Thời cuộc - Thứ ba, 13/4/2021, 00:03 (GMT+7)

Nàng kiến trúc sư bỏ nghề về may vá

Hà Nội27 tuổi, Đàm Thị Kim Anh, quê Thái Nguyên, hiện sinh sống tại Hà Nội, từ bỏ công việc kiến trúc sư mất 5 năm theo học và hơn 2 năm làm nghề để tìm đến với đam mê may vá.

Trong căn phòng nhỏ rộng chừng 20 m2, treo đầy những dụng cụ may vá, sản phẩm thủ công thêu tay tỉ mỉ, ngồi tại chiếc bàn lớn ngay chính giữa phòng, Kim Anh tỉ mẩn phác thảo một cành hoa lên miếng vải trắng. Cầm chiếc kim khâu bên cạnh, cô bắng đầu chọn chỉ, từng mũi kim đâm xuống, 30 phút sau phần hoa thêu hoàn thành, cô định hình sản phẩm bắt đầu may khẩu trang cho khách. Các công đoạn được Kim Anh làm nhanh gọn, dứt khoát nhưng vẫn đảm bảo đủ tiêu chí "bền - đẹp - màu sắc hài hòa".

Nhìn các sản phẩm của Kim Anh, ai cũng nghĩ đã theo đuổi nghề nhiều năm nhưng thực ra, cô gái 27 tuổi mới theo nghề được 7 tháng, mở tiệm với 100 nghìn đồng và là dân Kiến trúc ra trường. Đối diện với câu hỏi "Tại sao lại nghỉ?", Kim Anh trả lời: "Đến một ngày đẹp trời nhận ra không thể tiếp tục đi xa trên con đường này nữa, tôi quyết định dừng lại để giữ lại những kỷ niệm đẹp với ngành đã theo học và cống hiến trong suốt 7 năm qua".

Trước đây, làm đồ thủ công (handmade) là một trong những sở thích của Kim Anh, nhưng ngày còn đi làm, cô không đủ thời gian để miệt mài với nó. Đến lúc nghỉ hẳn, cô mới bắt đầu khai thác niềm đam mê này. Kinh nghiệm từng học thêu năm cấp 2 và sự tự tin dám thử đã giúp cô có những hướng đi mới đầy táo bạo và thú vị.

Kim Anh tìm hiểu về thêu nhiều hơn trên YouTube hay Pinterest. Những ngày đầu, sản phẩm còn khá vụng về, nhưng đến nay tay nghề của cô không còn phải dè chừng với những mẫu thêu khó. Mất gần năm trời lọ mọ trong căn phòng trọ, cuối năm 2020, cô gái trẻ quyết tâm thuê một căn tập thể nhỏ chừng 20m2 "đúng như nguyện ước" làm studio phục vụ riêng cho công việc. Cô có cảm giác mỗi ngày đều mong được đi làm, sáng 10h đến studio, đến 9-10h đêm về phòng trọ nghỉ ngơi.

Mọi người hay hỏi Kim Anh "cứ làm việc một mình hoài mà không thấy chán à?". Bản thân cô lại thích trạng thái được làm việc một mình như vậy. Đặc biệt lúc thêu, cô cảm giác như đang thư giãn, chứ không phải làm việc. Ngồi trong không gian yêu thích và còn được "tận hưởng" nó, cô chẳng kịp nghĩ tới việc chán, mà trước đây, câu cửa miệng luôn là "chán thế, mai lại phải đi làm..."

Đồ trong tiệm của bà chủ trẻ có đủ thứ, từ phụ kiện, túi xách, ví, tranh thêu, cặp tách, khẩu trang, miếng lót cốc... mức giá dao động từ 50 - 200 nghìn đồng với phụ kiện, tranh thêu từ vài trăm cho đến 4 - 5 triệu đồng, mất từ 3 - 14 ngày để hoàn thiện (tuỳ vào độ khó của từng bức). Nhiều người cho rằng mức giá hơi đắt, nhưng Kim Anh nói rằng giá thành phải phù hợp với công sức và chất lượng

Trung bình mỗi tháng Kim Anh bán được 20 sản phẩm, tính cả bán online hoặc ký gửi đồ tại các cửa hàng trên phố.

So với công việc kiến trúc, làm đồ handmade chỉ giúp Kim Anh đủ chi tiêu những thứ cơ bản nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng cô vẫn quyết chọn, vì công việc này hợp với bản thân, thứ khiến cô cảm thấy hài lòng, muốn gắn bó với chung và được làm chính mình.

"Hiện tại sản phẩm mình làm đang hướng đến phong cách nhẹ nhàng, dễ thương, nhưng mình mong muốn trong thời gian tới sẽ tìm được hình ảnh mang nét riêng để khi nhìn vào mọi người biết đến thương hiệu của mình", Kim Anh cười.

Đăng Khoa

Đánh giá phiên bản mới