Thứ hai, 27/5/2019, 10:13 (GMT+7)

Nơi người Nhật tạo ra chiếc kimono đắt bằng xe Lamborghini

Ngoại thành Kyoto (Nhật Bản) là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp dệt lụa truyền thống với giá bán rất cao.

Vùng Tango ngoại thành Kyoto (Nhật Bản) có nghề làm giấy và dệt vải làm kimono lâu đời. Trong vùng, nhiều gia đình có nghề dệt thủ công truyền thống. Ông Tamoi Hayato là một trong số đó, ông là thế hệ thứ 3 làm chủ xưởng dệt Tayuh Textile.

Người dân trong làng vẫn sử dụng những chiếc máy dệt jacquard với các dòng lỗ đục truyền thống. Kỹ thuật dệt jacquard ra đời từ thế kỷ 18, dùng để tạo ra những sản phẩm có hoa văn phức tạp, kết hợp các kiểu dệt khác nhau.

Ngày nay, những công đoạn thủ công này đều được tự động hóa. Tuy nhiên, những mảnh vải dệt kiểu truyền thống này vẫn có được nét đẹp riêng.

Đặc điểm của vải vùng Tango là loại lụa lượn sóng, mặt hơi ráp chứ không mịn như các loại lụa khác.

Để sản xuất ra một chiếc kimono, người ta phải sử dụng từ 2.000 đến 4.000 cuộn chỉ để dệt vải. Các nhà xưởng địa phương sử dụng kén lụa có xuất xứ Nhật Bản nhưng phần lớn là đến từ Trung Quốc và Brazil.

Xưởng dệt Tayuh Textile đạt nhiều giải thưởng về dệt vải, đặc biệt là kỹ thuật dệt truyền thống chirimen.

Mineyama là nhà sản xuất và phân phối các loại vải truyền thống. Công ty này được thành lập từ 1830, trụ sở chính nằm ở Kyoto. Yoshimura Shouten là một chi nhánh của hãng này nằm tại vùng Tango, nằm trong một ngôi nhà cổ kính, không khí yên tĩnh.

Mọi miếng vải ra đời ở đây đều phải trải qua nhiều công đoạn kiểm tra để đạt được mức độ hoàn hảo.

Chỉ những miếng vải trải qua loạt kiểm tra ngặt nghèo mới được cấp tem của hiệp hội và gắn nhãn "sản xuất tại địa phương" trước khi xuất xưởng để không ảnh hưởng tới thương hiệu lụa Tango. Đây là sự công nhận mảnh vải đạt tới trình độ hoàn chỉnh. Ông Hitoshi Yoshioka, một người bán buôn ở chi nhánh này, cho biết ông tự hào khi được mặc chiếc áo sơ mi lụa và thắt cà vạt mang thương hiệu Yoshimura Shouten.

Đối với các nghệ nhân dệt vải, đây không chỉ là công việc bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn là cơ hội để thử nghiệm nhiều cải tiến. Ông Hitoshi Yoshioka khoe một mảnh vải lụa dệt kiểu chirimen được các nhân vật Hollywood sử dụng trong các thiết kế.

Một căn nhà kho được gọi là kura, được xây dựng với kỹ thuật đặc biệt để chống được hỏa hoạn và động đất.

Một bức màn lụa treo trong căn nhà cổ của dòng họ Bito - một gia đình có truyền thống buôn bán nổi tiếng trong làng.

Căn nhà này nằm ở quận Kaya ở Yosano (Kyoto). Xa xưa, nơi đây từng là thị trấn sản xuất lụa nổi tiếng. Toàn bộ khu vực này hiện được chính phủ Nhật đưa vào danh sách bảo tồn ở mức độ cao.

Một chiếc kimono hoàn chỉnh được sản xuất ở doanh nghiệp Tamiya Raden trong thị trấn này. Kimono ở đây được sản xuất với kỹ thuật đặc biệt, sử dụng cả vỏ trai trong hoàn thiện. Giá của sản phẩm luôn là một bí mật nhưng chủ tiệm tiết lộ, nó đắt hơn cả một chiếc Lamborghini. Tamiya Raden bán vải cho một số thương hiệu thời trang cao cấp trên thế giới nhưng bảo mật thông tin là một trong những điều khoản hợp đồng.

Doanh nghiệp này đã dành nhiều năm để phát triển quy trình khảm vỏ trai vào vải lụa từ những năm 1970. 

Tamiya Raiden là một doanh nghiệp gia đình, sản xuất hàng ngay tại nhà. Ông  Tamiya Kyoji là người thừa hưởng toàn bộ công việc kinh doanh và sản xuất của gia đình nhưng trên thực tế, toàn bộ các thành viên trong nhà đều cống hiến cho doanh nghiệp này.

Từ chối tiết lộ các thông tin về công việc làm ăn của mình nhưng gia đình cũng bật mí rằng, Hoàng hậu Nhật Bản đang sử dụng một trong những chiếc đai obi (dùng khi mặc kimono) được xuất xứ từ khu xưởng này.

Tuy nhiên, họ không tiết lộ kỹ về hoa văn chiếc obi đó cũng như Hoàng hậu không hề biết xuất xứ của sản phẩm mình đang dùng. Du lịch tới vùng nông thôn Nhật Bản luôn đem lại những trải nghiệm bất ngờ. Quãng đường di chuyển không mấy dễ dàng nhưng chuyến đi rất đáng giá.

Nguyên Chi (Theo Boredpanda)

Đánh giá phiên bản mới