“Hãy làm sạch biển” 2018 do Trung ương Hội liên hiệp thanh niên tổ chức và Vietjet đồng hành diễn ra hơn 13.000 đợt ra quân, cải thiện 50% tình trạng rác biển tại 28 tỉnh thành.

“Xin mời quý khách thắt chặt dây an toàn, gấp gọn bàn ăn, dựng thẳng lưng ghế”

 7 giờ sáng, thời tiết thuận lợi, chiếc tàu bay Airbus A321 thân đỏ cất cánh khỏi cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến điểm đáp sân bay Tuy Hoà. Hành trình bay kéo dài hơn 50 phút xuyên qua những đồng bằng Đông Nam Bộ để hướng về mảnh đất miền Trung.

Nếu mạn trái của tàu bay hướng mắt người nhìn đến những vùng lục địa bạt ngàn, trải dài hút mắt, thì tại mạn phải, những dải đất duyên hải chiêu đãi hành khách bằng màu xanh ngọc mát mắt. Nơi biển vươn mình tóm lấy những đồng bằng, biển nấp mình đằng sau những dãy núi lừng lững, biển đón lấy những dòng sông phù sa. Dù ở hình thù nào, biển đều mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống, kinh tế của nhiều người.

Cách sân bay Tuy Hoà 50km là nơi sinh sống của gia đình em Thanh Vân, 15 tuổi, học sinh trường cấp 3 tại thị xã Sông Cầu. Bố và anh trai em đều chọn biển để sinh nhai. Nhiều năm trước, nhà em là nơi sửa sang ghe thuyền cho cả xóm chài. Thu nhập đủ cho bố mẹ em bữa ăn ngon vào cuối tuần, anh trai và em đều đến trường trong bộ đồ tươm tất. 

Năm 2016-2018, Phú Yên triển khai các hoạt động đầu tư phát triển du lịch và đón nhận những khởi sắc đáng kể. Những bờ biển hoang sơ cuả tỉnh đón thêm 46 dự án đầu tư và dịch vụ du lịch, đem về cho xứ “hoa vàng cỏ thơm” 43.000 tỷ đồng. Theo số liệu từ Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên, tổng kết năm 2017, doanh thu du lịch đã chạm mốc nghìn tỷ, đạt 1.245 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm nay, tỉnh đã đón gần 800.000 du khách, thu về 697,2 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

Ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, Thanh Vân chưa từng đặt chân vào những dự án này, em cũng chẳng mảy may biết hay suy nghĩ về sự thay đổi của tỉnh.

Cho đến khi, em chứng kiến những người hàng xóm để lại những chiếc ghe máy trên bãi cát, để vào làm tại các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng… Những phương tiện vốn được bố em sơn sửa, gắn máy mới tiếng phạch phạch, giờ chỉ còn đống gỗ mục nát, trở thành chỗ chơi trốn tìm, hay mò nghịch của bọn trẻ lên ba, lên năm. Đám trẻ này còn leo trèo lên các khung sắt từng dùng để bọc lưới bắt cá, nay đã gỉ sét, hình dáng móp méo. Bố mẹ đi làm xa, chỉ còn các ông bà cụ ra dõi canh cháu, sợ chúng chẳng may trượt tay trầy xước hay chạy nhảy phải mảnh thuỷ tinh.

Những phương tiện này từng là kế sinh nhai của nhiều người, nay là “rác”. Ngoài những vật dụng hết mục đích sử dụng, bãi biển gần nhà Thanh Vân còn đón dòng rác thải sinh hoạt: chai nhựa, bao nhựa, túi thực phẩm… đổ về, xếp thành lớp. Sóng đánh dạt cũng chôn vùi những bao tải, cần sức kéo hai ba người để lôi ra khỏi cát.

Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, rác thải ở những bãi biển còn có thể tạo ra trong những đứa trẻ hình ảnh bãi biển là “hố rác”, ảnh hưởng đến việc hình thành ý thức bảo vệ biển của chúng. Các em thấy rác thì nhặt làm đồ chơi, khi hết vui thì trả lại biển. 

Bố và anh hai của Thanh Vân hiện phải di chuyển 30 phút bằng thuyền mỗi ngày để chăm sóc những bè cá bớp mà gia đình em xây nên từ số vốn tích cóp sau khi ngừng hẳn việc sửa thuyền. Một số bạn hàng của bố Thanh Vân kể, đợt đánh bắt gần đây đều lỗ từ 50 đến trăm triệu, bởi hải sản số mắc bệnh, số kém chất lượng. Họ kháo với bố của Thanh Vân rằng nước biển nhiễm thải là một trong những nguyên nhân.

Hình ảnh những chú cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung trở thành lý do Bùi Bảo Ngân - học sinh lớp 8 tại Hà Nội - tham gia cuộc thi thiết kế poster cho chiến dịch “Hãy làm sạch biển”. Bảo Ngân là thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi. Em vẽ tay bức tranh cổ động của mình, hình ảnh chủ đề là chú cá phải nuốt vào mình những vật thải công nghiệp và dân dụng. Em nghĩ ra khẩu hiệu khá mạnh mẽ “Tự giác hay tự sát - Biển xanh hay biển rác”.

Sáng tạo của em đã giành được hạng nhì. Hai bạn gái trẻ khác là Dương Đình Vân Anh, Cao Yến Nhi đạt giải nhất. Tác phẩm của các bạn, cùng những poster được yêu thích nhất trên mạng xã hội, được những hoạ sĩ đường phố tái hiện bằng một bức tranh bích hoạ trên bờ tường dài hơn 10 chắn biển. Bức bích hoạ này toạ lạc rất gần sân bay, nơi những du khách mới đến hoặc tạm biệt Tuy Hoà đều dễ dàng nhìn thấy.

Lễ trao giải cuộc thi vào tối 12/10 là một trong những hoạt động tổng kết hành trình “Hãy làm sạch biển” năm 2018 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia tổ chức với sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet Air.

 

Sáng cùng ngày, tại bờ biển khu phố Phước Lý thuộc thị xã Sông Cầu (Phú Yên), đã diễn ra đợt ra quân sau cùng của chiến dịch. Từ khắp các xã, thị trấn của Phú Quốc, các bạn trẻ hội ngộ trong buổi sáng cuối tuần để nhặt sạch từng vỏ chai, bao nhựa trên bãi biển. Với những dụng cụ như cây cào, đôi bao tay, 200 bạn trẻ nhanh chóng mang lại vẻ ngoài mới cho bờ biển gắn liền với kế sinh nhai của nhiều hộ dân.

Sau ba tháng thực hiện, 28 tỉnh thành ven biển trên cả nước đã trở thành điểm đến của chương trình. Với 13.039 đợt ra quân và 99.364 đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động làm sạch biển. Chiến dịch còn góp phần xây dựng 367 điểm duy trì hoạt động hãy làm sạch biển tối thiểu mỗi tuần một lần tại ít nhất một điểm bị ô nhiễm rác thải và thu gom được 1.282 tấn rác thải.

Vietjet đã đồng hành cùng chuỗi hoạt động thiết thực, ý nghĩa thuộc chiến dịch, gồm ngày hội “Hãy làm sạch biển” cấp trung ương tại Phú Quốc (Kiên Giang), cuộc thi thiết kế poster và sáng kiến “Hãy làm sạch biển”.

Hãng hàng không đồng thời trao tặng xe tuyên truyền lưu động, trang phục, dụng cụ, quà cho đội hình nòng cốt “Hãy làm sạch biển” trên địa bàn huyện Phú Quốc; tặng quà cho học sinh là con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập trên địa bàn huyện Phú Quốc… đồng thời tham gia các hoạt động dọn vệ sinh bãi biển công cộng ô nhiễm rác thải và khu vực ngư dân sinh sống.

Ông Đỗ Xuân Quang - Phó tổng giám đốc Vietjet Air cho biết, các hoạt động này đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân sống tại những khu vực ven biển về tầm quan trọng của giữ gìn môi trường biển, động viên ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục ra khơi bám biển, phát triển kinh tế. Các đội thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường biển nòng cốt tại các tỉnh cũng giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải tại ít nhất 50% các địa bàn được xác định bị ô nhiễm rác thải sinh hoạt.

“Với chuỗi các hoạt động tại 28 tỉnh thành phố ven biển, Hãy làm sạch biển 2018 chắc chắn đã tạo ra một diện mạo mới, sạch đẹp hơn cho bờ biển Việt Nam”, ông Xuân Quang nhấn mạnh.

 

Vietjet hiện có các mạng bay rộng khắp 101 đường bay tới các điểm đến trong nước và quốc tế, trong đó có các đường bay nổi bật về du lịch biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Bình, Phú Quốc, Hải Phòng, Thanh Hóa… Vietjet luôn đồng hành và góp phần vào sự phát triển du lịch địa phương và quốc gia.

Theo ông Dương Hoài Nam - Giám đốc văn phòng miền Bắc kiêm Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên Vietjet, các hoạt động từ thiện cộng đồng, bảo vệ môi trường, đã là một phần trong đời sống của cán bộ nhân viên của Vietjet. Đây cũng là một phần trong kế hoạch phát triển bền vững được hãng xây dựng và thực hiện đều đặn mỗi năm, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và du khách đối với môi trường, phát triển con người, kiến tạo nên cộng đồng văn minh và ngày càng tốt đẹp hơn.

Tuấn Nhu

Ảnh: Hữu Khoa

Bình luận
Bình luận