Thứ ba, 18/12/2018, 08:25 (GMT+7)

10 nét văn hóa của người Nhật du khách phải để ý

Tự rót rượu cho mình hay xì mũi nơi công cộng đều bị xem là hành động bất lịch sự.

Như nhiều nước châu Á khác, người Nhật coi số 4 là xui xẻo vì phát âm giống với từ "chết". Vì thế, thang máy sẽ thiếu tầng thứ tư, một số tòa nhà còn không có từ tầng 40 đến 49. Đặc biệt, số 49 được xem là không may mắn nhất do phát âm giống cụm từ "đau cho đến chết".

Xì mũi nơi công cộng bị xem là hành động thô lỗ, bất lịch sự ở Nhật vì nó có thể khiến người khác cảm thấy mất vệ sinh. Thay vào đó, bạn nên tìm một nơi kín đáo nhất có thể như nhà vệ sinh để xì mũi, hoặc trong trường hợp khẩn cấp (đang bị ốm) thì nên sử dụng một chiếc khăn tay thay vì khăn giấy thông thường.

Trái với văn hóa tip (tiền boa) của các nước phương Tây, ở xứ sở hoa anh đào, điều này có thể được coi là xúc phạm, thậm chí là hành động coi thường người khác nên không có gì ngạc nhiên khi nhân viên nhà hàng đuổi theo bạn để trả lại số tiền thừa ít ỏi. Vì vậy, nếu khách thực sự yêu mến thái độ phục vụ của các nhân viên, bạn có thể tặng họ một món quà nhỏ thay vì tiền để cảm ơn. 

Dù nổi tiếng với nhiều món ăn đường phố đặc sắc, nhưng vừa đi vừa ăn trên đường bị xem là người cẩu thả, không lịch sự và đôi khi còn bị người khác xem thường. Đồ ăn thức uống bị cấm hoàn toàn trên tàu, xe... Chỉ có trong các lễ hội ẩm thực, pháo hoa... thì bạn mới có thể thoải mái vừa đứng vừa ăn. 

Tàu điện ngầm ở Nhật Bản giờ cao điểm
 
 

Chen lấn trên tàu điện ngầm là chuyện bình thường, đặc biệt vào giờ cao điểm. Những người mặt đồng phục, đeo găng tay trắng đứng canh trước cửa lên xuống có nhiệm vụ đẩy khách vào trong, đảm bảo không có hành khách nào bị kẹp cửa được gọi là Oshiya (tiếng Nhật có nghĩa là "người đẩy"). Nhiều du khách mới đến đây có thể bị sốc bởi văn hóa đi tàu điện của người Nhật.

Chẳng có người Nhật nào cảm thấy khó chịu nếu bạn ngủ gục trên vai người bên cạnh khi đi tàu điện ngầm hoặc xe buýt. Cho dù vai của người bị dựa mỏi, đau thì họ cũng cố gắng chịu đựng điều đó hết mức có thể, bởi họ thông cảm cho những người vừa trải qua một ngày làm việc vất vả, phải di chuyển xa và mệt đến nỗi ngủ gật trên tàu.

Theo thông lệ, khách phải thay giày dép khi vào nhà, nhà hàng kiểu truyền thống, đền thờ và đôi khi là các bảo tàng, phòng trưng bày... Đây là một văn hóa có từ rất lâu của người Nhật. 

Khi được một người Nhật mời đến chơi nhà, bạn đừng bao giờ quên mang theo một món quà tặng chủ nhà. Đó là phép lịch sự tối thiểu. Món quà càng được gói đẹp, càng bày tỏ sự trân trọng của người tặng. Và bạn cũng không cần phải từ chối một món quà khi được tặng.

Đối với người Nhật Bản và Hàn Quốc, tự rót rượu cho mình bị xem là bất lịch sự, nhất là là khi uống chung với người lớn tuổi hơn. Nếu ly rượu của bạn đã hết, bạn có thể rót cho người khác và chờ họ rót lại cho mình, tuyệt đối không được tự rót rượu. Đây là văn hóa uống của người Nhật mà bất kỳ vị khách nào cũng đều phải để ý.

Xì xụp húp mì đến nỗi phát ra tiếng động to không bị xem là bất lịch sự, mà ngược lại, điều này khiến cho người bán cảm thấy vui vẻ vì thực khách đang thực sự thưởng thức món mì ngon của mình. 

Vi Yến

Đánh giá phiên bản mới