân tài. 

NSƯT Vũ Luân – người sau này đoạt giải Mai vàng (2004, 2007) chính là một trong các mầm non được Bạch Long tìm về. Thời ấy, cậu bé Bình không được thừa nhận, còn đi hát dạo ở các quán, cho đến một buổi bắt gặp một thực khách đặc biệt, chính là thầy Bạch Long. Anh đặt nghệ danh cho cậu là Vũ Luân, mà không biết rằng sau này cậu sẽ vươn lên cùng với huyền thoại Vũ Linh trên các sân khấu, các giải thưởng danh giá cho cải lương.

Nhưng Đồng ấu Bạch Long cũng không có doanh thu. Bạch Long gắng gượng suốt mấy năm, đổ sạch cả tiền bạc vào nhóm, rồi giải thể. Giai đoạn anh duy trì nhóm sân khấu cải lương này, cũng là giai đoạn anh kiếm tiền ổn nhất. Có lúc, anh tâm sự, hàng mấy chỉ vàng một suất diễn. Có lúc, người ta chỉ cần anh bước ra sân khấu một thoáng chốc cho khán giả nhìn thấy, là bước vào rồi đưa món tiền lớn, xin diễn thêm cũng không cho.

"Thầy nghèo, không nuôi nổi các con. Giờ các con tự đi" – anh nói với học trò. Những niềm hy vọng cải lương của người thầy nghèo rã đám, phiêu bạt. Có người vẫn đứng trên sân khấu, có người diễn quán ăn kiếm tiền bông, có người làm bảo vệ.

Sau đó là bốn năm thất nghiệp. Là những thời điểm anh tháo chiếc đồng hồ ở tay, món tài sản cuối cùng đem cho học trò đi cầm. Học trò cầm đi rồi, quay về, đặt lên bàn cả chiếc đồng hồ và ba trăm ngàn. "Tiền đâu?", anh hỏi. Tiền lương nó đi làm bảo vệ, đưa cho thầy. Nó kiếm được năm trăm, đưa cho thầy ba trăm. Anh kể rồi lại khóc.

Quãng năm 2000, khi "Tổ nghề thương", cho Bạch Long cơ hội chuyển hướng sang kịch nói để kiếm sống, thì cũng là lúc mà người con gái của anh gửi tấm thiệp báo hỉ.

Bạch Long giờ biết rằng không còn cơ hội để kiếm sống nhờ nghề cải lương. Anh vẫn túc tắc duy trì cuộc sống tối giản bằng các suất diễn kịch, phim. Nhưng nỗi niềm của cải lương tuồng cổ trong người nghệ sĩ chưa bao giờ nguôi ngoai. Nói đến cải lương, anh vẫn nói hàng giờ. Dạy cho các con, anh vẫn tỉ mẩn từng động tác, từ cầm cây kiếm, cầm cây giáo, chân cầu ra sao, ngón tay xòe ra thế nào, như thể ngày mai chúng sẽ đứng trên một sân khấu vĩ đại để làm rạng danh cho môn nghệ thuật này.

Lớp vắng, nhưng vẫn có khi anh từ chối dạy nếu học trò không làm được theo lời thầy. Anh nói con kiếm nghề khác.

Bạch Long nhìn thấy cải lương "chết đứng" từ thập kỷ 80, khi phim video tràn vào Sài Gòn. Anh vẫn nhớ như in cái ngày hôm đó, tới rạp Lao Động. Anh nhìn thấy khán giả xếp hàng vào rạp đông nghẹt. Phải chăng là họ tới coi suất cải lương của đoàn Minh Tơ trên lầu 2? Hóa ra không: họ xếp hàng để coi phim Xóm Vắng ở tầng trệt. Sân khấu cải lương trên lầu vắng hoe. Anh nhận ra, cải lương không thể cạnh tranh được với sự mới lạ này. "Tới mình còn mê nói chi khán giả".

Anh cũng nhìn nhận đấy là quy luật tất yếu, của việc những môn nghệ thuật đại chúng hơn và cuốn hút hơn sẽ ra đời để thay thế cái cũ. Nhưng anh vẫn tin rằng cải lương sẽ sống trong lòng người Việt khắp bốn biển như cơm trắng cá kho. Người ta có ăn gì cũng mãi sẽ thèm một bữa ăn quê nhà. Và bởi tin thế, nên anh quyết tìm cách giữ "cải lương tuồng cổ", và sợ rằng một ngày người ta sẽ mô-đi-phê, hiện đại hóa nó để chiều lòng khách khứa. Chết thì vẫn chết, mà cái hồn dân tộc thì không giữ được.

Bây giờ, Bạch Long chỉ sợ ốm. Tuổi tác đã bắt đầu lên tiếng. Cái chân đã có lúc đau không thể hoạt động được. Anh sợ phải nhờ vả. Người ta vẫn hay mặc định rằng em ruột anh là nghệ sĩ Thành Lộc trứ danh, kiểu gì cũng còn chỗ để nương tựa vào. Nhưng Bạch Long hay cầu trời khấn phật rằng nếu con phải chết, hãy để con chết luôn đi, chứ đừng bắt con bệnh. Anh không dám nghĩ đến cảnh anh em nghệ sĩ, hay người thân phải chăm sóc mình nằm đó.

"Hiền quá" – NSƯT Kim Xuân, một người chị thân thiết, kể tội Bạch Long. Hiền quá chính là cái tội, lúc nào cũng nhận phần thiệt về mình.

"Em mong anh có một mái ấm" – Trấn Thành nói khi hết chương trình Sau ánh hào quang. Nhiều người chứng kiến cuộc đời Bạch Long mong thế, trong đó có chính anh. Nhưng giấc mơ ấy, vẫn được nuôi bằng một nắm vé số trong túi, ai hỏi anh cũng có thể xòe ra cho xem "hình dáng giấc mơ" của mình.

Hoặc là bỗng ngày mai, cải lương sống dậy và làm mưa làm gió các sân khấu khắp Nam Bắc, như cái thời hoàng kim cuối thập kỷ 70?

Hồng Dung

Người đàn ông trong xã hội hiện đại có nỗi sợ nào? Họ có chịu các định kiến về giới, có mang những áp lực đặc thù của xã hội Á Đông? Họ có sẵn sàng chia sẻ hay sợ bị phán xét? Chiến dịch xã hội #toisogi do Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life tổ chức hướng tới khuyến khích người đàn ông nói ra những điều họ lo sợ. Bạn có thể chia sẻ về bản thân hay về những người đàn ông trong đời mình ngay dưới bài viết này hoặc tại website www.toisogi.com. Những chia sẻ của bạn sẽ tạo cảm hứng cho nhiều người, để cùng đi qua, để đồng lòng, và trên hết là để cải thiện chất lượng sống của tất cả chúng ta. 

Đánh giá phiên bản mới