Thứ ba, 4/6/2019, 20:00 (GMT+7)

Vật dụng cũ mòn làm nên tên tuổi Công Vinh, Lý Hoàng Nam

Quả bóng, đôi giày, cây vợt... cũ mòn đã đồng hành cùng các vận động viên ngày đầu làm quen với thể thao, minh chứng cho quá trình tập luyện bền bỉ, kiên trì để trở thành nhà vô địch.

Triển lãm "Vật cũ mòn.... chuyện chưa kể" do Milo tổ chức vừa diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) thu hút nhiều người tham gia trong 3 ngày (31/5-2/6). Không gian trưng bày các vật dụng thể thao cũ mòn như quần áo, giày dép, bóng, quần vợt, kính bơi... minh chứng cho quá trình miệt mài tập luyện, trưởng thành và chiến thắng bản thân với nỗ lực, đam mê, quyết tâm. Những câu chuyện truyền cảm hứng về sự kiên cường, bền bỉ với thể thao không chỉ của các vận động viên ưu tú của nền thể thao nước nhà mà cả những nhà vô địch đời thường.

Cựu cầu thủ Lê Công Vinh cầm đôi giày cũ trên tay và nhớ lại dấu ấn trong sự nghiệp khi anh giành quả bóng vàng (2004, 2006, 2007). Đôi giày này đã đồng hành với quá trình luyện tập chăm chỉ trong suốt nhiều năm, không chỉ có mồ hôi mà còn cả máu, cùng anh chinh chiến và thắng hơn 20 bàn trong 100 bàn thắng anh ghi được. Người bạn này đã cùng anh trải qua mọi khoảnh khắc trong trận đấu, mỗi cuộc rượt đuổi trên sân, những cú đá nảy lửa.

Bắt đầu những ngày tập luyện tại đội tuyển quốc gia là những ngày rất cực nhọc với anh. Anh tự nhận thấy mình không hề có yếu tố thiên bẩm, trong khi các đồng đội, người rất nhanh, người khéo léo, người lại có sức càn lướt dũng mãnh. Anh đã tự dặn bản thân phải luôn nỗ lực nhiều hơn, không cho phép mình thua kém đồng đội về mặt kỹ năng và thể lực. Có những buổi tập, hai móng chân cái của anh bật ra, đau nhức nhưng anh không bao giờ bỏ cuộc. Anh kiên trì chạy bộ và hầu như ngày nào cũng lên cho mình giáo án riêng để thực hiện.

Không chỉ giữ lại vật dụng gắn liền với sự nghiệp, cựu tuyển thủ còn lưu cả những tờ báo viết về anh khi bắt đầu thi đấu từ năm 2003. Anh mong rằng con gái lớn lên sẽ được xem những trận bóng ba đã trải qua và thông qua đó, dạy con bài học về sự trân trọng vật dụng cũ mòn và quan trọng hơn là người thầy thể thao. Để có được thành công cần phải rèn giũa bản thân mỗi ngày, giữ vững lửa đam mê và quyết tâm bứt phá giới hạn.

Với nhà vô địch Taekwondo thế giới Châu Tuyết Vân, đồ vật gắn liền với sự nghiệp của chị là chiếc đai võ, sử dụng cách đây 10 năm. Tấm đai này là thầy giáo tặng khi bắt đầu bước chân vào đội tuyển quốc gia. Chị nhớ lại khoảng thời gian cực nhất là năm lớp 12, vừa phải học để chuẩn bị cho 2 kỳ thi quan trọng, vừa phải đều đặn mỗi ngày 5 giờ chiều chạy đến Quân khu 7 để tập luyện, thậm chí phải về muộn hơn các bạn khác để bù đắp thời gian đến trễ. Sự cố gắng và kiên trì đã giúp nữ vận động viên bước đầu được vào tuyển quốc gia vào năm 2009 và đạt ngay tấm huy chương vàng thế giới đầu tiên trong sự nghiệp năm 2010.

Chiếc đai tập luyện theo chị trong vòng 10 năm tiếp theo trong sự nghiệp thi đấu, bây giờ chị không dùng nữa vì cũ sờn nhưng mỗi lần đi thi đấu tại bất cứ giải nào, chị cũng mang theo bên mình để nhắc nhở bản thân luôn nỗ lực cố gắng, bền bỉ luyện tập và cháy hết mình cùng đam mê.

Nhà vô địch Taekwondo thế giới tâm niệm chúng ta còn trẻ nên hãy sống trọn và theo đuổi đam mê, đừng vì những lời nói ác ý như "bạn không phù hợp với việc đó đâu" hay "điều đó chẳng đi đến đâu" mà bỏ cuộc. Khi đã tìm được đam mê, tiếp theo là chăm chỉ theo đuổi đam mê, rèn luyện bền bỉ dù khó khăn.

Từ một cậu bé phụ nhặt bóng trên sân quần vợt thành tay vợt số một Việt Nam, để đạt được thành công đó là sự cố gắng, bền bỉ theo đuổi đam mê của Lý Hoàng Nam. 15 tuổi anh trở thành tay vợt số 1 Việt Nam, 20 tuổi vươn lên đứng số một Đông Nam Á.

Anh mê đến mức ôm cây vợt lên giường ngủ, những lúc rảnh tay ở nhà là múa vợt, rủ chị gái đánh bóng cùng. Sau đó, ba mẹ ủng hộ anh xuống Bình Dương mỗi ngày để tập, anh gặp được thầy Trần Đức Quỳnh, cựu tay vợt nam nổi tiếng của Việt Nam, nhận chỉ dạy.

Hồi mới tập, anh đánh thua một người nhặt banh. Anh nhờ ba mẹ chở ra sân thi đấu đến chừng nào thắng đối thủ mới thôi. Tuy thuận tay phải nhưng anh cố gắng khổ luyện nhiều cho tay trái nên bây giờ có thể đánh tốt cả hai tay từ cuối sân.

Anh muốn thách thức bản thân với những người chơi giỏi hơn mình, chơi thật tốt để thắng đồng môn, thầy giáo, đối thủ. Ở những trận đấu càng căng thẳng, đối thủ càng mạnh, anh chơi càng hay.

Tuyển thủ thi đấu chuyên nghiệp thay vợt rất thường xuyên, 6 tháng một lần, tính đến nay Lý Hoàng Nam cũng bỏ đi hơn 20 cây. Nhưng với cây vợt đầu tiên bắt đầu sự nghiệp chơi thể thao, anh vẫn giữ đến tận bây giờ. Nó là loại vợt chất lượng rất tốt, hiện giờ không còn sản xuất nữa nên anh quý trọng hơn. Cây vợt đã chứng kiến những thành tích đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu. 

Luyện tập với tennis không chỉ là đam mê mà còn giúp anh học được nhiều kỹ năng áp dụng vào cuộc sống ví dụ như sự kiên định và tập trung. Chơi quần vợt có thể giúp mọi người rút ngắn thời gian hoàn thành công việc, có tư duy để hiểu tình thế và đưa ra quyết định sáng suốt. Đây còn là bộ môn giải trí cho mọi người sau giờ học, làm việc căng thẳng, phát triển thể chất, sự tập trung cao độ, bền bỉ để hoàn thành dự định nhanh chóng hơn.

Quần vợt là bộ môn rèn luyện dài hơi, mất nhiều thời gian rèn luyện thể lực và cả tâm lý thi đấu vững vàng. Tay vợt số 1 Việt Nam nhắn nhủ các bạn trẻ nếu đam mê bộ môn này thì hãy bắt đầu tập luyện ngay bây giờ.

Trái bóng rổ của tuyển thủ bóng rổ Stefan Nguyễn Tuấn Tú tập từ hồi U16 khi anh trong đội tuyển quốc gia Thụy Điển. Trái bóng có ý nghĩa nhất, đánh dấu cột mốc son trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của anh. Hồi đấy, anh từng tập luyện đến mức tối đi ngủ cũng ôm lên giường, ăn và ngủ cùng với trái bóng. Bây giờ về Việt Nam, anh vẫn mang theo nó như một kỷ niệm, người bạn chứng kiến hành trình chơi bóng.

Stefan Nguyễn Tuấn Tú bồi hồi nhớ lại bóng rổ đến với anh như cái duyên. Lúc sống ở Thụy Điển, anh luôn nghĩ mình là người Thụy Điển nhưng càng lớn anh càng nhận ra rằng anh khác họ về ngoại hình và nguồn gốc. Anh thấy nhiều khi cách biệt với người dân ở đây. Anh tìm đến bóng rổ như một nguồn động viên tinh thần, mỗi lần chơi thể thao quên hết tất cả những buồn chán, suy nghĩ tiêu cực hay bất công về cuộc sống.
Dù anh thi đấu ở bất cứ đâu Thụy Điển hay Việt Nam, trái bóng cũng nhắc anh nhớ tháng ngày đầu tiên bước chân vào sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, những nỗ lực, vất vả, bền bỉ, quyết tâm và cả chiến thắng vinh quang. Có trái bóng cũ mòn 13 năm về trước, mới có Stefan ngày hôm nay. Anh hy vọng câu chuyện của anh có thể cổ vũ tình yêu, tinh thần luyện tập cho những bạn trẻ yêu bóng rổ nhiều hơn, có thể giúp cho bóng rổ Việt Nam sẽ có thêm nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế. 

Những đôi giày, quả bóng cũ… tại triển lãm "Vật cũ mòn... chuyện chưa kể" đã đồng hành cùng quá trình khổ luyện gian nan, bền bỉ của các vận động viên. Câu chuyện truyền tải thông điệp "khi vật dụng cũ mòn đi cũng là lúc nhà vô địch xuất hiện"

Bà Lê Bùi Thị Mai Uyên, Quản lý cấp cao nhóm nhãn hàng Milo cho biết, đằng sau mỗi vật dụng thể thao cũ mòn là quá trình luyện tập bền bỉ, học cách đứng lên sau thất bại, nỗ lực chiến thắng bản thân, quyết tâm theo đuổi đến cùng đam mê. Nestlé Milo tin rằng thể thao là người thầy tuyệt vời, dạy cho trẻ bài học ngoài sách vở, chính những giá trị mà các em cảm nhận được sẽ mở lối con đường tương lai và giúp các em thành công trong cuộc sống.

Chia sẻ về thông điệp của chương trình, MC Thùy Minh cho biết, chị không quá đặt nặng thành tích học tập, cân nặng của con như một số bà mẹ chị thường thấy. Với chị, quan trọng là con lớn lên khỏe mạnh, năng động và được theo đuổi đam mê. Chị giữ lại tất cả những đồ cũ mòn của con, thậm chí đôi giày mà chân con còn xỏ không vừa. Bởi những đồ vật này nhắc chị nhớ con đã lớn lên thế nào, học được những bài học gì, trưởng thành ra sao.

Kim Uyên
Ảnh: Quỳnh Trần

Đánh giá phiên bản mới