Thứ bảy, 26/9/2020, 20:19 (GMT+7)

Lễ giỗ đại thi hào Nguyễn Du

Hà TĩnhLễ giỗ lần thứ 200 của đại thi hào Nguyễn Du được tổ chức sáng 26/9, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du có diện tích hơn 4 ha, nằm bên quốc lộ 8B, thuộc thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, cách thành phố Hà Tĩnh 50 km. Dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765-2020), tưởng niệm 200 năm ngày mất (16/9/1820 - 16/9/2020) của Nguyễn Du, nơi đây diễn ra nhiều hoạt động quan trọng, trong đó có lễ giỗ, triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến đại thi hào.

Đặt giữa sân trong khu di tích là bức tượng Nguyễn Du cao 1,5 m làm bằng đồng, khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông.

Nguyễn Du, hiệu Tố Như (1765-1820) quê xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Ông sống vào cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn, được người Việt kính trọng gọi là "Đại thi hào dân tộc". Ông có ba tập tác phẩm tiếng Hán là Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm Bắc hành tạp lục.

Về văn thơ Nôm, Nguyễn Du sử dụng tài tình hai thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát. Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) là tác phẩm truyện Nôm nổi tiếng nhất của ông.

Ở Việt Nam, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Ngày 26/9, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Hội Kiều học Việt Nam, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền tổ chức lễ giỗ lần thứ 200 của Nguyễn Du.

Lúc 8h, đoàn đại biểu trung ương và địa phương ra mộ Nguyễn Du ở thôn Giáp Tiền, thị trấn Tiên Điền, cách khu di tích hơn một km để dâng hương.

Kết thúc lễ dâng hương, đoàn dâng rượu, sau đó tưới rượu xung quanh mộ hoặc uống để lấy lộc.

Đoàn sau đó đến thắp hương tại mộ của Nguyễn Nghiễm (1708-1776). Ông là cha Nguyễn Du, một vị quan võ triều Lê, làm đến chức Tể tướng, người có ảnh hưởng lớn sự nghiệp văn chương của đại thi hào về sau.

8h30, lễ giỗ được cử hành tại Linh điện đại triều Nguyễn Du đặt trong khu di tích. Ban tế lễ gồm 8 người, thực hiện các nghi lễ cúng bái theo truyền thống dân tộc Việt Nam.

Ban tế lễ đọc văn tế tưởng nhớ đại thi hào Nguyễn Du.

Đội kèn, đàn thổi và đánh theo nhịp trống xen lẫn lời đọc văn tế.

Lễ giỗ có nhiều nghi thức như đọc chúc văn, đốt đèn, hóa chúc văn, tiến tửu. Những người làm lễ được gọi là Tế chủ, Bồi tế, Phụ tế...

Trong ảnh là nghi thức tiến tửu (dâng rượu).

Theo nghi thức dân gian, sau khi tế lễ, Ban tế lễ hóa chúc văn.

Kết thúc lễ giỗ, đại biểu và người dân vào dâng hương.

Dịp này, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tổ chức triển lãm tranh minh họa Truyện Kiều và các ấn phẩm di sản văn chương của Nguyễn Du.

150 bức tranh Truyện Kiều, 40 bức tranh sơn dầu khổ lớn, 500 ấn phẩm Truyện Kiều qua các thời kỳ được đóng khung, đặt tại nhiều vị trí trong khu di tích. Triển lãm diễn ra từ ngày 24 đến 28/9.

Hùng Lê

Đánh giá phiên bản mới