Sinh nhật Ngôi Sao 15 năm - Thứ tư, 10/4/2019, 09:48 (GMT+7)

MTV và 15 năm chuyển giao đế chế cho âm nhạc trực tuyến

Năm 2004, ngồi trước tivi theo dõi những bài hát mới là thói quen của hàng triệu người trẻ. Nhưng sau hơn một thập niên, Youtube, Spotify hay Apple trở thành bá chủ của ngành công nghiệp nghe nhìn.

Cách đây 15 năm, truyền hình cáp đã phủ sóng rộng rãi ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam, kéo theo internet đường truyền Dial-Up (truy cập quay số) bắt đầu phổ cập đến với các gia đình. Những diễn đàn âm nhạc bắt đầu xuất hiện nhưng chưa nhiều vì chỉ quy tụ một cộng đồng nhỏ, do số người dùng internet tại Việt Nam khi ấy chưa tới một triệu người, theo số liệu của Viện công nghệ thông tin. 

Giai đoạn hoàng kim cuối cùng của MTV

MTV (viết tắt của Music Television, hay còn biết tới là kênh truyền hình âm nhạc) lúc này vẫn đang là một "đế chế" hùng mạnh của ngành công nghiệp âm nhạc. Ra đời từ đầu thập niên 1980 và tới Việt Nam vào giữa thập niên 1990, MTV trở thành một phần ký ức của thế hệ 7x, 8x và đầu 9x khi là nơi cập nhật những bài hát quốc tế mới nhất, thịnh hành nhất. 

MTV Intro
 
 

Intro mở đầu quen thuộc của chương trình MTV cuối thập niên 1990

Các nghệ sĩ Việt Nam cũng có những chương trình riêng như VTV - Bài hát tôi yêu hay Làn sóng xanh là nơi giới thiệu những sản phẩm mới của nước nhà đến với công chúng. 

Năm 2004, âm nhạc trên truyền hình vẫn đang ở đỉnh cao. Từ những bài hát được xem trên MTV, người trẻ mới bắt đầu có thói quen đi mua đĩa CD. Khi được nghe một nhạc phẩm lần đầu qua sóng truyền hình và yêu thích nó, nhiều người sẽ ra hàng đĩa để tìm mua album của nghệ sĩ đó hay những đĩa VCD tổng hợp có MV mà mình yêu thích, được thu lại từ các kênh truyền hình trong và ngoài nước. 

Tại những thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM khi ấy, các hàng bán đĩa hàng ngày đều tấp nập người ra kẻ vào. Đặc biệt là trong những ngày nghỉ cuối tuần, giới trẻ vẫn có thói quen đi "lượn" hàng đĩa xem có sản phẩm gì mới. 

 Internet - chìa khóa thay đổi ngành công nghiệp nghe nhìn

Khi thập niên 2000 đi qua được một nửa, thói quen người dùng dần thay đổi khi Internet ADSL (đường dây thuê bao số bất đối xứng) xuất hiện và phổ cập tới mọi nhà. Thay vì sử dụng hệ thống mạng tốc độ "rùa bò" của Dial-Up trước đó, ADSL cho phép truy cập tốc độ cao mà không ảnh hưởng tới đường dây điện thoại. 

Năm 2006, theo ước tính của Viện công nghệ thông tin, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam là hơn 4 triệu người. Khi chỉ cần ngồi một chỗ bấm chuột là có thể tìm thấy mọi thông tin, thói quen người sử dụng bắt đầu thay đổi.

Báo điện tử dần trở nên phổ biến hơn báo giấy vì mức độ cập nhật nhanh nhạy hơn, lượng thông tin dày đặc hơn và liên tiếp theo từng giờ, từng phút. Tốc độ tăng trưởng của nhiều tờ báo lúc bấy giờ như VnExpress.net hay Ngoisao.net được nhân lên theo số người dùng Internet. 

Thói quen mua đĩa trở nên lỗi thời khi Internet xuất hiện.

Âm nhạc trực tuyến bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn 2005 - 2006 với nhiều diễn đàn cũng như website cung cấp, chia sẻ kho nhạc không bản quyền. 

Youtube cũng được thành lập trong thời gian này và tới năm 2006, khi được Google mua lại thì trang web chia sẻ video này mở ra một "đế chế" mới cho ngành công nghiệp nghe nhìn, đặc biệt là âm nhạc. Thay vì chờ bài hát yêu thích trên MTV theo một khung giờ nhất định, chỉ cần vào Youtube, gõ tên bài hát hay nghệ sĩ là có thể thưởng thức bất kỳ lúc nào. 

Cuối thập niên 2000 là giai đoạn chuyển giao thói quen nghe nhạc khi những chiếc CD và âm nhạc trên truyền hình dần trở nên lỗi thời. Giới trẻ không còn khái niệm cuối tuần đi mua đĩa. Thay vào đó, họ dành thời gian sử dụng Internet nhiều hơn. 

Bước sang năm 2010, Việt Nam có 26,7 triệu người sử dụng Internet. Lúc này, MTV không còn là một "đế chế" hùng mạnh như trước nữa. Thay vào đó, nhiều nghệ sĩ chọn các kênh trực tuyến để ra mắt sản phẩm mới, chọn mạng xã hội để tương tác với người hâm mộ.

Âm nhạc trực tuyến trả phí - xu thế của nghe nhìn hiện đại

Năm 2016, báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp thu âm Mỹ (RIAA) tiết lộ rằng 50% doanh thu của nền công nghiệp âm nhạc Mỹ đến từ các dịch vụ nghe nhạc online. Doanh thu từ âm nhạc trực tuyến đã bù đắp cho doanh số bán đĩa CD, tải bài hát kỹ thuật số, vốn đã có dấu hiệu đi xuống trong nhiều năm trước. 

Các dịch vụ như Spotify, Apple Music, Deezer đều chỉ cho phép người dùng dùng thử trong khoảng 30 ngày và sau đó sẽ phải trả từ 3 USD cho đến 9 USD mỗi tháng để tiếp tục sử dụng dịch vụ. 

Các dịch vụ nghe nhạc trả phí được ưa chuộng ngày nay.

Đầu năm 2018, hai "ông lớn" của âm nhạc trực tuyến thế giới là Spotify và Apple Music "đổ bộ" vào Việt Nam trong sự hoài nghi của nhiều chuyên gia vì trước đó, người dùng tại đây vốn quen với những trang nghe nhạc trực tuyến không bản quyền. Tuy nhiên, với mức chi phí thấp, chỉ dưới 100.000 đồng/tháng, nhiều người không ngần ngại trả tiền hàng tháng để sử dụng dịch vụ có bản quyền.

Giới thiệu Spotify
 
 
Đoạn video giới thiệu dịch vụ nghe nhạc Spotify.

Giờ đây, có thể dễ dàng nhận thấy thói quen của một người trẻ mỗi khi nghe nhạc là sẽ mở một hệ thống nhạc trực tuyến, chọn Playlist theo nghệ sĩ, dòng nhạc hoặc đơn giản là theo tâm trạng. Khi cần xem hình thì sẽ lên Youtube và gõ từ khóa. 

Chỉ trong 15 năm, âm nhạc trực tuyến đã khiến "ông lớn" một thời là MTV trở thành ký ức với 8x đổ về trước và là một thứ "lạ lẫm" với các thế hệ từ 9x trở đi. 

Đĩa than trở lại như một thú chơi hoài niệm của một bộ phận người yêu nhạc. 

Tuy nhiên, sự trở lại của băng cassette và đĩa than trong thị trường âm nhạc hiện đại đang một lần nữa làm xáo động thói quen của người dùng. Tưởng như bị xếp xó trong thời đại kỹ thuật số bùng nổ, băng casette và đĩa than dần trở thành một thú chơi mới của giới trẻ. Theo Guardian, doanh số của băng cassette tăng 125% trong năm 2018. Cũng trong năm đó, có 50.000 bản album trên băng cassette được tiêu thụ tại nước Anh, số lượng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. 

Giới thiệu Apple Music
 
 
Đoạn video giới thiệu dịch vụ nghe nhạc Apple Music.

Nhiều người ví âm nhạc trực tuyến giống như đồ ăn nhanh (fastfood) – tiện lợi nhưng đôi khi người ta sẽ vẫn muốn dành thời gian để nấu ăn và thưởng thức theo kiểu truyền thống. 

Dù khó có thể thay thế âm nhạc trực tuyến trong thời buổi hiện đại, sự nhen nhóm trở lại của những loại hình nghe nhạc như CD, băng cassette, đĩa than từ thời kỳ hoàng kim của MTV cũng phần nào tác động lên ngành công nghiệp nghe nhìn khi thế giới sắp bước sang một thập niên mới. 

Nguyên Minh

Đánh giá phiên bản mới