Thứ sáu, 27/8/2021, 16:50 (GMT+7)

Cây cầu hơn 100 năm gắn với bộ phim của Triệu Vy

Trung QuốcNhắc đến Triệu Vy là nhắc tới 'Tân dòng sông ly biệt', với cảnh quay kinh điển lấy bối cảnh là cầu Waibaidu (Thượng Hải).

Scandal của hàng loạt ngôi sao nổi tiếng Trung Quốc đang gây chấn động làng giải trí châu Á. Cái tên mới nhất "gặp nạn" là Triệu Vy - ngôi sao có độ nổi tiếng và lượng fan hùng hậu trong suốt hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật. Một số bộ phim làm nên tên tuổi của Triệu Vy đã bị gỡ bỏ, gây tiếc nuối cho khán giả, trong đó có Tân dòng sông ly biệt, đóng cùng Cổ Cự Cơ, Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng. Bộ phim phát sóng năm 2001, nổi tiếng tới nỗi những địa điểm trong phim được khán giả săn lùng, tìm đến check in. Cây cầu nơi Lục Y Bình (Triệu Vy thủ vai) tự vẫn cũng là một trong số đó.

Cây cầu gắn với bộ phim của Triệu Vy
 
 

Cảnh Lục Y Bình nhảy cầu tự vẫn kinh điển trong Tân dòng sông ly biệt

Cây cầu này ngoài đời có tên là Ngoại Bạch Độ (Waibaidu) ở trung tâm thành phố Thượng Hải, nằm bên dòng sông Hoàng Phố. Hình ảnh cầu Waibaidu phía trước, phía sau là tháp Đông Phương Minh Châu, tháp Kim Mậu, tháp IFC... trở thành biểu tượng của thành phố trung tâm tài chính lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: emilio_paranoico

Cầu Waibaidu được xây dựng từ năm 1856, ở hạ lưu cửa sông Tô Châu, gần hợp lưu với sông Hoàng Phố, tiếp giáp với bến Thượng Hải. Cây cầu thuộc các quận Hoàng Phố và Hồng Khẩu, được khai trương vào ngày 20/1/1908. Ảnh: hazeabsorber_

Cây cầu gắn liền với đời sống người dân Thượng Hải suốt hơn 100 năm qua. Trong các bộ phim dân quốc, cây cầu được miêu tả là "cửa ngõ" dẫn vào khu Tô giới Anh và Pháp tại thành phố này. Sau khi bộ phim được phát sóng, Waibaidu trở thành điểm du lịch nhất định phải ghé qua khi đến Thượng Hải. Ảnh: shih_su_

Đây là câu cầu bằng thép đầu tiên do người phương Tây xây dựng ở Thượng Hải và là di tích còn lại duy nhất đến ngày nay. Ngày 15/2/1994, chính quyền thành phố Thượng Hải quyết định đưa Waibaidu vào danh sách các di sản kiến trúc nổi bật của thành phố, cần được bảo tồn. Ảnh: Nguyên Chi

Vào ban đêm, hệ thống chiếu sáng đồng loạt chuyển sang màu đỏ, khiến nơi này càng trở nên nổi bật. Ngoài hai làn đường ở chính giữa, cây cầu còn có hai làn dành cho người đi bộ ở hai bên rìa, để du khách thoải mái tản bộ, chụp ảnh. Một phía hướng về sông Hoàng Phố, khu phố Đông nhộn nhịp, một phía hướng về khu phố cổ. Ảnh: fangbin_landscape

Lấy bối cảnh là cầu Waibaidu nhưng trên thực tế, toàn bộ cảnh quay này được thực hiện ở phim trường Chedun, nằm ở ngoại thành thành phố Thượng Hải. Ảnh: Nguyên Chi

Phim trường đi vào hoạt động từ năm 1998, là nơi thực hiện hầu hết các bộ phim thời dân quốc của điện ảnh Trung Hoa. Nơi đây giống như một Thượng Hải thu nhỏ với nhiều công trình mô phỏng như cầu Waibaidu, phố Nam Kinh, đường ray xe điện, rạp hát Hoà Bình, doanh trại lính Nhật, khu phố cổ... được phục dựng gần như thật. Ảnh: Nguyên Chi

Tuy mở cửa để quay phim nhưng phim trường cũng đón một lượng khách tới thăm trong thời gian trống, hoặc mở cửa từng khu vực khi không có phim. Nhiều cặp cô dâu chú rể cũng chọn cây cầu nơi Lục Y Bình và Hà Thư Hoàn thể hiện tình yêu để chụp ảnh cưới. Trong phim, cây cầu này xuất hiện nhiều lần, là nơi hẹn hò của đôi kim đồng ngọc nữ làng điện ảnh Hoa ngữ. Ảnh: Nguyên Chi

Toạ lạc tại huyện Tùng Giang, phía Tây Nam Thượng Hải, phim trường cách trung tâm khá xa. Giờ mở cửa là từ 8h30 đến 16h30, với giá vé khoảng 50 tệ. Có nhiều cách để di chuyển tới đây, điểm đến gần nhất là bến xe bus Chedun, cách phim trường khoảng 1 km. Thông thường, bạn có thể đi metro line 1 từ trung tâm thành phố, đến bến Lianhua, sau đó đi bus tuyến Lianshi line đến bến Chedun, sau đó đi bộ khoảng 800-1.000 m vào trong, hoặc bắt taxi. Ảnh: Nguyên Chi

Cầu Waibaidu ở Thượng Hải
 
 

Cầu Waibaidu "hàng thật" nằm tại trung tâm thành phố Thượng Hải. Video: Douyin

Nguyên Chi

Đánh giá phiên bản mới