Thứ ba, 19/10/2021, 20:46 (GMT+7)

Bên trong các toa tàu 40 tuổi của Nhật Bản

37 toa tàu cũ loại Kiha 40 và 48 với công nghệ tự hành kéo đẩy của Nhật Bản đang được đề xuất chuyển giao cho đường sắt Việt Nam.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép nhập khẩu các toa tàu tự hành do Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản trao tặng. Đây là các toa tàu được sản xuất trong giai đoạn 1979-1982. Nếu được phép, doanh nghiệp sẽ nhập về cải tạo và đưa vào khai thác chở khách trên hệ thống đường sắt Việt Nam.

VNR tính toán tổng chi phí nhập tàu là 140 tỷ đồng, gồm chi phí hoán cải toa xe, vận chuyển, đăng kiểm... thấp hơn việc mua mới 37 toa xe cùng loại có giá trị đến 1.100 tỷ đồng.

Các toa tàu loại Kiha 40 và 48 của Nhật Bản vận hành với tốc độ tối đa 95 km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067 mm của Nhật Bản. Tàu tự hành không có đầu máy riêng, có động cơ kéo đẩy trên từng toa, người lái tàu ngồi trong cabin cùng toa.

Toa xe Kiha 40 có hai cabin (hai đầu) có thể vận hành riêng lẻ, còn toa xe Kiha 48 có một cabin (một đầu) cần tối thiểu hai toa xe. Hai loại tàu này tương thích với nhau.

Các loại tàu có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn tùy theo nhu cầu sử dụng. Tàu tự hành phù hợp với quãng đường ngắn dưới 300 km, lưu lượng hành khách ít. Trong khi các đoàn tàu ở Việt Nam là sử dụng một đầu máy kéo nhiều toa xe, phù hợp với các chặng dài, đông khách.

Các toa có trang bị ghế mềm, điều hòa không khí, thiết kế 68-82 chỗ ngồi. Các hàng ghế ngang trong tàu giúp hành khách có thể ngồi ngắm cảnh, ghế dọc cho khách ưu tiên.

Tàu còn thiết kế 28-34 chỗ đứng giống tàu điện đô thị.

Cabin cho người lái tàu và các mối nối các toa tàu với nhau.

Lối đi giữa các toa tàu. Lợi thế của các toa tàu tự hành là điều khiển đơn giản (dẫn động và hãm), vận hành đa dạng theo nhu cầu hành khách, hoán cải dễ dàng vì khổ đường sắt ở Nhật tương đồng với Việt Nam.

Theo Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản, nhiều tàu tự hành vẫn đang được khai thác ở Nhật Bản trên các cung đường ngắn. Hàng năm, Nhật Bản nâng cấp, thay đổi tàu mới nên loại bỏ dần các toa tàu cũ. Tỷ lệ sự cố của các toa tàu này là 1-2 vụ trên 1 triệu km.

Hiện có 60 toa xe Kiha cũ không khai thác, trong đó có 37 toa sẵn sàng chuyển giao cho đường sắt Việt Nam. Các năm trước, doanh nghiệp này đã chuyển giao tàu cũ cho Nga, Myanmar, Philippines.

Hiện Việt Nam chưa sản xuất được tàu hỏa tự hành kéo đẩy như Nhật Bản. Các đơn vị cơ khí đường sắt chỉ sản xuất, lắp ráp được toa xe, vẫn nhập khẩu đầu máy của nước ngoài. Theo lãnh đạo VNR, việc nhập tàu cũ của Nhật còn để học công nghệ sản xuất toa xe tự hành, phục vụ chạy tàu trên các tuyến đường ngắn như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai...

Ảnh: Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East)

Đánh giá phiên bản mới