Thứ sáu, 2/9/2016, 08:04 (GMT+7)

Giai thoại về dân chơi tại cầu đi bộ đầu tiên ở Sài Gòn

Độc đáo kiến trúc, cầu Ba Cẳng còn nổi tiếng bởi lời kể về những tay anh chị từng đình đám tại Chợ Lớn xưa.

Cầu Ba Cẳng xưa thuộc vùng Chợ Lớn, cây cầu này bắc qua ngã ba kênh rạch thuộc con kênh Hàng Bàng, ban đầu tên Khâm Sai nhưng sau trận hỏa hoạn vào đầu thế kỉ 20 nên được xây lại bằng xi măng với kết cấu 3 nhánh có bậc thang đi lên ở mỗi đầu nhánh cầu. Từ đó người dân tại đây quen gọi là cầu ba cẳng.

Con kênh chỉ rộng chừng vài chục mét thế nhưng sự có mặt của cây cầu cốt thép hoành tráng nhất thời bấy giờ giúp việc đi lại và thông thương của khu Chợ Lớn - Bình Tây trở nên thuận lợi.

Dưới nước thuyền ghe của các thương lái neo đậu, bên cầu tấp nập cảnh vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng quang gánh hoặc khuân vác. 

Trước năm 1975, nếp sinh hoạt sầm uất của khu cầu Ba Cẳng khiến xuất hiện những giai thoại về các tay anh chị khét tiếng của vùng này.

Theo lời truyền miệng của những bậc cao niên, cụm từ "dân chơi cầu Ba Cẳng" xuất phát từ câu chuyện của nhóm giang hồ xuất thân ở khu vực này do Mã Ban cầm đầu. Ban là người gốc Hoa, mồ côi cha từ nhỏ, rất giỏi võ.

'Soái ca' Mã Ban thời ấy từng dẹp các băng nhóm và đứng ra bảo kê nhà hàng, quán ăn của người Hoa. Nhờ hành hiệp trượng nghĩa, có danh tiếng, Mã Ban được chủ xí nghiệp người Hoa gả con gái.

Không chỉ nổi danh nhờ nhân vật giang hồ trượng nghĩa, khu cầu Ba Cẳng xưa còn là điểm tụ tập của đủ các thành phần. Dân ăn chơi đưa nhau về đây cờ bạc, đá gà, ăn nhậu cho đến gái gú. Tất nhiên đó chỉ là giai thoại. Sau 1975, khu vực này chỉ còn người lao động nghèo chí thú buôn bán làm ăn.

Năm 1990, do quá cũ kỹ hỏng hóc, câu cầy bị phá bỏ, con kênh mà cây cầu bắc qua cũng được san lắp để trở thành khu dân cư và thương mại. Vết tích từ cây cầu cũ trên các cung đường Bãi Sậy, Phan Văn Khỏe gần chợ Bình Tây đã không còn nữa, thế nhưng với những người Chợ Lớn cao niên, cụm từ "dân chơi cầu Ba Cẳng" vẫn không hề phai mờ.

Mr True

Ảnh: Flickr

Đánh giá phiên bản mới