Thứ năm, 5/4/2018, 11:24 (GMT+7)

Tô bún chả Huế thơm mùi khói trong quán nhỏ Sài Gòn

Trong quán nhỏ đã tồn tại gần 20 năm, nồi nước hầm xương được nấu trên bếp củi khiến tô bún thơm mùi khói bếp.

Có mặt tại vỉa hè đường số 12 quận 8, TP HCM từ gần 20 năm trước, sau đó dời về đường Tạ Quang Bửu, quán bún chả của một đầu bếp người Huế là một trong số ít ỏi những quán ăn tại Sài Gòn đến nay vẫn nấu bằng bếp củi. 

Người không để tâm đến việc chế biến sẽ không thể biết tại sao tô bún ở đây lại có mùi khói đặc trưng, song với cô chủ thì gần 20 năm nay, chính việc đun bằng củi đã giúp tô bún giữ được nét riêng. 

Không chỉ dùng củi hầm xương, món chả tôm, chả heo và huyết heo cũng được đun trên bếp củi. Cách làm này khiến viên chả, ngoài vị ngọt còn có mùi thơm rất lạ.

Gần giống với bún bò Huế nhưng nước lèo chan vào tô bún chả Huế không nấu bằng xương bò mà hầm từ xương heo và đủ loại gia vị, trong đó, mắm ruốc là thứ không thể thiếu. 

Chủ quán không dùng bún sợi to như thường thấy ở các quán bún bò Huế bình thường mà dùng loại bún tươi sợi nhỏ. 

Hành tây được xem là thứ không thể thiếu với món bún chả Huế. Hành tây được cho vào sau cùng. Sợi hành phải còn sống mới tỏa được mùi thơm hòa quyện với mùi khói bếp khi ăn.

Rau sống ăn kèm gồm hoa chuối bào thành sợi, giá đậu xanh, xà lách, quế, húng cây, ngò rí.

Bún chả Huế sẽ không tròn vị nếu thiếu sa tế. Loại sa tế được làm từ sả bằm và ớt khô cho vị cay và thơm nồng. Chỉ cần cho chút ớt sa tế vào tô bún, người ăn đã có thể hít hà, vừa ăn vừa lau mồ hôi.

Sẽ ngon hơn nếu tô bún thơm mùi khói bếp được vắt thêm ít chanh, ít nước mắm để cân vị. Người thích ăn giò heo thì gọi thêm, ai không ăn giò thì tô bún 35.000 đồng sẽ có chả tôm, chả heo. Loại chả được làm theo công thức của người Huế, vừa ngọt thơm vừa có vị cay cay. Quán đông khách buổi sáng, không bán đêm.

Thiên Chương

Đánh giá phiên bản mới