Thứ hai, 14/3/2022, 19:00 (GMT+7)

Bông Mai chia sẻ kinh nghiệm phượt xuyên Việt bằng ôtô

Ngoài đồ dùng cá nhân, Bông Mai trang bị kỹ năng sinh tồn, kiến thức y tế để chăm sóc bản thân trong chuyến đi 99 ngày.

Ca sĩ Bông Mai - cựu thành viên nhóm Con Gái - bắt đầu hành trình xuyên Việt từ sau Tết Nguyên đán. Cô một mình thong dong trên chiếc xe riêng, đi qua nhiều tỉnh thành với mong muốn tận hưởng tiết trời của những vùng miền khác nhau.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, Bông Mai biến chiếc xe thành 'căn nhà thu nhỏ' với đồ dùng, lương thực và một số dụng cụ cứu hộ. 'Từ kỹ năng đối phó các sự cố trên đường cho đến việc bảo vệ sức khỏe để đi hết cuộc hành trình đều được tôi lên kế hoạch tỉ mỉ', cô nói.

Nữ ca sĩ cho biết hai tuần trước khi khởi hành, cô ôn lại một số việc đơn giản như quay phim, chụp ảnh, lưu trữ dữ liệu... Những chuyện tưởng như chỉ dành cho đàn ông bao gồm cả vá lốp xe, nhận biết lỗi của xe ôtô để miêu tả cho cứu hộ... cũng được cô tập dượt cẩn thận.

'Bạn đừng chủ quan, kể cả xe của mình còn mới. Trong một chuyến đi dài ngày, bạn cần cẩn trọng trong mọi việc vì rất có thể khó tìm kiếm chỗ sửa chữa, dù xe chỉ bị lỗi nhỏ.

Bạn cần kiểm tra toàn bộ xe như đèn, phanh, bánh xe dự phòng, gạt mưa, nhớt máy, nước làm mát, nước rửa kính và nhớ đổ đầy bình xăng trước. Ngoài ra, hãy trang bị thêm một số kiến thức tự sửa chữa những sự cố đơn giản để có thể chủ động trong những tình huống có thể gặp phải như dụng cụ cứu hộ, lốp dự phòng, máy đo áp suất lốp, dụng cụ tháo hơi xe và bơm xe, tìm kiếm số điện thoại của các trung tâm có dịch vụ sửa chữa xe lưu động gần những khu vực bạn đi ngang qua để dự phòng trong lúc cần đến...', cô liệt kê.

Ngoài ra, dụng cụ y tế, thuốc thang, kỹ năng sơ cứu, kiểm tra sức khỏe và hồi phục trên mỗi cung đường cũng là điều Bông Mai chú trọng. Khi cần thiết, cô có thể trở thành một 'bác sĩ' cho riêng mình. Cô chia đồ đạc vào các hộp riêng và ngăn nắp như: hộp đựng quần áo cho ngày lạnh - ngày nóng, hộp đồ cá nhân, đồ bơi, đồ cắm trại, thuốc men và các đồ dự phòng. Thiết bị quay, chụp và thu podcast, móc dựng... được trữ trong một hộp khác.

'Chuẩn bị mọi đồ dùng kỹ lưỡng, sắp xếp gọn gàng thì khi có việc khẩn cấp có thể làm một cách nhanh nhất', cô nhấn mạnh.

Đi phượt trong giai đoạn Covid-19 chưa thực sự được kiểm soát nên Bông Mai mang theo cả bộ test và dụng cụ xông để phòng và hỗ trợ chữa bệnh trong trường hợp cần thiết.

Độc hành khiến Bông Mai đối mặt nhiều nỗi sợ hãi như sợ độ cao, sợ bóng tối và sợ một mình. Cô vượt qua điều đó bằng cách nghe nhạc, ăn vặt, gọi điện cho người thân... Đến chỗ nào thấy thích, cô dừng lại chụp ảnh, chơi với trẻ con hoặc giao lưu với bà con.

'Thật đáng sợ khi bạn lặng lẽ đi cả chặng đường dài mà không làm gì, chỉ lái xe. Cơn buồn ngủ sẽ liên tục ập đến và bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, tẻ nhạt, vô vị và chuyến đi bỗng chốc trở thành một cuộc cắm đầu chạy đua tới đích', cô nói.

Ca sĩ nhóm Con Gái sơ cứu cho một em bé người dân tộc thiểu số mà cô gặp trên đường. Bé gái này chạy chơi rồi bị thương ở tai nhưng không biết nhờ người lớn giúp đỡ.

Cô mặc trang phục bản địa, hòa vào cuộc sống tại mỗi nơi đi qua.

Sau gần một tháng rong ruổi, cô nhớ nhất chặng đường từ Huổi Só về trung tâm thị trấn Tủa Chùa (Điện Biên) khi trời tối đen. Có những đoạn đường mà hai bên chỉ vừa nửa bánh xe nhưng vẫn phải đi vì không có lựa chọn nào khác.

"Một số khúc nếu xe không có chế độ 'off-road' và gầm đủ cao thì xác định nằm đấy chờ xe kéo', cô kể.

Bông Mai tận hưởng phút thảnh thơi khi dừng chân tại một cung đường tuyệt đẹp.

Lam Trà

Đánh giá phiên bản mới