Chủ nhật, 24/1/2021, 11:29 (GMT+7)

Đào rừng dán tem bày bán trên phố Hà Nội

Hà NộiNhững cành đào rừng to bày bán trên phố Hà Nội, lần đầu được dán tem để minh chứng là đào trồng, không phải đào khai thác ngoài tự nhiên.

Tháng 12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tuyệt đối không được chặt đào rừng và các loại cây khác ở rừng mang về thành phố chơi Tết. Sau lệnh cấm này, nhiều địa phương có diện tích đào rừng được trồng để bán buộc phải nghĩ cách tiêu thụ sản phẩm. Cũng vì vậy, việc dán tem để nhận diện đào rừng trồng được ra đời.

Năm nay, lần đầu tiên, những cành đào rừng dán tem được bày bán trên phố Hà Nội. “Tôi ủng hộ việc dán tem này, nhất là khi diện tích đào rừng tự nhiên không còn nhiều”, ông Nguyễn Mạnh Long (65 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ.

Huyện Vân Hồ (Sơn La) là địa phương đầu tiên in và cung cấp tem cho đào rừng, số lượng khoảng 10.000 tem.

Trên tem có chữ “Đào Vân Hồ”, kèm theo chữ ký của chính quyền địa phương. Tuy vậy, những mẫu tem này khá thô sơ, rất dễ bị làm giả.

Một người bán đào rừng trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) cho biết trong quá trình mua bán, chính quyền địa phương đến nhà dân để xác nhận đào là của dân trồng rồi cấp tem dán cho từng cây cùng giấy thông hành.

“Chúng tôi mua đào tại nhà, nên các nhà vườn trồng đào có trách nhiệm dán tem mác, sau đó vận chuyển bằng ô tô xuống đây bán”, người này cho biết.

Dù Tết Nguyên đán Tân Sửu đã cận kề, nhưng năm nay, đào rừng không còn được bày bán nhiều trên phố Hà Nội như mọi năm. “Cũng có thể là do quy định mới, nhưng đào rừng cũng khá kén khách, chỉ những ai thật sự đã chơi rồi thì mới mua tiếp”, người bán đào chia sẻ.

Với những cành đào rừng nhỏ giá bán khoảng 500 nghìn đồng, cành lớn có thế đẹp, cao khoảng 3-4m có giá khoảng 7-10 triệu đồng.

Đào vùng cao chủ yếu là đào phai, có 5 cánh đào, hoa nở bền được hơn 10 ngày mới tàn. Khi mới nở có màu hồng, sau đó phai dần, phần cuối cánh hoa ra màu hồng phớt. Trong khi đó phần thân cằn cỗi, tự nhiên, xù xì, rêu mốc.

Đánh giá phiên bản mới