Thứ hai, 15/4/2019, 07:58 (GMT+7)

Nghệ nhân múa bóng rỗi nuốt rắn, nâng ghế bằng miệng ở Sài Gòn

Màn biểu diễn nuốt con rắn còn sống của anh Lê Minh Hùng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ khiến người xem thót tim.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ trở nên đông đúc hơn thường ngày vì lễ hội dân gian tổ chức ngay dịp giỗ Tổ vua Hùng. Tại đây, du khách được "mục sở thị" đủ hình thức diễn xướng dân gian ba miền trên phố mà không phải tốn bất kì chi phí gì. Sân khấu chính mô phỏng ngôi nhà mái tranh mộc mạc, thân thuộc.

Ở lễ hội, du khách được xem nhiều loại hình nghệ thuật dân gian ngay trên phố như hát then, hát quan họ, bài chòi... trong đó hầu đồng và múa bóng rỗi thu hút sự chú ý của nhiều người.

Múa bóng rỗi là một thức múa hát thể hiện nghi thức thờ nữ thần của người Nam Bộ tại các đình, miếu. Nghệ nhân biểu diễn các động tác đòi hỏi kỹ thuật cao, khéo léo cùng đạo cụ như mâm vàng, ghế, chén, đĩa... đặt chênh vênh trên một thanh kiếm. Đặc biệt, tiết mục nuốt rắn của nghệ nhân Lê Minh Hùng khiến nhiều người thót tim. Anh chia sẻ rằng gắn bó với nghề từ năm 17 tuổi. Tuy cực, nguy hiểm nhưng đam mê đã ngấm vào máu. Anh Hùng luyện tập với chú rắn cưng trong nhiều năm mới có thể thực hiện suôn sẻ được. May mắn là chưa có sự cố xảy ra khi diễn cùng "anh bạn" của mình.

Sân khấu múa bóng rỗi thiết kế đậm văn hóa Nam Bộ với phông nền là thuyền, sông nước, cà ràng (bếp đun củi bằng đất nung)... còn các nghệ nhân trong trang phục áo dài, trang điểm đậm, trổ tài trước hàng trăm khán giả. Không chỉ đam mê, người thực hiện múa bóng rỗi cần có sức khỏe, sự khéo léo, can đảm và một chút liều thì mới có thể thăng hoa với nghề.

Ngoài ra còn có múa Chăm, múa xuân phả... được diễn vào ban đêm, khi thời tiết Sài thành trở nên dịu hơn so với ban ngày để người dân có thể thoải mái thưởng thức.

Không những khách Việt mà khách Tây cũng hứng thú với lễ hội này. Một du khách đến từ Tây Ban Nha cho biết, chuyến đi của anh trở nên ý nghĩa hơn khi lần đầu tiên được tận mắt xem văn hóa dân gian Việt Nam. Dù không hiểu lời hát của các nghệ nhân, nhưng anh ấn tượng với cách trình diễn, tài năng của họ.

Các trò chơi dân gian, trong đó hát bài chòi khiến nhiều người thích thú. Du khách cầm thẻ bài, lắc lư theo những câu hát, câu hò rồi hét lên vui vẻ khi may mắn trúng con bài.

Bên cạnh đó, bối cảnh làng quê, đồng cỏ, rơm rạ dựng hai bên phố cho bạn chụp ảnh thoải mái. Để tránh nóng thì bạn nên đi từ sớm. Tầm chiều trời mát hơn nhưng khá đông người. Lễ hội diễn ra đến hết ngày 15/4.

Vi Yến

Đánh giá phiên bản mới