Thứ năm, 15/11/2018, 11:04 (GMT+7)

Những hộp cơm trưa mẹ chỉ mất 30 phút để nấu cho con

Chị Dung luôn đảm bảo 3 thành phần đạm, tinh bột, rau củ và tối thiểu 3 màu sắc trong khẩu phần của con.

Cách đây 2 năm, khi bé Minh đi học lớp Kinder Garten (lớp tiền tiểu học dành cho trẻ 5 tuổi), chị NDung (sống ở Houston, Mỹ) bắt đầu chuẩn bị những hộp cơm nhỏ xinh để con đem theo và ăn vào bữa trưa. Thói quen này được chị duy trì đến nay đã được 2 năm và hiện tại cả hai con của chị (bé Minh 7 tuổi, bé An 5 tuổi) đều đem cơm hộp đi học.

Nhớ lại những ngày đầu, chị NDung cho biết hộp cơm của con nhỏ, đơn giản, vì bé cũng không ăn nhiều và chưa quen với đồ ăn nguội, thời gian ăn ít (Mỗi bé chỉ có 20 phút để ăn trưa và 10 phút để vào chỗ, dọn dẹp, xếp hàng). Sau một thời gian, các bé mới hình thành thói quen ăn uống này và bây giờ, trong khi bé Minh có thể ăn hết sạch hộp cơm của mình thì bé An cũng đã hoàn thành được 3/4 khẩu phần.

Mỗi sáng, bà mẹ hai con dành tối đa 30 phút để nấu nướng, trong đó món mặn được hoàn thành không quá 13 phút. Chị không thích nấu trước vì theo chị đồ ăn được xếp vào hộp còn ấm nóng sẽ tốt hơn là làm nóng lại để ăn trưa; hạn chế vi khuẩn và đồ ăn vị còn mới. 

Để tiết kiệm thời gian đi chợ và sơ chế, chị thường lên thực đơn cho 2-3 ngày hoặc cả tuần. Tuy vậy, thực đơn cũng sẽ được thay đổi theo yêu cầu của bé. 

Chị NDung thường rửa sẵn rau củ để ráo trong tủ lạnh và lúc cần thì đem ra nấu. Nước dùng cũng luôn có sẵn để chế biến nhiều món như nấu súp, xào/rim rau củ. Theo chị, cách này sẽ hạn chế dầu mỡ và thức ăn khi nguội cũng không bị ngấy, tăng hương vị cho món rau củ. 
Với những món ăn lích kích, cầu kỳ, chị NDung sẽ sơ chế trước. Ví dụ món cánh gà chiên nước mắm cần chiên hai lần mới ngon thì chị sẽ chiên chín tới một lần rồi ngâm trong gia vị để sáng hôm sau chiên tiếp. Hay với món heo quay, chị sẽ quay chín từ tối hôm trước và sáng hôm sau quay lại cho da nở giòn. Chị thường chị mất 10 phút để thịt đủ nóng và thơm ngon.

Mỗi hộp cơm cho bé đều đảm bảo đầy đủ 3 thành phần: đạm, tinh bột và rau củ tạo chất xơ. Nếu món ăn không thể kết hợp phong phú với rau củ, chị NDung sẽ tăng lượng vitamin và chất xơ từ các món tráng miệng là trái cây. Bà mẹ hai con thường sử dụng rau củ, trái cây theo mùa và nương theo sở thích của con hoặc thay đổi cách chế biến với những món bé không "khoái". Ví dụ, bé An không thích cà rốt, chị NDung sẽ cắt nhỏ hoặc trộn lẫn khi nấu nướng để tạo thói quen ăn cà rốt cho bé. 

Thành phần tinh bột trong mỗi khẩu phần được thay đổi từ gạo, mì đến bánh mì, bánh bao, khoai tây nướng... 

Tương tự như vậy, đạm cũng được thay đổi nhưng không quá 2 bữa thịt bò mỗi tuần. Còn lại chị luân phiên giữa thịt gà, thịt heo, cá, tôm, cua, hải sản.

Quy tắc sắp xếp các thành phần của chị NDung là 1:1:1. Bởi theo chị, trẻ nhỏ cần nhiều năng lượng nên đạm và tinh bột sẽ không khắt khe như với người lớn. Ngoài ra, nếu ngày hôm đó bé có nhiều hoạt động thể chất thì chị sẽ tăng lượng đạm. Bà mẹ hai con điều chỉnh dinh dưỡng cân bằng cho cả tuần chứ không chỉ theo ngày. 

Bên cạnh đó, chị cũng để ý tới sự cân bằng giữa vị và dinh dưỡng, vitamin. Điều này không chỉ giúp bé ăn ngon, đủ chất mà còn hỗ trợ tiêu hóa, khiến trẻ không buồn ngủ và mệt mỏi vì ăn quá no.

"Trẻ con cũng ăn bằng mắt" nên khi trình bày hộp cơm, chị NDung luôn cố gắng sao cho có ít nhất 3 màu sắc trở lên, luôn có màu ấm nóng và màu dịu mắt. "Màu xanh lá làm dịu trí não và tăng sự thư giãn - điều cần thiết cho bữa ăn", bà mẹ hai con chia sẻ. 
Mặt khác, cách sắp xếp của chị cũng không quá khó để bé có thể gắp được thức ăn nhanh chóng.

Những ngày bé có lịch học ngoài trời hoặc đi tham quan, nhà trường yêu cầu đem theo lunchbag (túi đồ ăn bằng giấy để ăn xong bỏ đi luôn), chị NDung sẽ chuẩn bị cho con bánh mì heo quay, bánh mì thịt nướng, cơm nắm, xôi nắm hoặc sushi (nhưng không cuốn cá tươi mà làm từ đồ nấu chín như tôm hấp, trứng chiên cuộn bơ, dưa leo...).

Từ kinh nghiệm chuẩn bị cơm hộp cho hai con, chị NDung cho rằng mẹo để con ăn ngon và thích thú với thói quen này là nên để con tự chọn hộp cơm theo gợi ý. Như vậy, trẻ cũng sẽ có trách nhiệm hơn với việc ăn uống. 
Niềm vui nho nhỏ của chị NDung là mỗi khi đón các con từ trường về, con lên xe và khoe với mẹ đã ăn hết món ăn, thích món nào; xen lẫn niềm tự hào vì mỗi ngày có một hộp cơm trưa khác nhau.

Nói thêm về cách tạo thói quen và niềm vui ăn uống cho các con, chị NDung bắt đầu áp dụng phương pháp ăn dặm BLW (bé chỉ huy) từ khi con 6 tháng tuổi. Bé bắt đầu bằng các món rau củ hấp/luộc không có muối và tới 8 tháng thì làm quen với thịt gà, 12 tháng là thịt lợn... 

Phương pháp này về lâu dài, theo chị NDung, rất có lợi cho sức khỏe. Trẻ sẽ không hoặc ít bị hóc vì tự hình thành chế độ phản xạ rồi ói ra khi có vật vướng hoặc biết nhằn xương; xúc giác chuẩn, biết tự phòng vệ và ít có nguy cơ dị ứng. 

Một trong những món được các bé yêu thích nhất là cơm ép gồm rong biển, cơm, ruốc, quả bơ.

Chị NDung không áp lực chuyện tăng cân của con mà cần nhất là bé có sức đề kháng tốt, khỏe mạnh.

Thỉnh thoảng, chị cũng tập cho bé ăn các món chay những vẫn đảm bảo có đủ các thành phần dinh dưỡng. Hai con chị đều hợp tác tốt và vui vẻ thưởng thức bữa trưa của mình.

Những hộp cơm trưa như thế này hoàn toàn phù hợp để bạn nấu và đem đi làm. Bạn có thể tăng số lượng từng thành phần để đảm bảo nhu cầu của người lớn. 

Ảnh: NVCC

Hà Nhi

Đánh giá phiên bản mới