Thứ sáu, 26/6/2020, 00:04 (GMT+7)

Lò rèn nghìn độ giữa trời đổ lửa

Hà NộiLò rèn của ông Nguyễn Phương Hùng, 60 tuổi, đỏ lửa từ 6h đến 22h, suốt 15 năm qua, dù ngoài trời nhiệt độ 50-60 độ C.

Ở phố Lò Rèn (quận Hoàn Kiếm), ông Nguyễn Phương Hùng là người duy nhất còn làm nghề rèn theo cách thủ công. Khi máy móc đã thay thế con người trong công việc nặng nhọc này, ông Hùng vẫn chọn cho mình một con đường khác.

Đều đặn mỗi ngày, ông Hùng mở cửa hàng từ 6h và làm việc tới 22h. Ông Hùng gọi đó là niềm say nghề.

"Con cái lớn hết rồi nên tôi cũng chẳng còn vướng bận gì, cứ làm tới bao giờ chán thì về", ông Hùng chia sẻ bằng giọng hào sảng.

Hơn 15 năm gắn bó với nghề, ông Hùng đã quá quen với cái nắng nóng. Nên những ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm, lò rèn của ông Hùng trên phố vẫn đỏ lửa.

"Ngay cả ngoài kia thời tiết có lên tới 50-60 độ C, tôi vẫn phải làm việc", ông Hùng nói. 

Bên lò rèn nóng cả nghìn độ C, nhưng ông Hùng rất ít khi có mồ hôi. Người đàn ông 60 tuổi nói rằng mình phải điều tiết được cơ thể.

"Ngay cả việc quai búa cũng phải có nhịp ngừng nghỉ chứ không làm hùng hục được", ông Hùng nói rồi gõ vài nhát búa xuống đe.

Với ông Hùng, việc theo nghề rèn như một cái nghiệp. Người đàn ông này từng học sửa chữa ôtô, nhưng rồi cuối cùng lại chọn nghề của người cha để lại.

"Nhiều lúc con cái nói bố làm nghề này nghề kia thì vẫn oách hơn nghề thợ rèn nhìn bẩn bẩn này, nhưng rồi chúng cũng quen", ông Hùng chia sẻ. 

Nghề rèn vốn nặng nhọc nên rất ít người làm. Có vài người tới học việc nhưng chỉ được một thời gian lại xin nghỉ vì không chịu được. Ông Hùng vì thế cứ lủi thủi làm một mình, có ngày làm mãi không hết việc, mặc cho gương mặt ám đen hay chiếc áo nhuốm màu dầu mỡ, muội than.

Nặng nhọc là thế, nhưng ông Hùng chưa bao giờ than thở về nghề này, bởi nó đã nuôi sống cả gia đình ông.

"Nhiều người Việt nhìn thấy có khi nói này nói nọ, nhưng người nước ngoài đi qua đây lại rất thích thú đứng lại chụp hình", ông Hùng cho hay.

Hiện ông Hùng chủ yếu làm mũi khoan bê tông, có cái làm chỉ 5 phút nhưng cũng có những thứ công phu hơn mất 3 giờ. Những mũi khoan khi nung đến độ nhất định sẽ được lấy ra cho lên đe để gõ. Chúng sau đó được nhúng nhanh vào dầu để giúp lấy lại độ cứng cao và sắc bén. 

"Hai điều quan trọng nhất là nhiệt độ và cách vận dụng búa. Nhiệt không được quá cao hay thấp sẽ làm mỏng vật, tay cầm búa phải nghiêng đúng độ để vật được đẹp", ông nói.

Yêu nghề nhưng ông Hùng lo sợ một ngày nào đó vẫn sẽ phải dừng lại công việc yêu thích, phố Lò Rèn vang bóng một thời vì thế sẽ không còn hình ảnh người thợ rèn thủ công năm nào nữa.

Phạm Chiểu

Đánh giá phiên bản mới