Thứ tư, 13/1/2016, 11:26 (GMT+7)

Kiếp thương hồ lênh đênh giữa Sài Gòn hoa lệ

Giữa Sài Gòn hoa lệ, hơn hai mươi năm qua vẫn tồn tại hằng trăm con người lênh đênh lấy thuyền làm nhà, lấy bến làm nơi lập kế sinh nhai.

Xóm thương đông đúc nhất tại TP HCM nằm trên mé kênh Tẻ, quận 7 cập theo bến Trần Xuân Soạn. Đây một nhánh kênh lớn thuộc sông Sài Gòn và cũng là tuyến đường thủy đón thuyền bè từ các tỉnh miền Tây ngược về.

Theo lời người dân sinh sống ở đây, xóm thương hồ được hình thành từ hơn 20 năm. Khi đó cả xóm chỉ có vài chiếc thuyền nhỏ. Dần dà nghe theo lời những người đi trước, kẻ khốn khó từ miệt miền Tây khăn khói theo sau. 

Đến nay, cả xóm thương hồ đã có đến hơn 20 hộ. Chủ yếu sống bằng nghề vận chuyển trái cây từ các tỉnh miền Tây về Sài Gòn rồi buôn bán.

Đây cũng được xem là vựa chuối, dừa và nhiều loại trái cây đặc sản miệt vườn kinh doanh trên sông nước lớn nhất tại TP HCM.

Không chỉ bán sỉ, nhiều hộ bóc tách mịt hoặc bày cả chuối chín, đu đủ lên mé đường để phục vụ khách vãng lai.

Càng về những ngày giáp Tết, xóm thương hồ càng nhộn nhịp.

Với họ, thuyền là nhà. Hộ nào khá thì đóng thuyền to, hộ nghèo thì thuyền bé. Do lênh đênh trên sông nước và thuyền không có cửa nẻo nên thuyền nào cũng có một con chó để canh kẻ gian.

Gà vịt cũng được nuôi luôn trên ghe.

Mọi sinh hoạt đều trên ghe thuyền.

Đã có nhiều đứa trẻ chào đời và lớn lên cùng bố mẹ trên sông nước.

Hầu hết cư dân của xóm thương hồ có quê gốc ở An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp. Một số người từ nhỏ đến lớn chưa từng có miếng đất để cất nhà ở trên bờ.

"Thấy bến nào yên, có thể mua bán thì chúng tôi dừng. Khi bị đuổi thì nổ máy mà di dời. Con gái học hành khó khăn, cuộc sống vất vả lắm nhưng đành chịu", một cư dân xóm thương hồ tâm sự.

Tồn tại nhờ buôn bán, sống quanh năm trên sóng nước dập dềnh, khó khăn vây lấy nhưng mỗi "gia đình" đều có một bàn thờ nho nhỏ được đặt trang trọng trên góc cao để mỗi sáng mỗi tối khấn xin "một ngày nào đó được lên bờ cho giống người ta".

Thiên Chương

Đánh giá phiên bản mới