Thứ ba, 11/8/2020, 13:54 (GMT+7)

Phòng hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 nặng

Đà NẵngTại đơn nguyên Hồi sức tích cực (ICU), bệnh viện Phổi Đà Nẵng, y bác sĩ điều trị 8 bệnh nhân Covid-19 rất nặng, vừa theo dõi, khám, cho thuốc, vừa chăm sóc từ vệ sinh đến trở mình người bệnh.

Đơn nguyên Hồi sức tích cực Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được thiết kế, lắp đặt trong 5 ngày, gồm 12 phòng được cải tạo, đạt tiêu chuẩn của ICU. Hệ thống oxy trung tâm, khí nén; các thiết bị như máy lọc máu liên tục, máy thở đa chức năng, máy ECMO tim phổi nhân tạo được lắp đặt hoàn chỉnh.

Hệ thống camera phủ khắp, chiếu rõ từng phòng bệnh. Các bác sĩ cắt cử nhân sự quan sát vòng ngoài, giảm rủi ro cho bệnh nhân và nhân viên y tế.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng thành lập năm 2005, đóng ở quận Liên Chiểu, quy mô 100 giường. Không có thang máy, nhân viên y tế đi bộ giữa hai tầng lầu để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân và làm công tác chuyên môn.

"Bệnh nhân 416", 57 tuổi, được ghi nhận nhiễm nCoV đầu tiên trong đợt dịch bệnh ở Đà Nẵng, đang được hồi sức tích cực.

Bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đặt máy ECMO từ tối 24/7. Đến nay, ông đã có kết quả xét nghiệm ba lần âm tính virus. Tuy nhiên, bác sĩ đánh giá tình hình còn rất nặng, sự sống phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở và hệ thống ECMO.

Điều dưỡng Nguyễn Văn Hải, khoa Hồi sức cấp cứu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, ra Đà Nẵng chi viện từ ngày 24/7. Anh đang cài đặt các thông số trên máy lọc máu liên tục, hỗ trợ hồi sức tích cực cho bệnh nhân nặng.

Các y bác sĩ và điều dưỡng mặc đồ bảo hộ kín mít. Giọng nói qua mấy lớp khẩu trang cũng khác biệt. Do đó, các anh chị nhờ đồng nghiệp viết tên mình lên lưng áo và trước ngực để tiện xưng hô.

Bác sĩ chuyên khoa hai Trần Thanh Linh (giữa), Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, được chi viện ra Đà Nẵng từ ngày 25/7, chịu trách nhiệm chính thiết lập, vận hành đơn nguyên. Anh cùng 11 đồng nghiệp Chợ Rẫy và các điều dưỡng, bác sĩ địa phương trực tiếp chăm sóc, điều trị các bệnh nhân tại đây.

Bác sĩ Linh cùng các đồng nghiệp xem phim X-quang phổi của bệnh nhân mỗi ngày. Họ bàn bạc, trao đổi kỹ lưỡng tình trạng bệnh nhân để có các can thiệp kịp thời.

nCoV thường tấn công mạnh mẽ nhất vào phổi người nhiễm. Các tổn thương phổi ở bệnh nhân được các bác sĩ đặc biệt chú ý. Dàn đèn đọc phim X-quang trong khu Hồi sức tích cực những ngày này luôn sáng.

Các kỹ thuật viên xét nghiệm nCoV không trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhưng làm việc căng thẳng không kém. Họ chia ca trực luân phiên trong bệnh viện.

Các xét nghiệm của bệnh nhân cần phải thực hiện nhanh, chính xác, ngay khi có chỉ định. Hiện 13 bệnh nhân điều trị tại đây đã âm tính nCoV.

Đơn nguyên Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị 16 bệnh nhân, trong đó 8 bệnh nhân rất nặng thở máy, hai bệnh nhân đang chạy ECMO (tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể) và bốn bệnh nhân phải lọc máu liên tục.

Ngoài việc thăm khám, điều trị, các bác sĩ, điều dưỡng dành thời gian ghi chép chi tiết tình trạng của từng bệnh nhân vào bệnh án. Không ai có thời gian dùng điện thoại. Bữa trưa của họ thường bắt đầu lúc 13h, tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi rồi vào việc tiếp. Mỗi ngày, họ làm việc liên tục ít nhất 13 tiếng, việc di chuyển chỉ giới hạn từ bệnh viện đến khu nghỉ ngơi.

Anh Thư

Đánh giá phiên bản mới