Chủ nhật, 8/7/2018, 00:07 (GMT+7)

Nghề săn ong 'tử thần' ở Quảng Nam

Thợ săn ong vò vẽ mặc bộ đồ dày 5 cm, đeo mặt nạ và xông vào lấy tổ ong rồi chạy, nếu chậm trễ sẽ bị đốt trọng thương.

Hơn 10 năm nay, vào mùa ong vò vẽ làm tổ từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch, anh Nguyễn Tấn (30 tuổi, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) thường dậy từ 3h sáng mỗi ngày để vào rừng bắt ong.

"Khi mặt trời chưa lên, quan sát ong bay về tổ rất dễ, còn đến trưa chiều ánh nắng chiếu xuống khó nhìn thấy", anh Tấn nói.

Một tổ ong bám trên cành cây.

Ong vò vẽ có độc tính rất cao, có thể gây chết người. Ban đầu vết đốt của ong gây sốt, đau buốt, sưng nề tại chỗ, sau đó dẫn đến tổn thương suy gan, suy thận... Chính vì vậy, người dân địa phương gọi nghề này là săn ong "tử thần".

Khi phát hiện tổ ong, anh Tấn cùng đồng nghiệp dừng chân để mang đồ bảo hộ, đây là khâu rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho thợ khai thác ong.

Thợ ong mặc bộ quần áo dày khoảng 5 cm, đeo mặt nạ và mang mắt kính.

Ngoài ra, họ còn phải đi ủng, đeo hai lớp găng cao su, một đôi tất len và một lớp vải dày. 

Khi cơ thể đã được bịt kín, thợ ong xông vào cướp tổ ong và lúc này họ phải đối diện với việc hàng trăm con ong bay đến tấn công.

"Trước đây nhiều người dùng lửa đốt tổ ong gây cháy rừng nên chúng tôi tự thiết kế bộ áo quần đặc biệt này để phòng tránh. Cách bắt này không làm chết một con ong nào để sau đó chúng tiếp tục làm tổ", anh Tấn nói.

Người thợ vừa khai thác được một tổ ong vò vẽ.

"Chúng tôi phải hành động rất nhanh chóng, trong khoảng 30 giây hốt trọn tổ ong rồi chạy thoát, ở lại lâu sẽ bị ong đốt", anh Võ Tấn Ngôn, người đi cùng anh Tấn, cho hay.

Mỗi ngày, anh Tấn và anh Ngôn lấy được khoảng 5 tổ ong, thu 5 kg nhộng.

Tổ ong được thợ ong đưa về nhà phân loại, để riêng nhộng non và nhộng già.

Nhộng ong dính chặt trong tổ nên người dân dùng nhíp để lấy ra.

Sau khi tách khỏi tổ, nhộng được thương lái mua 250.000 đồng một kg và bán lại cho các nhà hàng chế biến món xào, chiên, nấu cháo…

Sơn Thủy

Đánh giá phiên bản mới