Tag: 

Nước dừa

Dừa với 95% là nước, có hàm lượng calo thấp, nhiều vitamin và khoáng chất, chất điện giải tự nhiên giúp giảm tình trạng mất nước. Một cốc (240 ml) nước dừa không đường cung cấp 45 lượng calo, 1,7 gram chất đạm, 0,5 gram chất béo, 9 gram carbohydrate, 2,6 gram chất xơ, 6 gram đường; 5% lượng canxi, 17% lượng kali và 10% lượng natri trong giá trị dinh dưỡng hàng ngày (DV). Với những người thiếu các khoáng chất như kali, natri, canxi, magie, nước dừa có thể là lựa chọn lành mạnh.

Theo StyleCraze, chưa có đầy đủ đủ thông tin về tác động của nước dừa với phụ nữ mang thai và cho con bú nên những người trong thai kỳ cần có chỉ định của bác sĩ liệu có nên uống. Ngoài ra, nước dừa làm giảm huyết áp và có thể tương tác với một số thuốc. Những người đang dùng thuốc để kiểm soát huyết áp nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng nước dừa. Người bệnh đang lên kế hoạch cho cuộc phẫu thuật nên tránh dùng nước dừa hoàn toàn.

Ngoài nhóm người cần đặc biệt lưu ý này, nhìn chung nước dừa có tác dụng tuyệt vời với sức khỏe.

Cung cấp nguồn Kali dồi dào

Kali là khoáng chất rất có lợi cho sức khỏe, giúp điều hòa huyết áp, nhịp tim, tiêu hoá, xung thần kinh. Cơ thể không thể tự sản xuất kali, do đó việc hấp thụ kali từ thực phẩm và thức uống rất quan trọng.

Một ly nước dừa chứa 17% kali khuyến nghị mỗi ngày.

Chứa nhiều chất điện giải

Chất điện giải giúp cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể và hỗ trợ điều chỉnh chức năng cơ bắp. Có 7 chất điện giải chính trong cơ thể người, bạn có thể tìm thấy 5 trong số đó ở nước dừa: natri, kali, canxi, magie, phốt pho.

Uống một cốc nước dừa sẽ cung cấp cho bạn 15% lượng magie, 10% natri, 5% canxi mỗi ngày.

Giúp lợi tiểu

Điều này sẽ rất hữu ích với người bị bí tiểu. Nước dừa giúp làm sạch đường tiết niệu, nhờ đó giảm viêm nhiễm ở bộ phận này. Tuy nhiên không nên uống nước dừa vào ban đêm.

Ngăn ngừa sỏi thận

Lợi ích tuyệt vời nhất với sức khỏe khi uống dừa là ngăn ngừa nguy cơ sỏi thận rất phổ biến hiện nay. Trên thực tế, sỏi thận xảy ra khi có sự tích tụ của các tinh thể trong thận, vốn cần phải được thải ra ngoài qua nước tiểu. Nghiên cứu chỉ ra nước dừa làm giảm số lượng tinh thể lắng đọng ở thận, ngăn nguy cơ xuất hiện sỏi thận.

Có tính kháng khuẩn

Nước dừa có chứa tannin, đây là hợp chất chống viêm và kháng khuẩn. Nó cũng chứa axit lauric có đặc tính kháng khuẩn và chống nấm.

Trẻ sơ sinh tiếp nhận axit lauric từ sữa mẹ để chống nhiễm trùng. Ở người trưởng thành, axit lauric sẽ chuyển thành monolaurin, có tác dụng kháng khuẩn và chống một số loại virus.

Tăng cường sức khỏe tim mạch

Một trái tim khỏe mạnh đến từ chế độ ăn và luyện tập thể dục thường xuyên. Bạn nên thêm nước dừa tươi vào danh sách thực phẩm bởi những nghiên cứu chỉ ra nước dừa giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ đau tim.

Lưu ý nước dừa chứa ít calo nhưng một quả dừa có thể chứa đến 5 g đường do đó bạn không nên uống quá nhiều.

Cung cấp nước giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt

Nước dừa là thức uống giải khát rất tốt khi nắng nóng, cải thiện quá trình hydrat hóa để bổ sung nước cho các cơ quan trong cơ thể. Bởi uống đủ nước mỗi ngày sẽ tăng mức năng lượng, hỗ trợ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn. Người thường xuyên bị táo bón có thể uống nước dừa vì nó còn có tác dụng nhuận tràng.

Nếu bạn đang bị trào ngược axit thì nước dừa có thể giúp cải thiện tình trạng vì nó có tính kiềm, góp phần giúp cân bằng độ pH trong cơ thể. Kali, natri, magiê và canxi trong dừa còn hoạt động như chất điện giải, giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng cho cơ thể. Nó còn có khả năng đào thải lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Vì vậy, thức uống này rất tốt để giải độc, giảm cân và có ích cho những người có vấn đề về giữ nước.

Nước dừa rất giàu chất điện giải như kali, natri, magie... Ảnh: Freepik

Nước dừa rất giàu chất điện giải như kali, natri, magie... Ảnh: Freepik

Khó tiêu dẫn đến khó chịu ở dạ dày, nhất là ở người có niêm mạc dạ dày bị viêm. Đường và nước từ thức ăn không được hấp thụ bởi niêm mạc dạ dày bị viêm và điều này làm mất các khoáng chất như magiê, kali và natri. Nước dừa cung cấp kali và các vitamin, khoáng chất có lợi cho những đối tượng này. Nước dừa ít gây buồn nôn hay khó chịu ở dạ dày và dễ uống trong quá trình bù nước.

Giảm tình trạng chuột rút cơ bắp

Nguyên nhân chuột rút đến từ sự thiếu hụt kali trong cơ thể hoặc do quá trình căng cơ do tập thể dục. Uống nước dừa bổ sung nước, dưỡng chất bị mất là sự bổ sung hoàn hảo có thể thay thế cho bất kỳ loại nước uống năng lượng nào.

Giúp xương chắc khỏe

Nước dừa chứa một số lượng đáng kể canxi cần thiết giúp xương khỏe, duy trì mật độ xương theo tuổi tác. Thực phẩm này cũng giàu magiê tăng sức mạnh cho hệ xương khớp.

Giảm cân

Kiểm soát cân nặng của bạn hiệu quả là một điểm cộng tuyệt vời khi uống nước dừa. Nước dừa là sự bổ sung tuyệt vời bởi nó giàu chất xơ, giúp cơ thể no lâu, ăn ít.

Dưỡng ẩm da

Uống nước dừa thường xuyên cho bạn làn da mịn màng, ngậm nước. Nước dừa tươi trộn với nước cốt chanh và mật ong là hỗn hợp dưỡng ẩm da bạn nên thử.

Với người bị tiểu đường

Người tiểu đường có thể chọn nước dừa không cho thêm đường để hạn chế tác động đến đường huyết nhưng chỉ nên uống 240-480 ml mỗi ngày.

Người bệnh tiểu đường nên tránh nước dừa đã thêm đường vì có thể làm tăng lượng calo và lượng đường trong máu. Bạn nên đọc thành phần trên nhãn bao bì để chắc chắn đang dùng 100% nước dừa tươi nguyên chất. Một số nhãn hiệu đóng chai có thể chứa thêm đường hoặc chất tạo hương vị.

Xem chi tiết: Nước dừa có tốt cho người bệnh tiểu đường?

Với phụ nữ mang thai

Nước dừa tươi là thức uống giải khát rất được ưa thích vì an toàn, phổ biến. Thức uống ít calo và chất béo nhưng lại rất giàu vitamin, khoáng chất, các chất dinh dưỡng khác. Dưới đây là những lợi ích nước dừa với sức khỏe thai phụ.

  • Ngăn cơn ốm nghén
  • Làm dịu chứng trào ngược axit
  • Hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng cho thai nhi
  • Có thể làm giảm huyết áp

Xem chi tiết: Lý do sản phụ nên uống nước dừa thường xuyên trong thai kỳ

Mặc dù đồ uống có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi nhưng nếu sử dụng không đúng cách, nước dừa cũng có thể gây hại. Nước dừa tốt cho phụ nữ mang thai được đề cập là nước dừa tươi. Do đó, người nhà thai phụ nên tìm mua cả trái dừa, tránh mua loại nước dừa đóng chai bởi chúng thường sẽ thêm chất tạo ngọt, chất bảo quản,...

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước dừa có thể là một lựa chọn trong khi mang thai, vì nó có tác dụng hydrat hóa và cung cấp chất điện giải. Ảnh: Freepik

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước dừa có thể là một lựa chọn trong khi mang thai, vì nó có tác dụng hydrat hóa và cung cấp chất điện giải. Ảnh: Freepik

Nước dừa chứa nhiều chất dinh dưỡng nên thai phụ hãy chọn cách uống không thêm đường, không uống lạnh, không nên uống vào buổi tối và lưu ý đến khẩu phần ăn hằng ngày để tránh tăng cân.

Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội), trong 3 tháng đầu mang thai chị em không nên uống nước dừa. Khi ấy phôi thai còn nhỏ, nước dừa thuộc tính hàn lạnh, bà bầu uống dừa sẽ không tốt cho quá trình chuyển hóa, ăn uống. Ngoài ra, nước dừa có 2% là chất béo, khiến bà bầu khó tiêu sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng ốm nghén.

Tuy nhiên bà bầu sau 3 tháng thai kỳ thì uống nước dừa lại rất tốt, có tác dụng kháng khuẩn, chống táo bón, lợi tiểu... Người bình thường một ngày nên uống khoảng 2 lít nước, bà bầu cần nhiều hơn nên cần thiết uống bổ sung thêm nước dừa.

Người nào không nên uống

Theo tiến sĩ, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khi uống nhiều nước dừa cần lưu ý đến lượng calo nạp vào để tránh bị tăng cân, ví dụ khoảng 330 ml nước dừa cung cấp 60 kcal.

Bác sĩ lưu ý phụ nữ mang thai không nên uống quá nhiều nước dừa. Nhìn chung, bà bầu nên chọn nước lọc là nguồn nước chính của cơ thể, không nên thay thế hoàn toàn bằng nước dừa hoặc bất kỳ thức uống nào khác.

Với người muốn giảm cân, nước dừa phải được tính vào tổng năng lượng trong ngày. Đối với người tập luyện vừa phải, uống nước dừa giúp cơ thể bù nước tốt tuy nhiên không phù hợp với người tập luyện nặng.

Bác sĩ khuyên những người có nguy cơ tăng kali máu cần thận trọng hơn khi uống nước dừa, cụ thể gồm người bệnh thận, đang dùng thuốc ức chế men chuyển, ức chế beta, kháng sinh (penicillin), đái tháo đường không kiểm soát, suy thượng thận, bỏng, tán huyết, ly giải cơ vân.

Chú ý: Thành phần trong nước dừa là nhược trương (chứa ít muối) nên không phải là thức uống phù hợp để thay thế điện giải trong những trường hợp mất natri nặng (đổ mồ hôi nhiều). Dù vậy, đây không phải là tình huống thường gặp.

Xem chi tiết: Người nào không nên uống nước dừa?

(Theo Bright Side, StyleCraze)

Đánh giá phiên bản mới