"Nhà vua đã chết". Khi tờ Women's Wear Daily chạy dòng tít vào tháng 3 năm 1972, không một ai trong giới thời trang phải thắc mắc người mà bài báo nói đến là ai. Giới thời trang cao cấp chỉ có một nhà vua duy nhất, đó là Cristóbal Balenciaga - người mà Christian Dior gọi là "Thầy của tất cả các nhà thiết kế", bà hoàng Coco Chanel tôn vinh ông là nhà thiết kế thời trang cao cấp duy nhất (couturier) theo đúng nghĩa đen của từ này, “còn những người khác chỉ đơn giản là nhà thiết kế". Vào năm 1962, tạp chí thời trang danh tiếng Vogue tổng kết lại rằng: "Kể từ những ngày đầu tiên mở cửa hàng thời trang riêng tại Paris vào năm 1937, ông đã luôn được ca tụng như một người lãnh đạo tuyệt vời của giới thời trang. Những gì Balenciaga làm hôm nay, các nhà thiết kế khác sẽ làm vào ngày mai hoặc năm sau, và trong từng đó thời gian, ông sẽ vẫn bước tiếp về phía trước".

Cristóbal Balenciaga sinh năm 1895 tại Geteria, một thị trấn chài lưới ở vùng Basque, Tây Ban Nha. Mẹ của ông là một thợ may. Ngay từ khi còn nhỏ, Balenciaga đã được cùng mẹ đến nơi bà làm việc và bắt đầu tiếp xúc với quần áo, vải vóc từ lúc đó. Khi lên 12 tuổi, ông chính thức trở thành một thợ may học việc, và sớm có khách hàng trung thành đầu tiên là nữ hầu tước Casa Torres, người phụ nữ danh giá nhất trong vùng. Bà đã gửi ông đến Madrid để được đào tạo bài bản về nghề may đo.

Balenciaga luôn được kính trọng khi là một trong số rất ít các nhà thiết kế thời trang cao cấp trong lịch sử có thể tự tay vẽ, cắt và khâu những bộ trang phục kiểu mẫu thể hiện được quan niệm nghệ thuật của bản thân. Ông là một thợ may bậc thầy, người nổi tiếng với những thiết kế có cấu trúc phức tạp. Cristóbal Balenciaga có khả năng chuyển tải thành công những tưởng tượng trong đầu thành bản vẽ trên giấy và sau đó cắt may, biến chúng thành một bộ váy chân thực. Ông từng nhấn mạnh rằng: “Một nhà thiết kế thời trang cao cấp phải là một kiến trúc sư cho toàn bộ thiết kế, một nhà điêu khắc cho khuôn dáng, một họa sĩ cho màu sắc, một nhạc công cho sự hòa điệu và một triết gia cho sự cân bằng”.

Balenciaga thành công với sự nghiệp thiết kế khi còn rất trẻ ở Tây Ban Nha. Ông mở cửa hàng đầu tiên của cuộc đời tại San Sebastián vào năm 1919, và sau đó tiếp tục mở rộng chi nhánh ra hai thành phố lớn nhất là Mandrid và Barcelona. Gia đình hoàng gia Tây Ban Nha và giới quý tộc đều mặc các thiết kế của ông. Nhưng, khi cuộc chiến Tây Ban Nha nổ ra, Balenciaga buộc phải đóng các cửa hàng và chuyển đến Pháp sinh sống. Tại đây, ông bắt đầu gây dựng tên tuổi và tạo nên ngôi vương khi mở cửa hiệu thời trang may đo cao cấp tại số 10, đại lộ Georges V, Paris vào tháng 8/1937.

Phải đến sau chiến tranh thế giới thứ 2, những sáng tạo và biến hóa trong thời trang của Cristóbal Balenciaga mới trở nên rõ ràng. Năm 1951, ông hoàn toàn thay đổi những bộ váy ôm của phụ nữ bằng cách mở rộng phần vai và loại bỏ phần thắt eo. Vào năm 1955, ông thiết kế mẫu váy tunic dáng suông thanh lịch và mà sau này được phát triển thành váy sơmi vào năm 1957. Các thiết kế của ông lên đến đỉnh cao vào năm 1959 với những mẫu váy eo cao và áo choàng được cắt may tinh tế, rộng nhưng thanh lịch theo phong cách kimono.

Sự nghiệp thiết kế của Cristóbal Balenciaga không gắn liền một kiểu trang phục đặc trưng như Coco Chanel với chiếc váy đen huyền thoại, hay tạo ra một thời kỳ huy hoàng với váy bồng và thắt eo siêu nhỏ như Christian Dior, cũng không phải là một hiện tượng văn hóa như Vivien Westwood. Ngay từ những ngày đầu mở cửa hàng tại Paris, thời trang của Cristóbal Balenciaga đã gây dấu ấn mạnh mẽ bởi sự đơn giản nhưng vẫn mang nét đẹp vương giả, thanh lịch. Ông định lại form dáng cho những bộ váy ôm của phụ nữ vào khoảng những năm 1950, vì vậy, những thiết kế mà chúng ta nghĩ là điểm nhấn của thời kỳ này đều là sự pha trộn trong các phong cách của Balenciaga. Trong suốt thập niên 60, những đường cắt may tinh tế của ông đã trở thành tác phẩm nghệ thuật và đi vào huyền thoại của làng thiết kế. Không có gì vừa vặn với cơ thể hơn là một bộ suit của Cristóbal Balenciaga, một khi phụ nữ đã mặc đồ do ông thiết kế, họ sẽ không bao giờ muốn mặc những thứ khác.

Các thiết kế của Cristóbal Balenciaga đặc biệt chú trọng đến cảm giác của phụ nữ với trang phục. Cũng giống như triết lý thời trang của Chanel, Balenciaga tin rằng quần áo không nên là thứ bó buộc cơ thể. Những bộ trang phục của ông ngày càng trở nên dễ mặc hơn, cho đến giữa những năm 1950, nhiều thiết kế đã có thể mặc vào người bằng cách chui đầu. Ông liên tục tối giản trang phục của mình, kéo trễ chiếc cổ áo về phía sau 2cm hoặc xẻ sâu hơn một chút ở phía trước để "những người phụ nữ và chuỗi vòng ngọc trai của họ được thở". Đường cắt này giúp tôn lên chiếc cổ thiên nga, nhưng cũng là cơ hội để những người phụ nữ với phần cổ hơi thấp không bị bó buộc như khi họ mặc các thiết kế cao cổ thông thường.

Phần tay áo trong các thiết kế của Cristóbal Balenciaga cũng có những độ dài khác nhau với tỷ lệ dài tay áo và độ dài của tay là 3/4 hoặc 7/8. Đây được coi là một bước đột phá thời bấy giờ, cho phép phụ nữ khoe những món đồ trang sức lấp lánh họ đeo trên tay. Ông không khiến họ phải bó buộc trong những bộ đồ thắt eo chật ních. Cristóbal Balenciaga giải thoát cho cơ thể phụ nữ bằng những thiết kế đầm dáng trống, rộng ở eo nhưng ôm dần về gấu váy. Ông là người khai sinh ra mẫu váy baby doll không đường cong nổi tiếng.

Thiết kế của Cristóbal Balenciaga không chỉ dành cho những người dáng chuẩn, trang phục của ông có thể tôn dáng cho những phụ nữ với các đường nét không cân đối. Khách hàng của ông thường ở độ trung niên, nhưng ông có thể làm vừa lòng phụ nữ ở mọi lứa tuổi và thậm chí nhiều thế hệ trong gia đình.

Người mặc có thể tận hưởng sự thoải mái từ bên trong bộ trang phục, trong khi phía bên ngoài, dáng người của họ dường như được điêu khắc lại bởi những đường cắt may tinh tế. Ông từng chia sẻ rằng: “Một người phụ nữ không cần phải có sẵn vẻ hoàn hảo hoặc xinh đẹp để mặc các thiết kế của tôi. Những bộ váy sẽ làm điều đó cho họ”. Hubert de Givenchy đã kể với Vogue về khả năng có thể thay đổi hình dáng cơ thể kỳ diệu của Cristóbal Balenciaga: "Tôi còn nhớ một ngày, khi tôi cùng ông ấy cùng nhìn vào mannequin mô phỏng hình dáng một khách hàng, người có lẽ khá nhiều tuổi với phần lưng đã còng, đôi vai tròn, eo to và hông rộng. Balenciaga bắt đầu lấy một mảnh vải và ghim lên mannequin. Bằng các bước khâu và cắt tỉ mỉ, ông dần dần khiến phần lưng thẳng lại, phần hông và bụng mất cân đối biến mất, các tỷ lệ cơ thể trở nên hoàn hảo. Cả quá trình giống như một phép màu".

Cristóbal Balenciaga rất trân trọng những khách hàng biết phong cách nào là phù hợp với bản thân. Ông không thích những ai thu thập quá nhiều các thiết kế của mình. Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ, nữ thừa kế Barbara Hutton đã đặt hàng 19 chiếc váy, 4 bộ suit, một chiếc áo khoác từ một bộ sưu tập của ông nhưng bà chưa bao giờ mặc chúng công khai. Vào năm 1963, Countess von Bismarck đã đặt hàng 88 bộ trang phục và mua tổng cộng 140 thiết kế trong 2 năm sau đó.

Bên cạnh những thiết kế hoàn hảo, Cristóbal Balenciaga cũng luôn được biết đến là một trong những nhà thiết kế đắt giá nhất Paris. Việc mua một chiếc váy của Balenciaga vào thời điểm đó cũng giống như một cuộc đầu tư tiền bạc. Vào năm 1954, khách hàng sẽ phải trả 130 bảng Anh để sở hữu một chiếc áo vest dạ của Cristóbal Balenciaga. Một chiếc đầm nhung đen thêu ánh bạc được bán với giá 815 bảng vào năm 1952, hoặc thậm chí người phụ nữ giàu nhất thể kỷ XX, Barbara Hutton đã chi tới 5.376 bảng để sở hữu chiếc váy dạ hội đính đá sang trọng. (Vào khoảng những năm 1950, thu nhập trung bình một năm của người Anh là 667 bảng. Con số này có thể thấp hơn nếu họ là phụ nữ.)

Dù đắt đỏ và tỷ mẩn trong từng milimet của trang phục nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ những người phụ nữ giàu có nhất mới được chạm tay vào sản phẩm của Cristóbal Balenciaga. Những người có ngân sách thấp hơn vẫn có thể mặc trang phục của ông bằng cách tìm đến cửa hàng Eissa ở Tây Ban Nha, nơi bán những bộ trang phục với một nửa giá.

Dù có những ảnh hưởng sau sắc lên giới thời trang, với phần còn lại của thế giới, ông vẫn luôn là một con người bí ẩn. Sự bí ẩn là bức tường Cristóbal Balenciaga tự tạo ra cho bản thân mình. Không giống Christian Dior, người luôn đón nhận sự tán dương của công chúng, hay đưa ra những tuyên ngôn đầy ấn tượng như Coco Chanel, Cristóbal Balenciaga luôn né tránh báo chí và chỉ tham gia đúng một bài phỏng vấn trong suốt cuộc đời mình. Người ta hiếm khi nhìn thấy ông, đến nỗi, các nhà báo còn tức giận suy đoán liệu ông có thực sự tồn tại hay không. “Một bầu không khí tĩnh lặng bao trùm” là những gì mà một số ít người có cơ hội gặp mặt miêu tả về ông. Sự tĩnh lặng đó bao trùm cả cửa hiệu Cristóbal Balenciaga ở số 10 đại lộ Georges V, nơi mà theo nhiều khách hàng là mang đến cảm giác như một tu viện hơn là cửa hàng thời trang.

Cristóbal Balenciaga không bao giờ xuất hiện trong các buổi trình diễn bộ sưu tập. Các khách hàng không được nhìn thấy ông trong phòng thử đồ. Đó là luật. Cristóbal Balenciaga xem buổi trình diễn từ phía sau sân khấu, qua một lỗ nhỏ trên tấm rèm. Từ vị trí đó, ông có thể tập trung vào những gì mình yêu quý, tránh xa được các cuộc nói chuyện và những thứ không liên quan đến thời trang. “Đừng tiêu tốn thời gian với xã hội”, ông chia sẻ trong một cuộc nói chuyện với Gustave Zumsteg – nhà cung cấp vải trung thành của mình.

Tuy là một nhà thiết kế bí ẩn, xa rời truyền thông, nhưng Cristóbal Balenciaga lại rất tâm huyết trong việc truyền tải kinh nghiệm của mình cho những nhà thiết kế trẻ. Ông mở các lớp dạy thiết kế, học trò của ông sau này đều là những tên tuổi lớn trong giới thời trang như Oscar de la Renta, André Courrèges, Emanuel Ungaro, Mila Schön. Đặc biệt nhất là Hubert de Givenchy, người đã chia sẻ với Women's Wear Daily rằng: "Tôi coi tài năng của mình như một món quà của thượng đế. Balenciaga chính là tôn giáo của tôi. Đối với tôi, có Balenciaga là có Chúa trời".

Vào một buổi chiều của năm 1968, Balenciaga bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng và không bao giờ mở lại, khi đó ông 74 tuổi. Sau 30 năm làm việc không ngừng nghỉ tại Paris, ông vua thời trang quyết định nghỉ hưu và lần lượt đóng từng cửa hàng tại Barcelona và Madrid sau đó. Ông ra đi vào tháng 3/1972, trên mảnh đất quê hương Tây Ban Nha của mình. Với nhiều khách hàng của Cristóbal Balenciaga, việc ông đóng cửa hàng hay qua đời 4 năm sau đó khiến họ cảm thấy như "một phần quan trọng của cuộc sống đã ra đi mãi mãi".

Hiện nay Balencia vẫn là một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới, gây ảnh hưởng với giới mộ điệu bằng hàng loạt những thiết kế hiện đại và đầy cuốn hút.

"Nhà vua đã chết". Khi tờ Women's Wear Daily chạy dòng tít vào tháng 3 năm 1972, không một ai trong giới thời trang phải thắc mắc người mà bài báo nói đến là ai. Giới thời trang cao cấp chỉ có một nhà vua duy nhất, đó là Cristóbal Balenciaga - người mà Christian Dior gọi là "Thầy của tất cả các nhà thiết kế", bà hoàng Coco Chanel tôn vinh ông là nhà thiết kế thời trang cao cấp duy nhất (couturier) theo đúng nghĩa đen của từ này, “còn những người khác chỉ đơn giản là nhà thiết kế". Vào năm 1962, tạp chí thời trang danh tiếng Vogue tổng kết lại rằng: "Kể từ những ngày đầu tiên mở cửa hàng thời trang riêng tại Paris vào năm 1937, ông đã luôn được ca tụng như một người lãnh đạo tuyệt vời của giới thời trang. Những gì Balenciaga làm hôm nay, các nhà thiết kế khác sẽ làm vào ngày mai hoặc năm sau, và trong từng đó thời gian, ông sẽ vẫn bước tiếp về phía trước".

Cristóbal Balenciaga sinh năm 1895 tại Geteria, một thị trấn chài lưới ở vùng Basque, Tây Ban Nha. Mẹ của ông là một thợ may. Ngay từ khi còn nhỏ, Balenciaga đã được cùng mẹ đến nơi bà làm việc và bắt đầu tiếp xúc với quần áo, vải vóc từ lúc đó. Khi lên 12 tuổi, ông chính thức trở thành một thợ may học việc, và sớm có khách hàng trung thành đầu tiên là nữ hầu tước Casa Torres, người phụ nữ danh giá nhất trong vùng. Bà đã gửi ông đến Madrid để được đào tạo bài bản về nghề may đo.

Balenciaga luôn được kính trọng khi là một trong số rất ít các nhà thiết kế thời trang cao cấp trong lịch sử có thể tự tay vẽ, cắt và khâu những bộ trang phục kiểu mẫu thể hiện được quan niệm nghệ thuật của bản thân. Ông là một thợ may bậc thầy, người nổi tiếng với những thiết kế có cấu trúc phức tạp. Cristóbal Balenciaga có khả năng chuyển tải thành công những tưởng tượng trong đầu thành bản vẽ trên giấy và sau đó cắt may, biến chúng thành một bộ váy chân thực. Ông từng nhấn mạnh rằng: “Một nhà thiết kế thời trang cao cấp phải là một kiến trúc sư cho toàn bộ thiết kế, một nhà điêu khắc cho khuôn dáng, một họa sĩ cho màu sắc, một nhạc công cho sự hòa điệu và một triết gia cho sự cân bằng”.

Balenciaga thành công với sự nghiệp thiết kế khi còn rất trẻ ở Tây Ban Nha. Ông mở cửa hàng đầu tiên của cuộc đời tại San Sebastián vào năm 1919, và sau đó tiếp tục mở rộng chi nhánh ra hai thành phố lớn nhất là Mandrid và Barcelona. Gia đình hoàng gia Tây Ban Nha và giới quý tộc đều mặc các thiết kế của ông. Nhưng, khi cuộc chiến Tây Ban Nha nổ ra, Balenciaga buộc phải đóng các cửa hàng và chuyển đến Pháp sinh sống. Tại đây, ông bắt đầu gây dựng tên tuổi và tạo nên ngôi vương khi mở cửa hiệu thời trang may đo cao cấp tại số 10, đại lộ Georges V, Paris vào tháng 8/1937.

Phải đến sau chiến tranh thế giới thứ 2, những sáng tạo và biến hóa trong thời trang của Cristóbal Balenciaga mới trở nên rõ ràng. Năm 1951, ông hoàn toàn thay đổi những bộ váy ôm của phụ nữ bằng cách mở rộng phần vai và loại bỏ phần thắt eo. Vào năm 1955, ông thiết kế mẫu váy tunic dáng suông thanh lịch và mà sau này được phát triển thành váy sơmi vào năm 1957. Các thiết kế của ông lên đến đỉnh cao vào năm 1959 với những mẫu váy eo cao và áo choàng được cắt may tinh tế, rộng nhưng thanh lịch theo phong cách kimono.

Sự nghiệp thiết kế của Cristóbal Balenciaga không gắn liền một kiểu trang phục đặc trưng như Coco Chanel với chiếc váy đen huyền thoại, hay tạo ra một thời kỳ huy hoàng với váy bồng và thắt eo siêu nhỏ như Christian Dior, cũng không phải là một hiện tượng văn hóa như Vivien Westwood. Ngay từ những ngày đầu mở cửa hàng tại Paris, thời trang của Cristóbal Balenciaga đã gây dấu ấn mạnh mẽ bởi sự đơn giản nhưng vẫn mang nét đẹp vương giả, thanh lịch. Ông định lại form dáng cho những bộ váy ôm của phụ nữ vào khoảng những năm 1950, vì vậy, những thiết kế mà chúng ta nghĩ là điểm nhấn của thời kỳ này đều là sự pha trộn trong các phong cách của Balenciaga. Trong suốt thập niên 60, những đường cắt may tinh tế của ông đã trở thành tác phẩm nghệ thuật và đi vào huyền thoại của làng thiết kế. Không có gì vừa vặn với cơ thể hơn là một bộ suit của Cristóbal Balenciaga, một khi phụ nữ đã mặc đồ do ông thiết kế, họ sẽ không bao giờ muốn mặc những thứ khác.

Các thiết kế của Cristóbal Balenciaga đặc biệt chú trọng đến cảm giác của phụ nữ với trang phục. Cũng giống như triết lý thời trang của Chanel, Balenciaga tin rằng quần áo không nên là thứ bó buộc cơ thể. Những bộ trang phục của ông ngày càng trở nên dễ mặc hơn, cho đến giữa những năm 1950, nhiều thiết kế đã có thể mặc vào người bằng cách chui đầu. Ông liên tục tối giản trang phục của mình, kéo trễ chiếc cổ áo về phía sau 2cm hoặc xẻ sâu hơn một chút ở phía trước để "những người phụ nữ và chuỗi vòng ngọc trai của họ được thở". Đường cắt này giúp tôn lên chiếc cổ thiên nga, nhưng cũng là cơ hội để những người phụ nữ với phần cổ hơi thấp không bị bó buộc như khi họ mặc các thiết kế cao cổ thông thường.

Phần tay áo trong các thiết kế của Cristóbal Balenciaga cũng có những độ dài khác nhau với tỷ lệ dài tay áo và độ dài của tay là 3/4 hoặc 7/8. Đây được coi là một bước đột phá thời bấy giờ, cho phép phụ nữ khoe những món đồ trang sức lấp lánh họ đeo trên tay. Ông không khiến họ phải bó buộc trong những bộ đồ thắt eo chật ních. Cristóbal Balenciaga giải thoát cho cơ thể phụ nữ bằng những thiết kế đầm dáng trống, rộng ở eo nhưng ôm dần về gấu váy. Ông là người khai sinh ra mẫu váy baby doll không đường cong nổi tiếng.

Thiết kế của Cristóbal Balenciaga không chỉ dành cho những người dáng chuẩn, trang phục của ông có thể tôn dáng cho những phụ nữ với các đường nét không cân đối. Khách hàng của ông thường ở độ trung niên, nhưng ông có thể làm vừa lòng phụ nữ ở mọi lứa tuổi và thậm chí nhiều thế hệ trong gia đình.

Người mặc có thể tận hưởng sự thoải mái từ bên trong bộ trang phục, trong khi phía bên ngoài, dáng người của họ dường như được điêu khắc lại bởi những đường cắt may tinh tế. Ông từng chia sẻ rằng: “Một người phụ nữ không cần phải có sẵn vẻ hoàn hảo hoặc xinh đẹp để mặc các thiết kế của tôi. Những bộ váy sẽ làm điều đó cho họ”. Hubert de Givenchy đã kể với Vogue về khả năng có thể thay đổi hình dáng cơ thể kỳ diệu của Cristóbal Balenciaga: "Tôi còn nhớ một ngày, khi tôi cùng ông ấy cùng nhìn vào mannequin mô phỏng hình dáng một khách hàng, người có lẽ khá nhiều tuổi với phần lưng đã còng, đôi vai tròn, eo to và hông rộng. Balenciaga bắt đầu lấy một mảnh vải và ghim lên mannequin. Bằng các bước khâu và cắt tỉ mỉ, ông dần dần khiến phần lưng thẳng lại, phần hông và bụng mất cân đối biến mất, các tỷ lệ cơ thể trở nên hoàn hảo. Cả quá trình giống như một phép màu".

Cristóbal Balenciaga rất trân trọng những khách hàng biết phong cách nào là phù hợp với bản thân. Ông không thích những ai thu thập quá nhiều các thiết kế của mình. Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ, nữ thừa kế Barbara Hutton đã đặt hàng 19 chiếc váy, 4 bộ suit, một chiếc áo khoác từ một bộ sưu tập của ông nhưng bà chưa bao giờ mặc chúng công khai. Vào năm 1963, Countess von Bismarck đã đặt hàng 88 bộ trang phục và mua tổng cộng 140 thiết kế trong 2 năm sau đó.

Bên cạnh những thiết kế hoàn hảo, Cristóbal Balenciaga cũng luôn được biết đến là một trong những nhà thiết kế đắt giá nhất Paris. Việc mua một chiếc váy của Balenciaga vào thời điểm đó cũng giống như một cuộc đầu tư tiền bạc. Vào năm 1954, khách hàng sẽ phải trả 130 bảng Anh để sở hữu một chiếc áo vest dạ của Cristóbal Balenciaga. Một chiếc đầm nhung đen thêu ánh bạc được bán với giá 815 bảng vào năm 1952, hoặc thậm chí người phụ nữ giàu nhất thể kỷ XX, Barbara Hutton đã chi tới 5.376 bảng để sở hữu chiếc váy dạ hội đính đá sang trọng. (Vào khoảng những năm 1950, thu nhập trung bình một năm của người Anh là 667 bảng. Con số này có thể thấp hơn nếu họ là phụ nữ.)

Dù đắt đỏ và tỷ mẩn trong từng milimet của trang phục nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ những người phụ nữ giàu có nhất mới được chạm tay vào sản phẩm của Cristóbal Balenciaga. Những người có ngân sách thấp hơn vẫn có thể mặc trang phục của ông bằng cách tìm đến cửa hàng Eissa ở Tây Ban Nha, nơi bán những bộ trang phục với một nửa giá.

Dù có những ảnh hưởng sau sắc lên giới thời trang, với phần còn lại của thế giới, ông vẫn luôn là một con người bí ẩn. Sự bí ẩn là bức tường Cristóbal Balenciaga tự tạo ra cho bản thân mình. Không giống Christian Dior, người luôn đón nhận sự tán dương của công chúng, hay đưa ra những tuyên ngôn đầy ấn tượng như Coco Chanel, Cristóbal Balenciaga luôn né tránh báo chí và chỉ tham gia đúng một bài phỏng vấn trong suốt cuộc đời mình. Người ta hiếm khi nhìn thấy ông, đến nỗi, các nhà báo còn tức giận suy đoán liệu ông có thực sự tồn tại hay không. “Một bầu không khí tĩnh lặng bao trùm” là những gì mà một số ít người có cơ hội gặp mặt miêu tả về ông. Sự tĩnh lặng đó bao trùm cả cửa hiệu Cristóbal Balenciaga ở số 10 đại lộ Georges V, nơi mà theo nhiều khách hàng là mang đến cảm giác như một tu viện hơn là cửa hàng thời trang.

Cristóbal Balenciaga không bao giờ xuất hiện trong các buổi trình diễn bộ sưu tập. Các khách hàng không được nhìn thấy ông trong phòng thử đồ. Đó là luật. Cristóbal Balenciaga xem buổi trình diễn từ phía sau sân khấu, qua một lỗ nhỏ trên tấm rèm. Từ vị trí đó, ông có thể tập trung vào những gì mình yêu quý, tránh xa được các cuộc nói chuyện và những thứ không liên quan đến thời trang. “Đừng tiêu tốn thời gian với xã hội”, ông chia sẻ trong một cuộc nói chuyện với Gustave Zumsteg – nhà cung cấp vải trung thành của mình.

Tuy là một nhà thiết kế bí ẩn, xa rời truyền thông, nhưng Cristóbal Balenciaga lại rất tâm huyết trong việc truyền tải kinh nghiệm của mình cho những nhà thiết kế trẻ. Ông mở các lớp dạy thiết kế, học trò của ông sau này đều là những tên tuổi lớn trong giới thời trang như Oscar de la Renta, André Courrèges, Emanuel Ungaro, Mila Schön. Đặc biệt nhất là Hubert de Givenchy, người đã chia sẻ với Women's Wear Daily rằng: "Tôi coi tài năng của mình như một món quà của thượng đế. Balenciaga chính là tôn giáo của tôi. Đối với tôi, có Balenciaga là có Chúa trời".

Vào một buổi chiều của năm 1968, Balenciaga bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng và không bao giờ mở lại, khi đó ông 74 tuổi. Sau 30 năm làm việc không ngừng nghỉ tại Paris, ông vua thời trang quyết định nghỉ hưu và lần lượt đóng từng cửa hàng tại Barcelona và Madrid sau đó. Ông ra đi vào tháng 3/1972, trên mảnh đất quê hương Tây Ban Nha của mình.

Với nhiều khách hàng của Cristóbal Balenciaga, việc ông đóng cửa hàng hay qua đời 4 năm sau đó khiến họ cảm thấy như "một phần quan trọng của cuộc sống đã ra đi mãi mãi".