Một năm sau đại dịch, khẩu trang N95 có màn lọc virus, dùng một lần vẫn là một món đồ bảo hộ được thèm muốn nhất. Tình trạng thiếu hụt khẩu trang chất lượng, ngăn chặn virus đã buộc các bác sĩ và y tá phải tái sử dụng N95 và những người Mỹ thì lùng sục trên internet để mua chúng. Nhưng tại Miami (bang Florida) Luis Arguello Jr có tới 30 triệu chiếc khẩu trang N95 do công ty gia đình ông DemeTech sản xuất không tìm được người mua.
"Thật điên rồ khi chúng tôi không thể đưa những chiếc khẩu trang này đến tay những người đang rất cần chúng", Luis Arguello Jr., phó chủ tịch của DemeTech nói.
![]() |
Luis Arguello Jr., phó chủ tịch của DemeTech đứng trong kho hàng chứa khẩu trang N95 của công ty. Ảnh: NYT. |
Sau khi đại dịch bùng phát, nhu cầu thiết bị bảo hộ tăng mạnh và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu những thiết bị này, DemeTech, một nhà sản xuất chỉ khâu y tế, đã lao vào sản xuất khẩu trang. Công ty này đã đầu tư hàng chục triệu USD vào máy móc mới và sau đó thực hiện quy trình phê duyệt liên bang kéo dài 9 tháng cho phép bán mặt nạ trên thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu quá thấp nên ông Arguello đang chuẩn bị sa thải một số trong số 1.300 công nhân mà công ty đã thuê để tăng cường sản xuất.
Nguyên nhân chủ yếu là nhiều người mua không thích dùng thử loại khẩu trang mới do Mỹ sản xuất, vì chúng thường đắt hơn so với khẩu trang sản xuất tại Trung Quốc. Một trở ngại khác là Facebook và Google, đã cấm bán và quảng cáo khẩu trang N95 trong nỗ lực ngăn chặn những kẻ trục lợi từ thiết bị y tế trong đại dịch.
Được thúc đẩy một phần bởi Đạo luật sản xuất quốc phòng thời chiến (D.P.A), hàng loạt công ty ở Mỹ đã chuyển hướng sản xuất khẩu trang, thiết bị bảo hộ y tế. Trong đó phải kể đến nhà sản xuất lớn như 3M và Honeywell đã tăng cường sản xuất khẩu trang N95 trong năm qua. Tuy nhiên 120 triệu khẩu trang mà họ xuất xưởng mỗi tháng tại Mỹ không thể đáp ứng nhu cầu hàng năm của ngành y tế với con số ước tính cần tới 3,5 tỷ khẩu trang N95. Hầu hết khẩu trang do các công ty lớn sản xuất đều được chuyển đến các nhà phân phối y tế cung cấp cho các hệ thống bệnh viện lớn của đất nước.
Gần đây có tới 19 công ty ở Mỹ đã nhận được chứng nhận liên bang sản xuất hàng chục triệu khẩu trang mỗi tháng. Tuy vậy những công ty này lại gặp khó khăn đầu ra. Protective Health Gear, một công ty khởi nghiệp ở New Jersey được thành lập bởi một bác sĩ chỉnh hình đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng ổn định. ALG Health, một công ty sản xuất 1,5 triệu khẩu trang mỗi tháng ở Bryan, Ohio, nhưng không thể tìm được khoản đầu tư cần thiết để hoàn thành mục tiêu sản xuất 30 triệu khẩu trang mỗi tháng.
Không giống như người tiền nhiệm, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã coi việc đeo khẩu trang là một phần quan trọng trong kế hoạch ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Ông Biden đã chỉ đạo các cơ quan liên bang tích cực sử dụng D.P.A. để thúc đẩy sản xuất thiết bị bảo hộ và khuyến khích các đơn vị mua hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hơn một nửa các công ty khởi nghiệp sản xuất thiết bị y tế được New York Times phỏng vấn cho biết họ không nhận được sự hỗ trợ nào từ chính phủ.
Scott Paul, chủ tịch của Alliance for American Manufacturing, cho biết: "Tôi được khích lệ bởi những bước đi ban đầu của chính quyền Biden. Nhưng chính phủ thực sự cần phải đẩy mạnh kế hoạch của mình và cung cấp sự chắc chắn cho các công ty Mỹ đã trả lời lời kêu gọi hành động quốc gia"
![]() |
Bên trong nhà máy sản xuất khẩu trang N95 của DemeTech, ở Miami, Florida, Mỹ. Ảnh: NYT. |
Tim Manning, điều phối viên về Covid-19 của Nhà Trắng, cho biết chính quyền sẽ công bố một số D.P.A mới trong những tuần tới, nhưng các vấn đề lớn hơn của chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều thời gian hơn để giải quyết.
"Một trong những ưu tiên của chúng tôi trong ứng phó với đại dịch là thực hiện điều này theo cách có thể đảm bảo duy trì việc mở rộng cơ sở công nghiệp. Vì vậy chúng ta sẽ không rơi vào tình trạng tương tự vào lần tới" Tim cam đam với các nhà sản xuất.
Trong khi đó United States Mask, một công ty khởi nghiệp ở Fort Worth, Texas, bắt đầu sản xuất N95 vào tháng 11, có thể sẽ không thể trụ được tới lúc đó. John Bielamowicz, ông chủ United States Mask cho biết anh đã thất vọng vì sự thiếu quan tâm từ các chuỗi bệnh viện, cơ sở chăm sóc dài hạn và chính quyền địa phương. Mặc dù khẩu trang của công ty đã được chứng nhận bởi Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp, một bộ phận của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, ông Bielamowicz cho biết nhiều người mua rất ngại dùng thử các sản phẩm lạ. Các bệnh viện lớn thích sử dụng khẩu trang quen thuộc vì không tốn nhiều thời gian để thử nghiệm các mẫu mới cho nhân viên. Và những đơn vị có nhu cầu lớn thì thích mua khẩu trang của Trung Quốc vì có giá rẻ hơn.
Một đòn đau với ông Bielamowicz đến từ Hạt Tarrant, nơi United States Mask đặt nhà máy. Hạt này đã công ty ông khỏi danh sách đấu thầu cung cấp khẩu trang cho chính quyền vì nhà chức trách địa phương này đã chọn mua khẩu trang do Trung Quốc sản xuất.
Khi nuôi hy vọng về sự can thiệp từ Washington, United States Mask và các nhà sản xuất N95 khác cho biết họ đặt cược sinh tồn vào việc bán khẩu trang cho người dân thông qua các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon.
Tiến sĩ Monica Gandhi, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, cho biết đại đa số người Mỹ chấp nhận đeo khẩu trang và lo ngại về các biến thể mới nên tìm mua khẩu trang có màng lọc virus như N95.
![]() |
Hai nhà đồng sáng lập United States Mask John Bielamowicz (trái) và David Baillargeon tại nhà máy ở Texas. Ảnh: NYT. |
Tuy nhiên vấn đề là các nhà sản xuất không thể quảng cáo việc bán khẩu trang trên Facebook hay Amazon. Hiện bất kỳ ai cố gắng mua khẩu trang N95 trên Google, Facebook đều dẫn đến một trang trống. Trên Amazon, khi tìm kiếm N95 thì kết quả lại cho ra hàng loạt nhà cung cấp mặt nạ KN95, một sản phẩm tương đương N95 do Trung Quốc sản xuất.
Google và Facebook cho biết họ không có kế hoạch thay đổi chính sách ngay lập tức, dựa trên hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới nhằm đảm bảo nhân viên chăm sóc sức khỏe có đầy đủ đồ bảo hộ. Trong khi đó Amazon đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Lance Brown, giám đốc điều hành của Rhino Medical Supply, một nhà phân phối ở South Carolina, đã đặc biệt tập trung vào việc bán những chiếc N95 do các nhà sản xuất mới của Mỹ sản xuất. Ông nói, mặt nạ của các công ty khởi nghiệp Mỹ vượt trội hơn hầu hết các mặt nạ sản xuất tại Trung Quốc, nhưng lời kêu gọi của ông thường không khiến những người mua chú ý.
Ông Brown cũng đã thúc đẩy các nhà bán lẻ trực tuyến xem xét lại lệnh cấm quảng ráo và rao bán đối đối với mặt nạ N95. "Tôi có thể hiểu Facebook không muốn bán mặt nạ do một người nào đó làm trong ga ra của anh ta, nhưng những chiếc mặt nạ này đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp thì nên được chấp nhận. Tại sao những chiếc khẩu trang chất lượng N95 lại không thể đến tay hàng triệu người tiêu dùng đang cần chúng cơ chứ".
Trong khi đó doanh nhân Bielamowicz của United States Mask đã thay đổi chiến lược bằng cách để một nhà báo địa phương viết về những khó khăn của công ty họ. Ngay lập tức công ty đã nhận được đơn đặt hàng từ các y tá, trường học, bệnh nhân ung thư và nhân viên văn phòng, những người có nhu cầu tìm mua khẩu trang N95 nhưng không biết chỗ mua. Chỉ trong vòng ba ngày, United States Mask đã bán hết 250.000 chiếc khẩu trang N95.
Sơn Nam (Theo NYT)