Thứ hai, 26/7/2021, 12:31 (GMT+7)

Hơn 800 người Hà Tĩnh từ vùng dịch trở về trên chuyến tàu đặc biệt

Hà TĩnhRạng sáng 26/7, hơn 800 người dân Hà Tĩnh sinh sống ở TP HCM và các tỉnh phía Nam về đến quê trên tàu chuyên biệt do chính quyền tài trợ.

Chiều 24/7, hàng trăm người dân Hà Tĩnh đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP HCM và các tỉnh phía Nam có tên trong danh sách về quê đợt một đã đến Ga Sài Gòn nằm trên đường Nguyễn Thông, phường 9, quận 3 để làm thủ tục lên tàu SE14.

Tàu xuất phát lúc 20h45 cùng ngày. Đây là chuyến tàu chuyên biệt đầu tiên được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và TP HCM để đưa người dân về quê, nhằm giảm tải áp lực cách ly cho các tỉnh vùng dịch phía Nam.

Tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 100% tiền vé và kinh phí test nhanh Covid-19 hai lần tại khu cách ly, xem xét hỗ trợ chi phí cách ly cho người có hoàn cảnh khó khăn. Hành khách đi tàu cần có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 72 tiếng. Cán bộ nhà ga sẽ soát vé và các giấy tờ cần thiết, nhân viên y tế đo thân nhiệt cho người dân trước khi lên tàu.

Trong đợt một, nhà chức trách ưu tiên những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ…

Từ 3h ngày 26/7, 13 huyện, thị xã, thành phố điều 13 ôtô đến đậu tại đường lớn gần lối ra vào Ga Yên Trung, huyện Đức Thọ để đưa người vê địa phương cách ly tập trung. Trong đợt một, Hương Sơn là huyện có người dân về nhiều nhất với 99 người, tiếp đó là Thạch Hà 93, Đức Thọ 92, Cẩm Xuyên 86, Can Lộc 87, ít nhất là Vũ Quang với 13.

Ôtô trung chuyển được dán các dòng chữ ghi rõ địa phương tại một góc bên kính trước để giúp người dân dễ nhận diện và lên đúng xe.

Theo kế hoạch, tàu SE14 sẽ trả khách ở Ga Hương Phố (huyện Hương Khê) và Ga Yên Trung (huyện Đức Thọ). Hai đơn vị này trước đó đã phun khử khuẩn khu vực ga để phòng dịch.

Tàu chỉ đón hành khách tại một ga lên là Ga Sài Gòn (TP HCM), trả khách tại hai ga là Hương Phố và Yên Trung, không đón và trả khách dọc đường. Lúc 4h, tàu trả hơn 80 người quê huyện Hương Khê và Vũ Quang ở Ga Hương Phố, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê. Hơn 5h, tàu về đến Ga Yên Trung, huyện Đức Thọ. Tàu có 12 toa, một toa giường nằm giành riêng cho lực lượng liên ngành như công an, cán bộ y tế... các toa còn lại dành cho hành khách. 11 toa thường có 64 ghế, toa giường nằm có 28 giường.

Tàu dừng, nhiều người từ trong tàu đã vẫy tay chào lực lượng chức năng qua cửa kính. "Tôi rất vui và xúc động khi về quê trên chuyến tàu đặc biệt này, rất cảm ơn chính quyền Hà Tĩnh đã tạo điều kiện", một cô gái nói.

Để thuận lợi cho việc phòng chống dịch, nhà chức trách cơ bản bố trí một địa phương một toa tàu riêng, cồn và dung dịch rửa tay đặt sẵn trước ghế. Một toa dự phòng cũng được chuẩn bị để cách ly người có triệu chứng nghi ngờ hoặc xử lý các tình huống y tế phát sinh trong quá trình về.

Nhân viên mở từng toa tàu để người dân xuống, khi chính quyền địa phương đón xong mới mở cửa toa khác nhằm tránh lộn xộn.

Người dân xếp hàng trước sảnh rộng hơn 1.000 m2 tại Ga Yên Trung để làm thủ tục khai báo, đo thân nhiệt, sau đó ra ôtô đi cách ly. Nhà ga đồng thời bố trí một khu vực đệm để khám sàng lọc, cách ly người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở và test nhanh Covid-19.

Lực lượng chức năng phải nói qua loa nhắc nhở người dân đứng giãn cách, đúng vị trí theo từng huyện, xã.

Do phải hoàn thành các thủ tục y tế nên việc bàn giao diễn ra chậm, mỗi huyện phải mất hơn 30 phút, có địa phương đông người mất gần cả tiếng.

Hơn 9h cùng ngày, việc bàn giao công dân đang diễn ra tại Ga Yên Trung.

Bà Nguyễn Thị Ký, 66 tuổi, trú huyện Lộc Hà dùng quạt tích điện quạt cho cháu nhỏ hơn 3 tháng tuổi. "Tôi đi chăm con dâu mới sinh ở TP HCM. Từ khi dịch bùng phát, cả gia đình lo lắng, tôi quyết định đi xét nghiệm nCoV, sau đó đưa con và cháu về quê chăm sóc", bà Ký nói.

Hoàn thành xong mọi thủ tục, người dân ra ôtô của địa phương đợi sẵn để đi cách ly tập trung. Họ được bố trí lên xe theo danh sách, sắp xếp chỗ ngồi không quá 50% số ghế quy định. Trên xe được chuẩn bị sẵn dung dịch sát khuẩn tay và thùng rác lót túi nylon. Tất cả được yêu cầu đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trong quá trình về khu cách ly tập trung. Sau khi hoàn thành cách ly 14 ngày, họ tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú thêm 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm nCoV bốn lần.

Mỗi khi một toa tàu kết thúc trả hành khách, Trung tâm Y tế huyện Đức Thọ cử cán bộ phun khử khuẩn ngay toa đó để phòng dịch.

Cơ sở cách ly tập trung đa số là trường học. Trường Mầm non Đức Yên, thị trấn Đức Thọ là nơi cách ly tập trung của 29 người ở thị trấn Đức Thọ, các xã Liên Minh, Tùng Châu, Tân Dân, Tùng Ảnh, Trường Sơn, Hòa Lạc.

Ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho biết, địa phương có hơn 191.000 người làm việc ngoại tỉnh, trong đó 70% là các tỉnh phía Nam, TP HCM là đông nhất với 29.500 người, Bình Dương 23.000, Đồng Nai hơn 10.000. "Sau khi sắp xếp tình hình cách ly tại địa phương ổn định, sau 7 đến 14 ngày, tùy tình hình tình, tỉnh sẽ bố trí chuyến tàu tiếp theo đưa người từ phía Nam trở về", ông Lạc nói.

Từ ngày 5/6, Hà Tĩnh ghi nhận 131 người dương tính nCoV. Tỉnh đang cách ly tập trung hơn 1.200 người, cách ly tại nhà và nơi lưu trú gần 1.300 trường hợp.

Hùng Lê

Đánh giá phiên bản mới