Thương trường - Thứ sáu, 18/5/2018, 09:01 (GMT+7)

CEO 8x sản xuất đông trùng hạ thảo giá rẻ 'made in Viet Nam'

Thay vì phải chi 2 tỷ đồng cho một kg đông trùng hạ thảo tự nhiên, chị Tuyết và cộng sự đã nghiên cứu, nuôi trồng được dược liệu quý này với giá chỉ khoảng 180 triệu.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết. 

Năm 2015, chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (TP HCM) có cơ duyên gặp 3 đồng sự tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp. Một trong số 3 người vừa bắt tay vào nuôi thử nghiệm loài nấm dược liệu quý hiếm có tên gọi đông trùng hạ thảo. 

Nhu cầu thị trường về dược liệu quý này ngày càng cao trong khi giá bán đắt đỏ: khoảng 2 tỷ đồng một kg khô song không phải ai cũng biết lựa mua sản phẩm chuẩn. Như cá gặp nước, 4 người nhanh chóng lập thành một đội. Mỗi người một thế mạnh cùng nhau làm dự án đông trùng hạ thảo theo phương pháp nuôi cấy nhằm rẻ hóa dược liệu quý này.

Với mong muốn kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, hiểu rõ khó khăn từng khâu trong chuỗi giá trị để tự tháo gỡ, ngay từ đầu chị Tuyết và cộng sự đều thống nhất lập trường làm từ gốc đến ngọn, tức là nghiên cứu nuôi trồng, chế biến và trực tiếp bán hàng.

Xác định làm theo quy trình từ A đến Z đồng nghĩa với việc các chị đối mặt nhiều thách thức bởi sản phẩm làm ra là dạng nấm, phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật gồm: trồng dâu, nuôi tằm, nhân chủng nấm, sản xuất nấm, ra sản phẩm. 

Chị Tuyết (thứ hai từ trái sang) và các cộng sự. 

Từng kinh doanh riêng, cả bốn đều hiểu rất rõ sự khốc liệt của thương trường. Lần này, kể cả sự từng trải lẫn kinh nghiệm cũng không giúp các chị đi con đường dễ dàng hơn.

Thiếu nhất là tiền. Khó nhất là khoản nợ từ các dự án cũ vẫn còn đeo đẳng. 

Thực ra mình thấy làm ăn có nợ nần do thua lỗ là bình thường. Có mấy công ty nào là không thiếu đâu. Nhưng thiếu nợ thì dễ làm mất lòng tin lắm. Mà làm chung 4 người, lòng tin là cực kỳ quan trọng.

Theo CEO sinh năm 1981, có những quyết định đưa ra trong hoàn cảnh "túng trên nợ dưới" đòi hỏi đồng đội phải ủng hộ mình mới dám làm. Cho đến lúc này, thành công nhất vẫn là sự đồng hành của cả bốn.

Bốn người có gì góp đó. Người có sẵn nhà máy tận Bình Thuận, người sẵn đất trang trại ở Đà Lạt, Đồng Nai, người còn chút vốn... tất cả gom vào thuê thêm đất mở rộng khu trồng dâu, nuôi tằm... 

May mắn sau khi dự án hình thành các chị còn thuyết phục thêm được 3 nhà đầu tư khác đứng phía sau hỗ trợ thêm vốn ban đầu. Với số tiền mặt ít ỏi và những gì có sẵn, 4 người phụ nữ trầy trật đi qua từng khó khăn của dự án.

Giai đoạn nghiên cứu quy trình, thách thức là làm sao đảm bảo 3 tiêu chí: hàm lượng dược chất cao, sản lượng đảm bảo và sản phẩm xanh, sạch. Việc nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo không đơn thuần như làm nông nghiệp mà bao hàm cả ngành công nghệ sinh học. Để theo đuổi cần vốn đầu tư cơ sở nghiên cứu lẫn nhân sự có chuyên môn.

Khi đó, để lấy ngắn nuôi dài, bốn người chia nhau các phần trách nhiệm. Chị Tuyết lo phần kỹ thuật nghiên cứu và chiến lược từ xa, một đồng sự lo việc sản xuất tại nhà máy, người khác lo mảng sản xuất từ Đồng Nai tới Đà Lạt và người còn lại lo hậu cần nội bộ cho toàn đội hình.

Từ giai đoạn nuôi cho ra cây nấm, trong gần 2 năm trời, hầu như tuần nào cũng có một mẻ thí nghiệm hỏng phải vứt bỏ. Kể cả sau này, khi chế biến thành sản phẩm nước uống đóng chai, tiền nguyên vật liệu mỗi tháng chi phí không biết bao tiền mà tính.
Chị Tuyết kỳ vọng sớm xuất khẩu được đông trùng hạ thảo "made in Viet Nam".

Một năm sau, mẻ nấm đầu tiên cũng thành công. Nhưng đó là trong quy mô nhỏ thí nghiệm, khi đưa ra sản xuất số lượng lớn, nấm bệnh và hỏng hàng loạt. Các chị lại trở về điểm xuất phát. 

Đầu 2017, việc sản xuất quy mô bắt đầu đi vào quỹ đạo. Với riêng thành phẩm nước uống đông trùng cả nhóm cũng mất hơn 9 tháng để hoàn thiện công thức vừa dễ uống vừa tốt cho sức khỏe.

Theo chị Tuyết, thay vì sản phẩm nước uống chỉ có collagen hiện có trên thị trường, 4 người đã dày công nghiên cứu kết hợp thành phần này với đông trùng hạ thảo mang lại hiệu quả bổ dưỡng từ bên trong để "bong đẹp" ra bên ngoài. Hay việc kết hợp với dược liệu quý này với sâm hoặc các thảo dược khác, tăng tác dụng cho sản phẩm đơn lẻ.

Với khởi nghiệp, nghiên cứu ra sản phẩm cần huy động nhiều nguồn lực trong đó có tài chính. Nhưng vì thị trường chưa có ai làm nên càng phải làm cho ra. Mình tuy yếu vốn nhưng có sản phẩm là có thể bán .

Khó khăn rồi cũng lùi dần, dự án của 4 chị tiến thêm vài bước mỗi ngày dù khá chậm. Các khoản tài chính được tháo gỡ, lòng tin của cả bốn vững hơn. Họ mạnh dạn tự tìm kiếm thị trường cho sản phẩm vốn nhiều người từng nghĩ có giá bán đắt đỏ.

Đông trùng hạ thảo vẫn còn rất mới với người tiêu dùng Việt. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Thái Lan... đây là thức uống quen thuộc. Hướng cho người dân và thị trường về sản phẩm tốt cho sức khỏe, giá dễ chịu cũng là bài toán khó với mỗi từng thành viên trong nhóm.

Đông trùng hạ thảo do chị Tuyết và các cộng sự nuôi trồng có giá chỉ khoảng 180 triệu đồng một kg. 

Nhờ sự đồng lòng "cùng cắn răng" chờ sản phẩm tốt nhất, từ một hai đối tác thân quen, dần dà thương hiệu của các chị cũng được người tiêu dùng quan tâm.

Hiện chị Tuyết và cộng sự có một trang trại trồng dâu nuôi tằm ở Đồng Nai, và một tại Đà Lạt tổng quy mô 3ha, khu trồng nấm rộng 1.000m2. Bên cạnh đó, là nhà máy sản xuất viên nang và nước uống đông trùng hạ thảo đặt tại khu công nghiệp Phan Thiết (Bình Thuận).

Với chị Tuyết, con đường sẽ dễ dàng hơn nếu các chị mua dâu tằm hoặc bột tằm sẵn có trên thị trường để gây nấm. 

Mình tự sản xuất mới đảm bảo được đúng loại tằm cổ kén vàng cho cây nấm có hàm lượng dược chất cao. Mình phải trồng dâu để đảm bao lá dâu sạch, không phân thuốc hóa học, nên tằm ăn mới tốt và nấm theo đó chất lượng cao hơn. Dự án chủ động nơi trồng và quy trình sản xuất rõ ràng minh bạch vẫn tốt hơn cho người tiêu dùng bởi họ biết rõ mua cái gì từ đâu

Đây cũng là cách 4 người phụ nữ hiện thức hóa ý tưởng "từ trang trại đến bàn ăn" khi bắt đầu dự án.

Nhóm CEO 8x chế biến nhiều sản phẩm từ đông trùng hạ thảo.

Trung bình một năm, sản lượng đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa (dạng sợi khô) từ trang trại thu được khoảng 200 kg, giá bán chỉ bằng gần 1/10 so với sản phẩm tự nhiên (khoảng 180 triệu đồng một kg khô); chất lượng được cơ quan quản lý kiểm duyệt.

Theo chị Tuyết, với lượng nguyên liệu này, dự án có thể cung ứng ra thị trường hàng triệu chai nước uống đông trùng hạ thảo và hàng triệu viên nang đông trùng hạ thảo. Giá bán trung bình là hơn 400.000 đồng một hộp 10 chai uống và 900.000 đồng cho loại viên nang 200mg một lọ 30 viên.

Mức giá này với những người tiêu dùng trong nước hoàn toàn có thể chi trả để bảo vệ sức khỏe.
Dược liệu quý được sản xuất sau 2 năm thử nghiệm. 

Hiện, chị Tuyết và cộng sự tiếp thị sản phẩm tại Việt Nam, chủ yếu là nguyên liệu sợi nấm khô cho một số công ty dược phẩm, đồng thời bán thành phẩm thông qua các kênh phân phối online và offline. Sắp tới, với các sản phẩm dạng nước, các chị dự kiến gia tăng các điểm bán lẻ và hệ thống nhà thuốc phù hợp.

Năm qua, các chị cũng giới thiệu sản phẩm sang Singapore, Myanmar, Campuchia, Hong Kong, Mỹ và Thuỵ Sĩ.

Thanh Thư

Đánh giá phiên bản mới