Thứ năm, 27/2/2020, 10:02 (GMT+7)

Tiểu thương Ninh Hiệp mở mắt đã mất tiền triệu

Hàng mới khó nhập về do phụ thuộc thị trường Trung Quốc, lượng khách giảm khiến tiểu thương ở chợ vải lớn nhất Hà Nội kêu trời vì thua lỗ.

Thời gian này năm ngoái, con đường dẫn vào chợ vải, quần áo Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) luôn chật kín người. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách tới mua sắm giảm 3/4.

Dọc đường, những người chở vải thuê ngồi trên xe nói chuyện vì không có mấy khách có nhu cầu.

Ảnh hưởng của dịch khiến việc buôn bán ở chợ trở nên ế ẩm. Cả nhân viên và chủ cửa hàng đều ngồi chơi.

Ngồi trên đống quần áo được đựng trong những túi nilon, chị Hoài cho hay tình hình buôn bán ngừng trệ diễn ra từ đầu năm nay, nhất là sau khi Covid-19 bùng phát. "Trước đây sinh viên hay lui tới mua nhiều, nay có dịch nên họ chưa lên đi học, việc buôn bán vì thế bị ảnh hưởng", chị Hoài chia sẻ.

Ở mỗi cửa hàng, lác đác vài khách tới xem đồ rồi lại đi vì nhiều quần áo đã lỗi mốt. 

Một số tiểu thương thừa nhận mang hàng tồn từ năm ngoái ra để bày bán vì hàng hoá không thể nhập về. "Nếu có hàng, giá cũng cực kỳ đắt đỏ, bán không có lãi", một tiểu thương cho biết.

Một cửa hàng treo biển đại hạ giá nhưng cũng không có mấy khách mua. Với sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều khách hàng hiện bớt lui tới những chợ truyền thống để mua sắm. Sức mua tại Ninh Hiệp cũng vì thế giảm đi.

Một tiểu thương ngồi buồn trong lúc hàng hóa ế ẩm.

Thuê ki-ốt trong chợ đã đắt, thuê những cửa hàng ngoài mặt đường chính còn đắt đỏ hơn. Một tiểu thương cho biết thuê gian hàng giá 60 triệu đồng/tháng, chưa kể nuôi 4 nhân viên với mức lương 7 triệu đồng/người.

"Một ngày hàng hóa không bán được nghĩa là phải đối mặt với thua lỗ. Như tôi mở mắt ra đã mất 2 triệu đồng", tiểu thương này chia sẻ. 

Hiện nguồn hàng ở Ninh Hiệp chủ yếu từ Trung Quốc. Nhiều chủ cửa hàng chuyển hướng qua lấy hàng từ Thái Lan về nhưng cũng chỉ mang tính cầm chừng.

Nhiều tiểu thương hy vọng lượng khách sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, nếu không họ có thể sẽ phải đóng cửa.

Phạm Chiểu

Đánh giá phiên bản mới