Xem - Thứ tư, 29/9/2021, 01:04 (GMT+7)

‘Bao giờ cho đến tháng Mười’ từng vượt 13 lần kiểm duyệt

Phim Việt Nam kinh điển, ‘Bao giờ cho đến tháng Mười’, từng gặp khó khăn trong quá trình kiểm duyệt vì bị cho là ‘mang màu sắc huyền bí và tuyên truyền mê tín dị đoan’.


Bao giờ cho đến tháng Mười

Đạo diễn: Đặng Nhật Minh
Sản xuất: Hãng phim truyện Việt Nam
Diễn viên: Lê Vân, Nguyễn Hữu Mười, Đặng Lưu Việt Bảo, Lại Phú Cường
Âm nhạc: Phú Quang
Công chiếu: 1984
Một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại do kênh truyền trình CNN bầu chọn

Bao giờ cho đến tháng Mười công chiếu lần đầu tiên năm 1984 và lập tức chiếm trọn trái tim của công chúng và giới phê bình. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, tác phẩm đại thắng với giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho "Phim hay nhất", giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc" cho Lê Vân và "Nam diễn viên chính xuất sắc" cho Hữu Mười.

Không dừng lại ở đó, bộ phim còn "chu du" nhiều LHP quốc tế uy tín và gặt hái không ít vinh quang như Giải thưởng đặc biệt của BGK tại LHP Quốc tế Hawaii 1985, Bằng khen của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình tại LHP quốc tế Moskva 1985, Giải đặc biệt tại LHP Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương 1989...

Đặc biệt, Bao giờ cho đến tháng Mười còn được kênh truyền hình CNN tôn vinh là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại, sánh vai In the mood for love (Tâm trạng khi yêu) của Hong Kong hay The Ballad of Narayama (Bài ca núi Narayama) của Nhật Bản.

Bao giờ cho đến tháng Mười kể câu chuyện giản dị xoay quanh một bi kịch không xa lạ gì với nhiều người dân trên dải đất hình chữ S: gia đình có người thân hy sinh trong chiến trận. Bằng sự dẫn dắt, gợi mở tinh tế, bộ phim chạm vào sâu thẳm tâm hồn Việt và vì thế đã được nhiều thế hệ khán giả yêu mến, đón nhận.

Bộ phim giàu tinh thần nhân văn phản chiến

Bao giờ cho đến tháng Mười mở đầu bằng một tin tang tóc: Duyên (Lê Vân đóng) cất công lặn lội đi thăm chồng ở biên giới Tây Nam thì nhận được tin chồng chị đã hy sinh ngoài mặt trận. Trên đường trở về, vì tâm trạng quá bàng hoàng, Duyên ngã xuống sông và được thầy giáo Khang (Hữu Mười) nhảy xuống cứu. Trở về nhà, Duyên giấu chuyện chồng hy sinh với mọi người trong gia đình, đặc biệt là với cha già đang bệnh nặng. Chị nhờ Khang thỉnh thoảng biên thư về, giả như chồng chị vẫn còn sống để cả nhà yên lòng, còn nỗi đau chỉ riêng mình chị chịu đựng. Dân làng bắt đầu xì xào, bàn tán về mối quan hệ của chị và Khang trong khi cha chồng yếu dần, muốn gặp con trai lần cuối...

Bao giờ cho đến tháng Mười không có tiếng súng hay cảnh đổ máu nhưng vẫn thấm đẫm sự hy sinh, mất mát vì chiến tranh. Cha chồng Duyên đã có người con cả ngã xuống vì bảo vệ Tổ quốc từ năm 1968. Giờ đây, con trai út đi bộ đội cũng bặt tin tức từ lâu. Ngày ngày, ông đi ra đi vào, thở ngắn than dài, khắc khoải ngóng đợi thư con, sức khỏe ngày một yếu dần.

Duyên còn trẻ nhưng phải sống cảnh xa chồng, một mình cáng đáng cả gia đình, chăm cha già con dại... Chồng chị mất đã lâu mà không ai báo, anh đang nằm đâu trên chiến trường Tây Nam, cũng chẳng ai hay. Duyên giữ cái tin khủng khiếp về sự hy sinh của chồng trong lòng, ban ngày chị cố tỏ ra bình thường, nhưng đêm về thì khóc ướt gối.

Bi kịch gia đình Duyên cũng là của hàng triệu gia đình Việt Nam suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đạo diễn Đặng Nhật Minh khéo léo lồng ghép trích đoạn chèo cổ Trương Viên trong cảnh người vợ tiễn chồng ra trận và cài cắm chi tiết Thành hoàng làng cũng từng là một người vì nước mà hy sinh.

Cảnh mở đầu phim 'Bao giờ cho đến tháng Mười'
 
 
Trích đoạn phim 'Bao giờ cho đến tháng Mười'

"Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên", bao nhiêu người trai trẻ đã ngã xuống, để lại bao bóng dáng vọng phu vò võ đêm trường cùng nỗi đau không thể nguôi ngoai.

Không khai thác những kinh hoàng trực diện của cuộc chiến, Bao giờ cho đến tháng Mười tập trung vào những mất mát, hy sinh của người ở lại. Tuy nhiên, bộ phim hoàn toàn không ảm đạm hay bi lụy mà ngược lại, lấp lánh ánh sáng của tâm hồn người Việt Nam giàu tình nghĩa, thủy chung, biết vươn lên để mang đến hạnh phúc cho mình và cho người.

Bộ phim thấm đẫm tâm hồn Việt

Bao giờ cho đến tháng Mười lấy bối cảnh một làng quê Bắc Bộ, có con sông chảy qua, có đồng lúa chín vàng, có những đêm chèo trên sân đình, có miếu Thành hoàng linh thiêng cùng cây đa cổ... Tại đây, làng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau, nhà ai có việc cũng được hàng xóm sang hỏi thăm, tuy đôi khi không tránh khỏi sự phiền hà tọc mạch nhưng cũng là thứ tọc mạch rất chân chất, thôn quê.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh thể hiện các bước đi của thời gian thông qua những chi tiết tinh tế như sự thay đổi trên cánh đồng từ lúc gieo mạ non đến khi lúa xanh mượt và ở cuối phim là cảnh lúa chín vàng chuẩn bị cho mùa gặt. Chất Việt thấm đẫm trong không gian và thời gian của phim đã tạo sự đặc biệt và sức sống lâu bền của Bao giờ cho đến tháng Mười.

Đáng chú ý nhất là nét văn hóa tâm linh của người Việt được thể hiện một cách tinh tế, sâu sắc và đầy xúc cảm. Trong tâm thức người Việt, sợi dây liên kết giữa người sống và người chết luôn bền chặt, hương hồn của người đã mất vẫn quanh quẩn đâu đây, phù hộ cho những người đang sống. Người Việt đến ngày giỗ, Tết vẫn có thói quen thắp hương, mời ông bà tổ tiên về thăm nhà cửa, con cháu. Nhiều nhà còn có cây hương ngay trong sân hoặc mộ của người thân ngay trong vườn. Đối với người Việt, người chết vẫn mãi quấn quít cùng người sống trong nỗi thương nhớ khôn nguôi...

Cảnh quay kinh điển trong phim 'Bao giờ cho đến tháng Mười'

Tất cả được đạo diễn Đặng Nhật Minh xử lý nhuần nhuyễn trong phim, đỉnh cao là cảnh phiên chợ Âm – Dương ngày rằm tháng Bảy. Trong không gian nhập nhoạng, bảng lảng sương khói, Duyên gặp lại người chồng thân yêu nhưng không thể chạm vào anh. Người chồng dặn dò Duyên: "Anh chỉ muốn những người sống được hạnh phúc. Chỉ có những người đang sống mới làm được điều đấy. Anh đã làm xong phần việc của mình rồi".

Đây là cảnh có ý nghĩa nhân văn, đặc biệt đặt trong bối cảnh hàng triệu gia đình Việt Nam đã mất người thân trong chiến tranh mà không thể gặp mặt lần cuối hay chia sẻ với nhau đôi lời trước khi âm dương cách biệt.

Cảnh phiên chợ Âm Dương được đạo diễn Đặng Nhật Minh lấy cảm hứng từ chính văn hóa và phong tục dân gian Việt Nam. Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, không thiếu chuyện những người tìm đến chợ âm phủ để gặp gỡ những người vợ hay người chồng đã khuất. Tuy nhiên, cũng chính vì cảnh này, bộ phim gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình kiểm duyệt vì bị cho là "mang màu sắc huyền bí và tuyên truyền mê tín dị đoan".

Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng cương quyết bảo vệ trích đoạn này và cuối cùng sau 13 lần kiểm duyệt, bộ phim được "tha bổng" với cảnh phiên chợ Âm Dương được giữ lại. Chính nhờ sự dũng cảm và kiên quyết của đạo diễn, bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười đã tạo được nét riêng độc đáo, thẫm đẫm hơi thở dân tộc.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Sinh ngày: 10/5/1938
Tác phẩm tiêu biểu: Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Đừng đốt...

Ông từng giữ chức vụ tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam và được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh.

Màn hóa thân xuất thần của Lê Vân

Diễn viên Lê Vân

Năm sinh: 1958
Tác phẩm tiêu biểu: Tự thú trước bình minh, Chị Dậu, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đêm hội Long Trì
Chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú của Việt Nam.

Nhân vật Duyên là linh hồn của phim. Trong chị có bóng dáng của mọi "hòn vọng phu" suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Ở Duyên hội tụ những phẩm chất điển hình của phụ nữ Việt Nam: đẹp người đẹp nết, nhân hậu, thủy chung, giàu đức hy sinh... Đây cũng là nhân vật có diễn biến tâm trạng phức tạp, bị giằng xé giữa nỗi đau có chồng hy sinh và vẻ ngoài buộc phải tỏ ra bình tĩnh, tươi vui để người thân khỏi lo lắng, nghi ngờ.

Một vai diễn mang tính chất quyết định thành bại của phim được đạo diễn Đặng Nhật Minh giao cho Lê Vân – một nghệ sĩ bắt đầu bước vào độ chín của sự nghiệp. Lê Vân sở hữu vẻ đẹp mình hạc xương mai mỏng manh, khuôn mặt nhạy cảm thuần Việt và đặc biệt đôi mắt ướt biết nói, chất chứa bao nỗi niềm. Đôi mắt của chị khi lấp lánh tươi vui, khi long lanh những giọt nước mắt, lúc mênh mang nỗi buồn, lúc đau đáu niềm tâm sự, khi nhìn thẳng vào ống kính mà vẫn mở ra cả chân trời xúc cảm.

Lê Vân diễn rất đạt những phân đoạn đêm trường lặng lẽ một mình, khóc thương người chồng vắn số. Đôi vai run lên bần bật, đôi bàn tay gầy úp lên khuôn mặt, những lọn tóc mai đẫm nước mắt... Tất cả toát lên sự cô đơn, yếu đuối, đau buồn của người vợ trẻ mất chồng.

Lê Vân đặc biệt xuất thần ở cảnh diễn chèo, trong vai người vợ tiễn chồng ra trận, cũng là một trong những cảnh xúc động nhất phim.

"Gió lẻ cô đơn, canh trường mưa gió – Tưởng những lúc sương rơi liễu rủ - Tựa cửa trông ai đăm đắm phương trời – Mấy mùa hoa rơi, mấy mùa lá rụng – Một dạ không phai – Xa xôi muôn dặm ải ngoài".

Trích đoạn chèo trong 'Bao giờ cho đến tháng Mười'
 
 
Trích đoạn chèo trong phim 'Bao giờ cho đến tháng Mười'

Sân khấu và đời đã hóa làm một, tiếng hát của nàng Xuân Phương nói thay những tâm sự của Duyên. Chị gắng gượng diễn hết vai chèo nhưng cuối cùng không chịu nổi, chạy vụt đi để lại cảm xúc vỡ òa với khán giả trong phim và nỗi đau nhói lòng với khán giả ngoài đời.

Vai Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười là một trong những đỉnh cao sự nghiệp của Lê Vân, sau đó tiếp tục được nối dài với các vai diễn thành công khác. Chị từ giã điện ảnh khá sớm, khi sự nghiệp vẫn còn rộng mở, để lại nhiều luyến tiếc cho người hâm mộ. Sau Lê Vân, rất khó kiếm tìm một gương mặt điện ảnh có hồn, tỏa sáng trong mọi khung hình và có khả năng tạo cảm xúc mạnh mẽ đến vậy.

Vĩ thanh về hy vọng

Bao giờ cho đến tháng Mười được lấy cảm hứng từ chính bi kịch của gia đình đạo diễn Đặng Nhật Minh (bố ông, giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ hy sinh trong chiến tranh) và cũng là bi kịch của hàng triệu gia đình khác phải trải qua cảnh sinh ly tử biệt tương tự. Bộ phim lấy nhựa sống từ hiện thực nên rất sâu sắc, sống động và có sức truyền cảm mạnh mẽ.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh kết lại phim bằng những gam màu tươi sáng, ngập tràn hy vọng. Như cơn bão đi qua, để lại bầu trời trong xanh vời vợi, như cánh đồng lúa chín vàng là thành quả sau bao ngày một nắng hai sương vất vả. Cái kết tươi sáng và rất "chừng mực" của Bao giờ cho đến tháng Mười thổi vào lòng người một hy vọng không tắt về những điều tốt đẹp.

"Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão
Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau
Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu"

Dẫu ngày hôm nay có khó khăn, tuyệt vọng, đau thương đến đâu, chỉ cần có nghị lực tiến lên, nhất định sẽ thấy được ngày mai tươi đẹp. Thông điệp nhân văn đầy tính tích cực đó, không chỉ đúng với thời điểm bộ phim ra đời (1984) mà trong bối cảnh hiện nay, càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, khi một tháng Mười đầy hy vọng lại sắp đến.

Anh Trâm

Đánh giá phiên bản mới