Thứ tư, 2/10/2019, 15:39 (GMT+7)

Hà Giang mùa gặt

Nguyễn Kỳ Anh - nhiếp ảnh gia trẻ Sài Gòn - ghi lại nhiều khoảnh khắc đời thường về con người và khung cảnh mùa gặt nơi địa đầu Tổ Quốc.

Mùa lúa chín vàng đang đến trên khắp các thửa ruộng bậc thang của vùng núi phía Bắc. Thời điểm này, du khách đổ xô về Mù Cang Chải (Yên Bái) để ngắm lúa trên những "mâm xôi vàng". Còn ở Hà Giang, người dân nhiều nơi đã bắt đầu mùa gặt. Nguyễn Kỳ Anh (24 tuổi, nhiếp ảnh gia trẻ ở TP HCM) đã kịp ghi lại những hình ảnh bình dị của vùng đất và con người nơi địa đầu Tổ quốc.

"Bộ ảnh là những điều tôi cảm nhận về một Hà Giang yên bình, nơi có những thắng cảnh đẹp bậc nhất Việt Nam. Điều làm nên những ký ức khó phai đó là vẻ đẹp lao động, vẻ đẹp của những đứa bé vùng cao đáng yêu và hồn nhiên. Các em thiếu thốn nhiều về vật chất và điều kiện cơ sở giáo dục nhưng lúc nào cũng tươi cười, cũng vui vẻ chào đón những đoàn người xa lạ", Kỳ Anh chia sẻ.

Chuyến đi của chàng trai Sài Gòn gác lại những điểm check in nổi tiếng mà tìm về những góc bình yên và giản dị nhất ở Hà Giang. Nơi đó hiện hữu vẻ đẹp trong trẻo của ngày mùa, những người nông dân say mê đồng áng trên những thửa ruộng bậc thang ươm vàng lưng chừng núi.

Những người nông dân tất bật trên nương lúa trĩu hạt. Có tận mắt chứng kiến, Kỳ Anh mới nhận ra cuộc sống ở đây khó khăn đến nhường nào, đủ ăn đủ mặc đã là một trăn trở. Bởi vậy, với họ, mùa gặt tuy vất vả nhưng lại hứa hẹn về những ngày tháng đủ đầy hơn, cuộc sống bớt cơ cực hơn.

Mùa lúa ở Hà Giang sớm hơn ở các địa phương khác. Khoảng đầu tháng 10, người dân nhiều nơi đã gặt xong. "Điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng, đường sá ở những vùng quê nghèo còn rất khó khăn. Thế mới thấy, hạt lúa quý giá đến nhường nào", Kỳ Anh nói.

Chàng trai trẻ xuất phát chuyến đi 5 ngày 4 đêm từ TP HCM, bay ra Hà Nội, sau đó đi xe giường nằm từ bến xe Mỹ Đình đến Hà Giang với quãng đường 320 km.

Điểm đến đầu tiên của hành trình là xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, cung là nơi bấm máy đầu tiên cho bộ ảnh lần này. Tại xã Thông Nguyên, đường nhỏ, có đoạn hư hỏng, xuống cấp, du khách cần chạy cẩn thận và chậm rãi. Tốt nhất nên quay lại TP Hà Giang trước 15h, tránh về muộn vì trời sẽ tối, đường đèo rất lạnh và không có đèn đường, rất nguy hiểm.

Ngày thứ 3, Kỳ Anh đi theo lộ trình Quản Bạ - Yên Minh - cột cờ Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn. "Hành trình chinh phục cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Việt Nam - khá gian nan bởi những con đường quanh co, hiểm trở, có đoạn không có rào chắn, đường sạt lở nên cần kiểm soát tốc độ và luôn quan sát các phương tiện lưu thông theo chiều ngược lại. Đến nơi, bạn có thể mua vé 20.000 đồng để lên đỉnh cột cờ  để ngắm nhìn trọn vẹn Hà Giang núi non hùng vĩ, hoặc có thể ở dưới chân cột cờ chụp ảnh và nhanh chóng rời đi vì trời sẽ tối nhanh", Kỳ Anh chia sẻ.

Ngày cuối cùng, Kỳ Anh rời thị xã Đồng Văn đến sông Nho Quế cách đó 6 km, thuê thuyền du ngoạn thắng cảnh hẻm Tu Sản trên dòng xanh ngọc bích. Hai vách núi sừng sững giữa đất trời tạo nên kiệt tác vạn người mê. Thời gian trên thuyền khoảng 25-30 phút. Tiếp đó, Kỳ Anh chinh phục Mã Pí Lèng - cung đường phượt đẹp nhất Việt Nam và là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, chiêm ngưỡng cảnh sắc ấn tượng của công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

Nụ cười hồn nhiên và thân thiện của hai cô bé mà Kỳ Anh gặp trên đường phượt bằng xe máy.

Thiên nhiên ưu ái cho Hà Giang một vẻ đẹp quyến rũ, bình dị, hùng vĩ nhưng cũng vẫn hoang sơ, làm say lòng nhiều du khách phương xa.

Ảnh: Nguyễn Kỳ Anh

Đánh giá phiên bản mới