Ngôi sao của năm 2018 - Thứ ba, 18/12/2018, 00:03 (GMT+7)

Đội rowing nữ: Hai đám cưới khép lại một năm trọn niềm vui

Hai VĐV rowing Hồ Thị Lý và Tạ Thanh Huyền lên xe hoa dịp cuối năm, vài tháng sau khi giành HC vàng Asiad.

Hơn ba tháng sau khi giành chiếc huy chương lịch sử cho rowing Việt Nam ở nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ, Phạm Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền và Lường Thị Thảo trở về địa phương tham gia Đại hội thể thao toàn quốc 2018 vào tháng 12. Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền xuất sắc mang về hai HC vàng, một HC bạc cho đoàn Thái Bình. Hồ Thị Lý cũng đóng góp cho thành tích chung của đoàn Quảng Trị với một HC vàng. Đàn em nhỏ tuổi nhất đội là Lường Thị Thảo cũng góp hai HC bạc, một HC đồng cho bảng thành tích của đội Quảng Bình. 

Từ trái qua: Tạ Thanh Huyền, Phạm Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Lường Thị Thảo khoe HC vàng Asiad.

Ngay sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với đơn vị chủ quản ở giải đấu quan trọng cuối năm, hai trong số 4 cô gái vàng là Hồ Thị Lý và Tạ Thanh Huyền mới nghĩ đến hạnh phúc riêng bằng đám cưới được lên lịch từ trước đó rất lâu. Lý chia sẻ cô hẹn với phu quân tương lai rằng mình sẽ tập trung thi đấu xong sẽ tổ chức ngày trọng đại với anh. 

Bởi cô cũng như các đồng đội ở đội rowing nữ Việt Nam quyết tâm, nỗ lực cho giải Asiad diễn ra vào tháng 8 và phải rèn luyện, chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó. Cả đội phải đi tập huấn xa nhà liên miên, cũng không có nhiều thời gian dành cho gia đình, người thương. Nói về quãng thời gian dài này, Lý dí dỏm "chỉ sợ chồng sắp cưới không chờ được, đi lấy người khác".

Niềm vui ngập tràn

Giữa tháng 12 vừa qua, đám cưới của Hồ Thị Lý và Trần Đăng Kiên được tổ chức ở quê cô dâu Quảng Trị và quê chú rể Hà Tĩnh. Hai người có hai năm tìm hiểu, yêu nhau trước khi hẹn về chung một nhà cuối năm 2018. Kế hoạch hôn lễ của Lý và Kiên thành công mỹ mãn khi nàng đem về HC vàng lịch sử cho rowing Việt Nam, còn chàng cũng bắt đầu ổn định với công việc quản lý phòng tập gym.

Hồ Thị Lý và chú rể Trần Đăng Kiên.

Niềm vui nhân đôi với đội rowing khi thành viên Tạ Thanh Huyền cũng lên xe hoa về nhà chồng. Cô gái sinh năm 1994 tổ chức đám cưới trước đàn chị Hồ Thị Lý ít ngày ở quê nhà Thái Bình. Phu quân của Huyền làm việc trong quân đội. Hai người cũng gắn bó với nhau từ lâu và cũng như vợ chồng Lý - Kiên, hẹn thề về đám cưới sau Asiad và Đại hội thể thao toàn quốc.

Nỗ lực cả năm tập luyện thi đấu, các cô gái vàng rowing hưởng niềm vui trọn vẹn vào những ngày cuối năm. Thời gian này, công việc chính của Phạm Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền và Lường Thị Thảo là bắt xe khách, đến nhà chung vui với hai cô dâu của nhóm trong ngày trọng đại của cuộc đời.

Vợ chồng Tạ Thanh Huyền.

4 VĐV nữ mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều trưởng thành từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở những vùng quê nghèo. Nhờ ý chí vươn lên quyết tâm đi theo môn thể thao nặng nhọc vất vả, Phạm Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền và Lường Thị Thảo có những thành quả xứng đáng. 

Bên cạnh khoản tiền thưởng giúp cuộc sống bớt khó khăn, các VĐV cũng rất hạnh phúc khi được xã hội ghi nhận, môn rowing các cô đang theo đuổi cũng được nhiều người biết đến hơn. Em út trong đội là Lường Thị Thảo chia sẻ cảm thấy rất vui vì khi ra đường được người lạ hỏi thăm: "Chị là VĐV giành HC vàng Asiad đúng không". Rowing mang đến cho Phạm Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền và Lường Thị Thảo một công việc có thu nhập, một sự nghiệp vươn tới đỉnh cao châu lục. Cũng nhờ thể thao, Hồ Thị Lý tìm được người bạn đời của cô - anh Trần Đăng Kiên vốn là VĐV thể hình. 

Người cô luôn ẩn mình nhưng hết lòng vì học trò

Bà Dương Thị Hồng Hạnh đội mũ trắng cùng các học trò ở Asiad.

Nói đến thành công của đội rowing tại Asiad 2018, không thể không nhắc về trưởng bộ môn Dương Thị Hồng Hạnh - người đàn bà thép với tuyên bố: "Các con chỉ cần tập trung, mọi việc khác có cô lo". Bà Hạnh từng là ngôi sao điền kinh của thể thao Việt Nam giành HC vàng nội dung 400m đông đội ở SEA Games 2003. Sau khi từ giã sự nghiệp VĐV, bà Hạnh theo học Đại học TDTT Bắc Ninh. Nhờ kết quả học tập xuất sắc, cựu nữ hoàng điền kinh được chọn đi làm trợ giảng tại trường khi đang học năm thứ ba. 

Nhờ tài quản lý, sự hiểu biết về thể thao, bà Hạnh chuyển sang quản lý môn rowing từ năm 2007. Xuất hiện từ SEA Games 2003, rowing Việt Nam từng bước lớn mạnh và bắt đầu giành những thành tích đều đặn ở các giải đấu Đông Nam Á và châu lục những năm gần đây. Trước Asiad 2018, bà Hạnh chính là người thuyết phục "cựu binh" Phạm Thị Thảo tái xuất sau thời gian ngắn sinh con để cùng các đàn em chinh phục HC vàng ở nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ tại giải đấu ở Indonesia. 

Bà Hạnh hiểu rõ hoàn cảnh từng đứa và đều rất thương các con. Ngoài những điểm mạnh về chuyên môn, ý chí vượt khó vươn lên là phẩm chất lớn nhất của Phạm Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền và Lường Thị Thảo - như lời bà Hạnh tâm sự.

Trọng Nghĩa

Đánh giá phiên bản mới