Thể thao - Thứ bảy, 25/8/2018, 00:10 (GMT+7)

Những điều ít biết về 4 cô gái vàng rowing Việt Nam

Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền, Hồ Thị Lý và Lường Thị Thảo đều đến với môn đua thuyền một cách tình cờ.

Sáng 23/8, tin vui đến với đoàn thể thao Việt Nam khi Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền, Hồ Thị Lý và  Lường Thị Thảo xuất sắc giành HC vàng ở môn rowing. Trong bối cánh hàng loạt niềm hy vọng như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Dương Thúy Vi (wushu), Nguyễn Thị Thật (đua xe đạp), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Ánh Viên (bơi)... không thi đấu thành công, tấm HC vàng rowing càng có thêm giá trị.

Việc đội nữ rowing Việt Nam giành HC vàng Asiad là điều không nhiều nghĩ đến. Càng bất ngờ hơn khi biết được con đường đến với rowing của 4 cô gái và những gì họ đã phải trải qua để có được vinh quang.

Phạm Thị Thảo: Mới sinh con ba tháng đã lao vào tập luyện

Ở tuổi 29, Phạm Thị Thảo là đàn chị ở tuyển rowing Việt Nam. Cô gái sinh năm 1989 quê Thái Bình ban đầu mong muốn trở thành một VĐV bóng chuyền nhưng duyên số lại đưa cô đến với rowing. Với sải tay dài khác thường, Thảo nhận được lời mời gia nhập đội chèo thuyền tỉnh Thái Bình khi còn học lớp 12. Phải mất tận hai tháng trời, các HLV mới thuyết phục được cô học trò đầy tiềm năng tham gia tập luyện. 

Trong khoảng 10 năm gắn bó với đua thuyền, Phạm Thị Thảo được ví von là "máy gặt vàng" khi giành được hàng chục chiếc huy chương quốc tế các loại. Tuy nhiên, ít người biết rằng nữ kiện tướng rowing số một Việt Nam lại không biết bơi. Đây cũng chính là lý do ban đầu cô không mấy hứng thú với bộ môn này.

Hành trình tới với chiếc HC vàng Asiad lần này của Thảo gian truân, vất vả hơn rất nhiều so với những gì cô đã trải qua ở những giải đấu trước. Thảo mới sinh con gái đầu lòng hồi tháng 8 năm ngoái. Ba tháng sau, cô đã lao vào tập luyện. Khi bé được 6 tháng tuổi, Thảo bồng bế con lên Hà Nội, ra Hải Phòng, tập luyện cùng đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho Asiad.

Con còn quá nhỏ lại phải đi khắp nơi theo mẹ khiến bé mệt mỏi, quấy khóc, chậm tăng cân. Còn Thảo, sau ngày dài tập luyện, đêm về lại cho con bú, trông con quấy khóc...lại càng thêm cực nhọc.

Vì mưu sinh, chồng Thảo - anh Vũ Văn Đang phải rong ruổi khắp các tỉnh thành miền bắc để bán hàng. Xót vợ, xót con nhưng anh vẫn quyết định để Thảo tập luyện vì đam mê và cống hiến cho quốc gia. Trước khi Asiad diễn ra gần 4 tháng, vợ chồng Thảo đưa con về quê Thái Bình nhờ ông bà chăm sóc. 

Kể từ đó tới nay, hai người vẫn chưa được ở bên con, vợ chồng vẫn chưa gặp mặt nhau. Ngày sinh nhật đầu tiên của con gái hôm 20/8 vừa qua, cả Thảo và chồng đều không có nhà để mừng con lên một tuổi."Hôm nay là ngày sinh nhật đầu tiên của con gái mà mẹ không có ở nhà", Thảo viết trên trang cá nhân và ba ngày sau cô giành HC vàng Asiad. Đây là món quà tinh thần cô dành tặng con gái sau chuỗi ngày xa cách, vượt qua bao nỗi nhớ thương để tập luyện.

Hồ Thị Lý: Nữ phụ hồ bén duyên rowing

Hồ Thị Lý sinh năm 1991 trong trong gia đình thuần nông ở Đông Hà, Quảng Trị. Nhà đông con, lại không có nghề gì khác nên bố mẹ Lý phải đi làm phụ hồ để nuôi các con ăn học. Từ năm đầu học cao đẳng, Lý đã đi làm thêm để có tiền phụ giúp gia đình và trang trải học phí, một trong số đó là làm phụ hồ.

Trong một lần đến công trình xây dựng tìm kiếm VĐV, HLV Phan Văn Biên - người khi đó phụ trách việc tuyển chọn tài năng triển vọng cho bộ môn đua thuyền của Quảng Trị - không khỏi ấn tượng khi nhìn thấy cô phụ hồ trẻ có sức vóc, nhanh nhẹn, nhất là đôi tay dài, khỏe, rất thích hợp với rowing. Sau khi bắt chuyện làm quen, ông Biên ngỏ lời mời Lý tham gia tập luyện. Từ buổi gặp gỡ tình cờ đó, Lý gác luôn việc học, làm quen và gắn bó với rowing.

Hồ Thị Lý trở thành hiện tượng lạ của bộ môn này khi chỉ tập chừng một năm đã giành hai chiếc HC bạc quốc gia, đặc biệt là khả năng thi đấu đa dạng ở nhiều nội dung. Năm 2015, cô được gọi lên tuyển quốc gia và cùng đồng đội đạt HC đồng châu Á. Năm 2016, cô cùng Tạ Thanh Huyền đại diện cho tuyển rowing Việt Nam dự Omlympic tại Brazil.

Tạ Thanh Huyền: VĐV bơi lội tiềm năng bị 'bắt cóc' sang môn rowing

Tạ Thanh Huyền sinh năm 1994 tại Thái Bình. Cô được phát hiện năng khiếu thể thao từ khá sớm nhưng là ở môn bơi lội. Năm 2009, khi đang là học sinh của trường Năng khiếu thể dục thể thao, Huyền bất ngờ được gọi chuyển sang đội đua thuyền phân môn rowing.

Dưới con mắt nhà nghề của mình, ông Trần Văn Sáu - HLV trưởng đội đua thuyền tỉnh Thái Bình khi đó nhận ra tiềm năng rất lớn của Huyền ở bộ môn này. Dưới sự hướng đẫn của ông Sáu và các đàn chị, Huyền dần tiến bộ, hoàn thiện mình.

Năm 2012, Huyền được gọi lên đội tuyển đua thuyền quốc gia. Tại Asiad 2014, Huyền gây tiếng vang khi giành được tấm HC đồng ở nội dung đơn nữ và HC bạc nội dung đồng đội. Những năm sau đó, cô tiếp tục là cái tên ấn tượng của rowing Việt Nam ở đấu trường quốc tế như SEA Games, Rowing Cúp châu Á...Tuy nhiên, mong mỏi lớn nhất của Huyền là cùng đồng đội đổi màu tấm huy chương Asiad và cô đã được toại nguyện hôm 23/8 vừa qua.

Lường Thị Thảo: VĐV điền kinh lọt 'mắt xanh' của nhà tuyển trạch đua thuyền

Lường Thị Thảo sinh năm 1999, là thành viên nhỏ tuổi nhất của đội rowing Việt Nam. Cô gái quê Sơn La ban đầu được lựa chọn vào đội điền kinh của tỉnh, được cử xuống Hà Nội tập huấn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Thảo khó phát triển nếu tiếp tục theo đuổi điền kinh.

 Bước ngoặt đến với Thảo khi cô lọt vào “mắt xanh” của ông Lê Văn Núp, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện TDTT Quảng Bình trong một lần ra Hà Nội công tác. Ông Núp về tận nhà Thảo ở Sơn La để thuyết phục bố mẹ cô cho con gái vào Quảng Bình tập luyện đua thuyền.

 Thảo sau đó liên tiếp tỏa sáng và giành những tấm HC vàng ở các giải trẻ quốc gia. Năm 2017, cô được gọi lên đội tuyển quốc gia và tới năm nay trở thành nhà vô địch Asiad khi mới 19 tuổi.

  • Với việc giành HC vàng tại Asiad 2018, Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền, Hồ Thị Lý, Lường Thị Thảo,nhận tổng cộng 930 triệu đồng tiền thưởng. Trong số này có 600 triệu đồng từ các mạnh thường quân tài trợ cho đoàn Thể thao Việt Nam và 50 triệu từ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Ngoài ra, theo quy định của nhà nước, mỗi VĐV giành HCV ASIAD sẽ nhận 70 triệu đồng, 4 VĐV nhận 280 triệu đồng.

Minh Khang

Đánh giá phiên bản mới