Thứ ba, 8/9/2015, 19:28 (GMT+7)

Hai năm về với văn minh của 'người rừng' Hồ Văn Lang

Trở về làng, "người rừng" Hồ Văn Lang (Quảng Ngãi) hòa nhập cuộc sống mới bằng việc nương rẫy và leo trèo các cây cổ thụ tìm phong lan về đổi gạo giúp gia đình.

Trở về sau 40 năm sống ở nơi thâm sơn cùng cốc, giờ đây, hai cha con "người rừng" Hồ Văn Lang đã hòa nhập cuộc sống mới ở buôn làng. Huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) tạo điều kiện cho gia đình anh phát nương, làm rẫy, dựng chòi canh tác hoa màu mưu sinh kiếm sống. 

Từ cuộc sống săn bắt, hái lượm, sau hai năm được "giải cứu" từ rừng sâu về ở buôn làng, anh Lang đã biết đấu nối ống lồ ô dẫn nước suối về tỉa lúa rẫy, trồng hoa màu gồm khoai môn, dưa leo, đậu xanh, bắp, mướp... đảm bảo cuộc sống hàng ngày của gia đình. 

Anh còn biết làm dụng cụ đuổi chim bằng lồ ô, lá rừng để bảo vệ mùa màng trên mảnh đất rẫy của mình. 

Không chỉ giỏi việc canh tác nương rẫy, anh Lang còn leo trèo nhanh như loài sóc lên các cây cổ thụ hái lan rừng giúp gia đình em trai mang ra chợ đổi gạo cải thiện cuộc sống. 

... Hay thoăn thoắt trèo lên thân cau cao giúp dân làng hái buồng cau bán cho thương lái. 

Lang bắt đầu biết chăm chút bản thân như chải đầu, soi gương. Sau hai năm trở về làng và hiện 43 tuổi nhưng anh vẫn còn độc thân. 

Hai cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang bên bếp lửa cùng nồi cơm trắng vừa chín. Tình phụ tử của họ còn vẹn nguyên, sâu đậm sau khi từ rừng sâu trở về sống với buôn làng. 

Trong khi anh Lang hồ hởi, hoạt bát sau hai năm thì ông Hồ Văn Thanh suốt ngày hầu như không nói gì. Thỉnh thoảng ông cầm chổi quét dọn nhà hay chỉ ngồi trầm ngâm nghe dân làng trò chuyện. 

Văn Minh 

Đánh giá phiên bản mới