Thương trường - Thứ năm, 11/10/2018, 11:54 (GMT+7)

Ba người bạn sản xuất tỏi đen xuất đi 10 nước

Tham vọng biến tỏi đen Việt Nam trở thành thương hiệu toàn cầu, cô gái đến từ Đà Nẵng rủ bạn lập nghiệp, thu hơn 500 triệu mỗi tháng.

Ba nhà đồng sáng lập tỏi đen IAmV (từ trái sang): Trần Minh Quang, Lê Minh Hồng Phúc và Chế Viết Vũ.

Lê Minh Hồng Phúc là một trong những nhà sáng lập của thương hiệu tỏi đen IAmV, hiện có mặt ở 10 nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, quê hương của tỏi đen. Từ khởi điểm khiêm tốn với cơ sở sản xuất thủ công, giấc mơ của cô gái trẻ lớn dần khi xây dựng được nhà máy chế biến tự động hóa với diện tích 1.000 m2 tại Củ Chi. Hiện IAmV đã bán ra hơn 50.000 sản phẩm tỏi đen, doanh thu đạt 6 tỷ đồng/năm.

Tỏi đen là sản phẩm được lên men từ tỏi thường trong 60-65 ngày. Sau khi lên men, tỏi chuyển thành màu đen, có vị ngọt, không còn mùi cay nồng và hăng như tỏi sống. Tỏi đen trở nên phổ biến tại Nhật Bản sau khi Giáo sư Jiniti Sasaki ở Đại học Hirosaki công bố nghiên cứu cho thấy các hoạt chất có trong tỏi đen như Allicin, S-ally cysteine làm giảm tế bào ung thư, tăng khả năng miễn dịch và làm chậm quá trình lão hóa.

Hành trình đến với tỏi đen

Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, Hồng Phúc nhiều lần theo chân bố mẹ đến vùng canh tác tỏi Lý Sơn thăm họ hàng. Những cánh đồng tỏi bao la luôn gắn liền kỷ niệm tuổi thơ và nuôi dưỡng tình yêu với các loại nông sản của cô gái thành thị.

Tỏi sống được lên men sẽ chuyển sang màu đen. 

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, có trong tay tấm bằng cử nhân Quản trị Kinh doanh, Hồng Phúc từng làm việc tại một trung tâm ngoại ngữ lớn với mức lương nghìn đô trước khi bỏ lại tất cả để khởi nghiệp với củ tỏi. 

Anh Chế Viết Vũ, một người bạn của Hồng Phúc, đã nghiên cứu và tìm ra quy trình lên men tự nhiên của tỏi đen trong 60 ngày với 3 yếu tố chính là nhiệt độ, độ ẩm và áp suất, bằng phương pháp thủ công. 

Vùng trồng nguyên liệu tỏi cô đơn của IAmV tại đảo Lý Sơn. 

Sau khi thành công, Vũ chia sẻ ý tưởng với Hồng Phúc và được cô ủng hộ hết mình. Sau đó, Hồng Phúc rủ thêm anh Trần Minh Quang cùng góp vốn, phát triển sản phẩm, mở rộng sản xuất và bán thử nghiệm.

Phúc kể: "Trong mỗi chuyến công tác, hành lý của tôi luôn có sẵn tỏi đen để giới thiệu với bạn bè và các khách hàng. Lúc đó, tỏi đen chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công nên sản lượng ít và chưa có cơ sở để người tiêu dùng tin tưởng".

Cuối năm 2015, 3 bạn trẻ quyết định nghỉ việc để thành lập công ty, thực hiện giấc mơ đưa nông sản Việt vươn ra thế giới. Với cái tên IAmV (Tôi là người Việt Nam) đặt cho sản phẩm tỏi lên men vừa tạo ra, ba bạn trẻ muốn khẳng định với thế giới về chất lượng sản phẩm mà người Việt làm ra.

Tuy nhiên khi bắt tay vào xây dựng cơ sở chế biến và tìm đầu ra cho sản phẩm, nhóm gặp nhiều khó khăn trong vận hành và phân phối. Sau nhiều cân nhắc, năm 2016, nhóm quyết định chuyển công ty từ Đà Nẵng vào TP HCM.

Trong màn "chào sân" thị trường TP HCM, nhóm mang theo 200 kg tỏi để tham gia hội chợ, giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm đóng gói, hàng bị mốc, khiến công ty thiệt hại gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, bài toán nhân sự cũng khiến ba đồng sáng lập đau đầu. Hầu hết nhân sự mới tuyển đều không gắn bó lâu dài và ra đi chỉ sau hai tháng.

"Sau biến cố đó chúng tôi có thêm những bài học về cách thức đóng gói, bảo quản sản phẩm và lựa chọn người đồng hành. Hiện sản phẩm của công ty có thời hạn bảo hành đến 3 năm ở nhiệt độ thường và nhân sự cố định 2 năm nay", Phúc chia sẻ.

Cô gái 8X rủ bạn sản xuất tỏi đen thu hơn 500 triệu mỗi tháng, xuất đi 10 nước
 
 
Tỏi đen IAmV gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam mùa 1 nhưng từ chối 3 Shark vì lời đề nghị cổ phần quá cao. 

Làm thế nào để chinh phục thị trường quốc tế?

Hiện nay tại Việt Nam có nhiều cơ sở và trung tâm nghiên cứu trong nước đã chế biến thành công tỏi đen và phân phối ra thị trường với nhiều mức giá khác nhau, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng một kg. Một số cá nhân còn truyền tai nhau cách làm tỏi đen bằng nồi cơm điện với thời gian lên men chỉ 25 – 30 ngày.

Đánh giá về trào lưu trên, một chuyên gia sức khỏe tại TP HCM cho biết không phải sản phẩm tỏi đen nào bán ra thị trường cũng đạt chất lượng. Nhiều sản phẩm làm bằng nồi cơm điện vẫn khiến tỏi chuyển sang màu đen, nhưng hàm lượng dưỡng chất chứa trong tỏi mới là điều quan trọng.

Theo vị chuyên gia, nếu mua tỏi đen về chữa bệnh, người dùng cần hỏi người bán về hàm lượng chất Allicin, S-ally cysteine. 

"Một sản phẩm tối ưu nhất là có chứa 850 miligram S-ally cysteine trên 100 gram tỏi. Các hoạt chất này có tác dụng chống ung thư, tăng cường miễn dịch và ngăn ngừa lão hóa", chuyên gia cho hay.

Sản phẩm Detox mới của IamV. 

Nói về IAmV, Hồng Phúc nhấn mạnh: "Chúng tôi có quy trình sản xuất nghiêm ngặt, vùng trồng nguyên liệu riêng. Tỏi đen IAmV đã được chứng nhận các hoạt chất Allicin, S-ally cysteine cao gấp đôi so với tỏi đen Nhật Bản do chính khách hàng tại Nhật test mẫu thử".

Hiện nay, sản phẩm của IAmV đã xuất khẩu đi 10 nước trên thế giới gồm: Singapore, Nhật Bản, Canada, Australia, Đài Loan...

Để đưa tỏi đen cô đơn Lý Sơn ra thị trường với giá 1,9 triệu đồng một kg, công ty của Hồng Phúc đã tự mở rộng vùng nguyên liệu tại Đảo Lý Sơn. Sản lượng tỏi cô đơn Lý Sơn hiện còn ít, giá cao, có lúc lên tới 1,2 triệu đồng/kg tỏi tươi, lại khó chế biến. Do vậy, để đảm bảo giá thấp là điều khó khăn.

IAmV hiện có 5 dòng sản phẩm, gồm tỏi cô đơn, tỏi nhiều nhánh; bánh tỏi đen; nước lên men tỏi đen; nước cốt tỏi đen và cao tỏi đen. Cùng với tỏi đen, công ty của Phúc cũng phát triển thêm một số sản phẩm khác như trái cây sấy dẻo, các loại nước uống lên men từ trái cây. Chia sẻ về kế hoạch sắp tới của IAmV, Hồng Phúc cho hay ngoài tỏi đen, hiện công ty tiến hành nghiên cứu và cho ra nhiều sản phẩm làm từ nông sản Việt.

"Chúng tôi hy vọng giúp người nông dân không còn phải bán sản phẩm thô đi nước ngoài nữa, thay vào đó là xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị cao", Phúc nói.

Tỏi đen IAmV từng giành giải 3 cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc do BSSC tổ chức và lọt top 18 của startup Việt năm 2016.

Thảo Nguyên
Ảnh: NVCC 

Đánh giá phiên bản mới