Thứ tư, 24/11/2021, 14:42 (GMT+7)

9X trồng 10.000 gốc dâu loại đắt nhất thế giới

Thịnh hiện có khoảng 10.000 gốc dâu Bạch Tuyết, bán với giá gần một triệu đồng mỗi kg với mỗi quả dâu Bạch Tuyết 20g.

Đỗ Minh Thịnh (24 tuổi, Đà Lạt, Lâm Đồng) là chủ nhân một vườn dâu Bạch Tuyết - loại dâu nhiều lần lọt top trái cây đắt nhất thế giới. Nói về cơ duyên khởi nghiệp trồng trọt, Thịnh kể hai năm trước, anh tốt nghiệp Đại học Luật TP HCM, sau đó về quê Đà Lạt nghỉ ngơi. Tình cờ, lúc đó anh được người quen cho mượn trang trại gồm nhà kính 700 m2 cùng sân vườn. Vì vậy, anh quyết định khởi nghiệp tại quê hương với công việc trồng rau hữu cơ cùng vốn 20 triệu đồng, khác ngành học được đào tạo.

Năm ngoái, trong lúc trồng rau, Thịnh được bạn tặng 40 gốc dâu Bạch Tuyết. Anh lập tức ấn tượng với vị ngọt, thơm như dứa của trái dâu trắng. Khi tìm hiểu thêm, anh biết giống dâu Bạch Tuyết hiếm lạ có độ chua 0% nếu được trồng đủ nắng, được giới nhà giàu 'săn lùng' mỗi dịp lễ Tết với giá dao động 1-1,6 triệu đồng/kg. Nhìn ra tiềm năng kinh doanh loại cây này, 9X nhân giống và trồng thử nghiệm.

Tuy vậy, để có được những trái dâu 'hái ra tiền', chàng trai trẻ cũng phải đương đầu không ít khó khăn. Dâu Bạch Tuyết dù từng được trồng thành công ở Đà Lạt năm 2018, không phổ biến ở Việt Nam do phải phụ thuộc nhà kính. Thịnh quyết làm người tiên phong đưa dâu trồng ngoài trời vì muốn dâu hấp thụ ánh sáng tự nhiên nhiều hơn, đồng thời giảm tác động hiệu ứng nhà kính.

Thịnh nói: 'Tôi từng hoài nghi con đường đang đi vì nó khác xa kiến thức bốn năm đại học. Bù lại, tôi được sống đúng đam mê, nhiều người tới học hỏi mô hình khởi nghiệp, truyền cảm hứng cho một số bạn trẻ'.

Cuối tháng 1/2021, anh xuống giống những cây dâu Bạch Tuyết đầu tiên. Không có kinh nghiệm gì trong tay nên Thịnh tự tìm hiểu khắp diễn đàn trồng dâu để học cách bón phân và cải tạo đất. Anh cho biết giống dâu này đòi hỏi đất thoáng, luống cao để cây không úng. Cây cần độ ẩm vừa phải, độ ẩm cao sẽ gây bệnh nên phải điều chỉnh thật chuẩn và chọn cây giống to, khỏe.

Anh làm luống cao tới 40 cm, phân trộn lẫn vào đất. Cây con được phủ lớp rơm trên gốc làm mát và lót một lớp lưới đen để quả không chạm đất, tránh úng, hỏng. Cây trồng ngoài trời nhưng ít bị chuột phá bởi anh nuôi thêm mèo và chó bảo vệ vườn.

Sau này, anh dùng phân bón tự ủ và phân hữu cơ Dynamic của Australia cho cây và tần suất bón một lần mỗi tháng. Đồng thời, Thịnh chú trọng phòng bệnh cho cây. 'Nhờ môi trường cây xanh đa dạng quanh vườn dâu cùng các loại sả, ớt được trồng bao quanh nên giúp hạn chế bệnh cho cây. Tôi cũng dùng vài loại thuốc sinh học an toàn để ngừa bệnh cho tất cả cây cối trong trang trại', anh cho hay.

Với khoảng hai tháng chăm sóc, những cây dâu cho ra trái. 40 cây đầu tiên Thịnh trồng cho ra thành quả vài chục trái mọng, độ ngọt đậm đà vì đủ nắng.

Sau đó, anh nhân giống số lượng lớn thành 3.000 cây. Tháng 7/2021, anh quy hoạch hơn 200 m2 trồng dâu Bạch Tuyết với số tiền đầu tư 50 triệu đồng cho phân bón, xử lý đất, làm luống.

Tuy vậy, Bạch Tuyết rất nhanh hỏng khi mưa nhiều nên Thịnh 'nhận kết đắng' khi 300 cây bị thối gốc, chết gốc sau một tháng chăm. Một số cây vàng lá, thối hoa. Gặp thất bại, anh chàng ở ngoài vườn trồng dâu và rau từ 6h tới chiều muộn, tối đến liên tục học hỏi kiến thức mới để chăm sóc tốt những cây dâu còn lại.

Sau ba cơn bão của Đà Lạt, Thịnh ngắt bỏ hết hoa, trái bởi chúng dập nát. Anh rút kinh nghiệm mùa mưa cây sẽ đẻ cây con, lượng trái cho thu hoạch ít nên dưỡng cây, kích thích sinh trưởng cây con.

Trải qua năm tháng mùa mưa, anh nhân giống thành công 10.000 cây con. Sau đó, anh trồng vào chậu, bán chậu dâu tây giống, có thêm thu nhập mùa mưa. Vào mùa khô, anh thu hoạch được 1,5-2 kg quả đẹp. Size đặc biệt mỗi quả nặng 20 g có giá gần một triệu đồng mỗi kg.

Khi thu hoạch, Thịnh cũng lưu ý hái ngay khi trái dâu chuyển từ xanh sang trắng và phớt hồng. Nếu thu sớm, dâu cứng trái, thu hoạch trễ thì dâu dập nát, phải bỏ. Đồng thời, khi thu hoạch, Thịnh bảo quản kỹ từng trái, tránh các trái đụng nhau làm hỏng vẻ ngoài.

Thịnh tiếp tục sàng lọc dâu gắt gao sau thu hoạch vì đây là trái cây thượng hạng. Nhiều lần anh phải bỏ hơn 50% trái không đạt chất lượng. Dịch bệnh nhưng hoạt động bán hàng của Thịnh tạm ổn. Hộp dâu thành phẩm được anh chọn có các quả to, căng mọng và nhiều lúc 'cháy hàng'. Anh tính nếu thời tiết mùa khô thuận lợi, anh sẽ bù đủ tiền đầu tư sau khoảng ba tháng nữa.

9X dự định tiếp tục nhân giống và triển khai thêm tour tham quan trải nghiệm tại vườn năm 2022. Mục tiêu xa của anh là có thể cạnh tranh các sản phẩm rau trái nhập ngoại, nâng cao vị thế sản phẩm nội địa.

Hằng Trần
Ảnh: Trường Nguyễn

Đánh giá phiên bản mới