Lối sống - Thứ hai, 13/11/2017, 06:17 (GMT+7)

Người đàn ông Hồi giáo 'trồng cây si' suốt ba tháng để cưới bằng được cô gái Việt

Người đàn ông Jordan ở trọ cạnh nhà cô gái Hải Phòng để tiện sang nói chuyện với người yêu và bố mẹ cô hàng ngày.

Sau một thời gian sang Jordan sống, Dung và Ali trở lại Việt Nam làm đám cưới năm 2016. Khi ấy, Dung đang mang bầu 8 tháng.

Tình cờ quen biết trên mạng vào năm 2014, Hoàng Dung và người đàn ông Jordan hơn 22 tuổi đem lòng yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng. Hơn ba năm kể từ ngày kết bạn, cô gái người Hải Phòng trở thành nàng dâu trong gia đình Hồi giáo, hiện có cuộc sống sung túc bên người chồng "tốt ngoài mong đợi" và chuẩn bị đón đứa con thứ hai ra đời.

Nơi Dung sống hiện tại là một thị trấn nhỏ cách thủ đô Amman nửa giờ chạy xe. Một ngày bây giờ của Dung chỉ quẩn quanh với bếp núc và chăm sóc cậu con trai hơn một tuổi. Cuối mỗi tuần, cô bận hơn khi phải tiếp đón anh em họ hàng nhà chồng tới ăn uống vui vẻ trong vườn ôliu. 

"Họ thắc mắc tại sao tôi không có đôi mắt một mí của người Trung Quốc hay không đen như người Ấn Độ. Có người còn nhắc mẹ chồng kiểm tra cẩn thận vì sợ tôi chuyển giới như phụ nữ Thái Lan. Bà khác lại quan sát ngoại hình của tôi và phán tôi sẽ mắn đẻ như một con thỏ", Dung kể.

Nhớ nhà, cô gọi điện về Việt Nam cho mẹ và chị gái hoặc nhờ chồng trông con để thoải mái shopping hay chuyện trò cùng cháu gái đang là sinh viên đại học. Dung đã có thể nói được tiếng Ảrập, không cầu nguyện hàng ngày mà chỉ phải đội khăn trùm đầu mỗi khi ra ngoài. 

Mỗi khi đi mua sắm, Dung đều chọn thêm đồ màu đỏ cho mẹ chồng.

3 tháng 'trồng cây si' cạnh nhà nàng

Vốn thích phim Bố già, cô gia sư tiếng Anh đồng ý kết bạn với người đàn ông để ảnh đại diện trên Facebook bằng hình của diễn viên nổi tiếng Al Pacino. Nói chuyện qua lại Dung mới biết Ali yêu thành phố hoa phượng đỏ vì từng có thời gian làm thủy thủ và tránh bão ở đây năm 2000. 

"Anh là người chồng rất tốt và trên mức mong đợi của tôi", Dung nói.

Hai người nhắn tin hàng ngày cho nhau và bẵng đi một tuần không liên lạc được vì điện thoại của Dung hỏng. Lúc mở lại điện thoại, Dung bất ngờ khi thấy Ali gửi nhiều tin nhắn lo lắng. Anh xin số điện thoại của cô và gọi hỏi thăm ngay. Sau hôm đó, Dung và Ali hẹn giờ và dành ra ba tiếng mỗi ngày để trò chuyện.

"Suốt 5 tháng nói đủ chủ đề, từ phim truyện, thời tiết, đất nước, ẩm thực đến cuộc sống, ước mơ, chúng tôi đều có tình cảm với nhau nhưng chưa dám nói. Một lần Ali hỏi tôi có yêu anh không, tôi ngại bảo không biết. Còn Ali thổ lộ yêu tôi và muốn về Việt Nam làm đám cưới. Thế là anh bay về thật, về luôn", Dung nhớ lại.

Ở Jordan, Ali làm quản lý cho một công ty may. Anh tính cùng hai người bạn về Việt Nam hai tuần để cưới vợ rồi đi. Tuy nhiên, gia đình Dung không đồng ý vì biết Ali hơn nhiều tuổi và lại là người Hồi giáo. Ali từng kết hôn nhưng không có con chung. Biết không thể làm theo ý mình, Ali quyết định đợi đến khi gia đình Dung đồng ý.

Làm dâu gia đình Hồi giáo nhưng Dung không bị ép buộc phải theo đạo. 

Ali thuê trọ gần nhà Dung để mỗi ngày đều qua chơi với cô và bố mẹ vợ tương lai. Những lúc bên nhau, Dung hay dẫn Ali đi bộ trên những con đường nhỏ ở nơi cô sống. Có lần muốn gây bất ngờ, Ali lén đi hái hoa dại tặng Dung và tỏ ra thích thú mà không biết đó là hoa xuyến chi và ở Việt Nam không ai tặng nhau hoa đó. Trong lúc chèo thuyền trên sông, Ali không biết đẩy nên ngã ướt quần áo. 

Thấy Ali lễ độ và ít nói, bố mẹ và chị gái Dung quý mến nhưng hai anh trai "ghét ra mặt" vì lo em gái bị lừa. Không được mời tới đám cưới anh trai Dung nhưng Ali và hai người bạn vẫn "chai mặt" đến. Sau ba tháng qua lại, Ali được phép đưa Dung về Jordan trước rồi một năm sau trở lại cưới. Cuối cùng, bị anh trai giấu hộ chiếu, Dung đành để Ali về một mình rồi sang sau. Năm 2016, hai người tổ chức đám cưới tại Việt Nam, sau một thời gian sống ở Jordan.

Mẹ chồng Hồi giáo cưng chiều nàng dâu Việt

Sang tới Jordan, Dung mới hay Ali sinh ra trong một dòng họ danh giá. Anh có tên đầy đủ là Ali Rashed Khatar Alshammout. Theo Dung, tên của Ali được ghép với tên bố và tên ông, sau cùng mới là họ. Mỗi dòng họ lớn ở đây đều có địa vị riêng và tại quốc gia Trung Đông này, Alshamout là dòng họ thành đạt. Ali vốn là thủy thủ nhưng sau khi lấy Dung, anh chuyển sang làm thương nhân buôn vải và dầu ôliu.

Cuối mỗi tuần, gia đình Dung thường tụ họp dưới bóng cây ôliu trong vườn nhà để tiệc tùng.

Suốt thời gian ở Việt Nam, Ali bị công ty cho nghỉ việc và số tiền mang theo cũng hết. Để đón Dung sang, Ali phải chuẩn bị vé, giấy tờ, nhà cửa và đồ đạc. Thời điểm đó, gia đình anh có người thân mới mất nên mọi người thống nhất tổ chức một đám cưới nhỏ, thay vì rình rang. Sau buổi lễ ở nhà thờ, Ali và Dung bắt đầu cuộc sống vợ chồng trong căn nhà riêng cạnh nhà bố mẹ.

"Khi đi mua sắm, tôi thường mua thêm đồ cho mẹ chồng, lúc thì quần áo khi lại khăn hoặc giày và luôn chọn màu đỏ. Sau một thời gian dài, bà rất quý con dâu Việt và thường cho tôi tiền tiêu vặt cũng như tặng đồ trang sức vàng", Dung cho hay.

Dung được gia đình Ali tiếp đón nồng nhiệt ngay lần đầu ra mắt. Thấy có cô dâu mới, đàn bà và trẻ em hàng xóm kéo sang chúc mừng và xem mặt. Họ mang theo quà là nước hoa, kem dưỡng da, cốc chén và tiền mặt tặng Dung. Chồng không được phép ngồi với phụ nữ nên Dung phải tiếp đón họ, dù không hiểu gì. Cô lén lấy điện thoại ghi âm lại cuộc trò chuyện rồi về nhờ chồng dịch. Hóa ra, hàng xóm tò mò về cô dâu Việt khiến vợ chồng Dung phì cười lúc nghe lại.

"Họ thắc mắc tại sao tôi không có đôi mắt một mí của người Trung Quốc hay không đen như người Ấn Độ. Có người còn nhắc mẹ chồng kiểm tra cẩn thận vì sợ tôi chuyển giới như phụ nữ Thái Lan. Bà khác lại quan sát ngoại hình của tôi và phán tôi sẽ mắn đẻ như một con thỏ", Dung kể.

Trong mắt Dung, ông xã tốt "ngoài mong đợi".

Thương vợ làm dâu xa nhà, lại không có mẹ đẻ ở cạnh, Ali dặn Dung hãy làm cho mẹ chồng yêu cô. Lần đầu gặp mặt, Dung ấn tượng với mẹ chồng có nét mặt đẹp, béo và trắng. Bà bị bệnh huyết áp cao và đường máu nhưng khỏe mạnh, nhanh nhẹn.

"Bà tính đồng bóng, yêu màu đỏ và nói nhiều. Khi đi mua sắm, tôi thường mua thêm đồ cho bà, lúc thì quần áo khi lại khăn hoặc giày và luôn chọn màu đỏ. Sau một thời gian dài, bà rất quý con dâu Việt và thường cho tôi tiền tiêu vặt cũng như tặng đồ trang sức vàng. Tôi cũng quý mẹ chồng, dù không giao tiếp được nhiều với bà", Dung nói.

Năm đầu tiên chưa có con, sáng nào Dung cũng dậy sớm sang nhà mẹ chồng chơi, sau khi tạm biệt Ali đi làm. Cô phụ bà rửa cốc chén, hút bụi, sau đó ngồi cạnh xem bà cầu nguyện rồi về nấu ăn cho chồng. Quan sát mẹ và em chồng vào bếp nên giờ Dung có thể nấu được nhiều đồ Ảrập. Trong nửa năm đầu về làm dâu, Dung học được cách nói những câu cơ bản, chủ yếu từ việc chơi với trẻ nhỏ.

Trong gia đình Dung, ngoại trừ mẹ chồng cầu nguyện đủ 5 lần một ngày, các thành viên còn lại chỉ làm lễ một lần vào thứ sáu. Tuy Dung lấy chồng Hồi giáo, nhà chồng cô không ép phải theo đạo, trừ việc yêu cầu đội khăn để ra ngoài đàn ông đỡ nhìn.

Con trai đầu của vợ chồng Dung hiện đã hơn một tuổi.

Hạnh phúc giản dị trong ngôi nhà rợp bóng cây ôliu

Lúc mới sang, Dung gặp khó khăn khi không quen với đồ ăn Ảrập. Cô thường nấu cho chồng rồi chế biến món Việt cho mình. Dung cho hay, đàn ông ở đây được luật pháp cho lấy 4 vợ nếu có đủ tiềm lực kinh tế, được sự chấp thuận của hai bên gia đình cũng như người vợ đầu. Tuy nhiên, ít có những vụ ngoại tình do luật xử tội này rất nghiêm. 

"Tôi làm vậy vì yêu Dung. Khi tình yêu lớn thì làm gì cũng dễ", Ali chia sẻ.

Đàn ông Jordan có trách nhiệm kiếm tiền nuôi vợ, con và không cho phép phụ nữ làm việc nặng. Trong gia đình, phụ nữ nắm tài chính và đi chợ mua đồ nấu ăn nhưng Dung không biết lái xe nên việc này đều do Ali đảm nhận. Mỗi tháng, Ali đưa cho vợ tiền để gửi vào tài khoản của cô ở Việt Nam. Dung được tự do quyết định tiêu khoản tiền này hoặc cho, biếu ai tùy ý.

Ali tâm lý và luôn yêu chiều vợ trẻ.

Trong mắt Dung, Ali vụng về nhưng rất yêu vợ. Vợ thèm món Việt, anh lặn lội đi mua bằng được. Có lần, Ali đi kiếm lá lốt về cho Dung làm chả nhưng lại xách nhầm túi lá trầu không. Lúc Dung mang bầu con trai đầu lòng, sợ vợ tủi thân, Ali đưa cô về Việt Nam sinh con. Thời gian đó, cách hai tháng một lần, Ali lại bay về Việt Nam ở một tháng. Sau ba lần bay về, anh mới đón được mẹ con Dung sang.

"Ông xã bảo sinh ở Việt Nam để tôi được gia đình chăm sóc. Anh là người chồng rất tốt và trên mức mong đợi của tôi. Mỗi năm vợ chồng tôi về Việt Nam một lần và ở lại hai tháng. Lần này tôi sắp về để sinh bé thứ hai nên chắc ở nửa năm", Dung cho hay.

Vợ chồng Dung cùng thích đi du lịch và tụ họp gia đình mỗi dịp cuối tuần. Cả hai hiếm khi cãi vã. Nếu có to tiếng, Ali luôn im lặng để Dung trút giận. 

Khi được hỏi về lý do khiến anh từ bỏ công việc tốt ở Jordan để sang Việt Nam "trồng cây si" suốt nhiều tháng trời, Ali tâm sự: "Tôi làm vậy vì yêu Dung. Khi tình yêu lớn thì làm gì cũng dễ. Về Việt Nam lần đầu, tôi rất tự tin và nghĩ sẽ cưới được Dung luôn. Sau đó không được nên tôi quyết ở lại để có cô ấy".

Ali tiết lộ vợ chồng anh mơ ước về Việt Nam làm nông trại sạch, nuôi gà, trồng hoa và bán ôliu từ vườn nhà ở Ảrập.


Dung (thứ ba từ trái sang) hiện đã nói được đôi chút tiếng Ảrập và cảm thấy thoải mái với cuộc sống ở đây.

Bình Minh

Đánh giá phiên bản mới