Thứ tư, 3/10/2018, 00:04 (GMT+7)

Trò diễn dân gian 1.000 năm được tái hiện ở lễ hội Lam Kinh

Các nghệ sĩ đeo mặt nạ, cưỡi ngựa giả nhảy múa trong tiếng cồng chiêng âm vang rừng núi ở di tích lịch sử Lam Kinh.

Tại lễ hội Lam Kinh diễn ra tại Thanh Hoá, một trò diễn dân gian có lịch sử ra đời hơn 1.000 năm trước vừa được phục dựng, biểu diễn gây tò mò, thích thú cho nhiều người xem.

Truyền thuyết kể rằng, vào thời Vua Đinh, đất nước có nạn ngoại xâm, nhà vua sai sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài cùng đứng lên đánh giặc cứu nước. Khi sứ giả đi đến bờ sông Chu thì gặp giông tố, phải trú lại trong nghè Xuân Phả. Đến đêm, thần thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng về cách phá giặc, sứ giả vội về bẩm cáo lại với nhà vua. Vua thấy kế hay bèn làm theo và quả nhiên thắng trận.

Khi giang sơn thống nhất, các nước lân bang mang lễ vật triều cúng và ca vũ mừng Đinh Tiên Hoàng lên ngôi... Tưởng nhớ đến công lao người đã âm phù thắng trận, Vua Đinh hạ lệnh cho đem toàn bộ cống phẩm và trò diễn đến đền thờ ở làng Xuân Phả (nay là xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân) mà không lưu lại ở kinh đô Hoa Lư.

Nhà vua sau đó ban thưởng cho người dân Xuân Phả năm điệu múa trò để hàng năm dâng lên thành hoàng trong ngày hội làng.

Trò Xuân Phả có năm điệu múa gồm Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Tú Huần (còn gọi là Ngũ quốc lân bang đồ cống tiến). Trò này được coi là một sinh hoạt văn hóa tinh thần độc nhất vô nhị ở xứ Thanh.

Trò diễn phản ánh cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất bình dị, cảnh quê hương trù phú của những cư dân lúa nước Việt Nam thuở xa xưa.... Trò Xuân Phả được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia năm 2018.

Các nghệ nhân tham gia trong lễ hội năm nay hầu hết đều là diễn viên quần chúng.

Các nghệ nhân đeo mặt nạ, cưỡi ngựa giả, nhảy múa theo nhịp trong tiếng cồng chiêng âm vang núi rừng.

Lễ hội Lam Kinh năm 2018 diễn ra trong ba ngày (từ 30/9 đến 2/10) tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá).

Lễ hội năm nay nhằm kỷ niệm 600 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang và tưởng niệm 585 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Lễ hội Lam Kinh gồm hai phần: Phần nghi lễ bao gồm rước kiệu Vua Lê Thái Tổ và kiệu Trung Túc vương Lê Lai theo nghi thức truyền thống; lễ dâng hương... Phần hội là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa.

Lễ hội thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương tham dự.

Ngoài trò Xuân Phả, người dân còn được xem nhiều tiết mục múa rồng đặc sắc.

Lam Sơn

Đánh giá phiên bản mới