Thương trường - Thứ ba, 26/6/2018, 00:08 (GMT+7)

'Cậu bé bán kẹo' mở công ty smartphone Việt từ học bổng tích góp

Đoàn Công Chung học lập trình qua mạng, một mình tìm hiểu quy trình sản xuất điện thoại và ra mắt Cphone năm nay, cạnh tranh với Bphone, Vsmart.

Tháng 3/2017, chàng sinh viên ĐH Bách Khoa Đoàn Công Chung đăng dòng trạng thái Facebook, nói rằng sẽ sản xuất một chiếc điện thoại thông minh. Phát ngôn cá nhân của chàng trai 20 tuổi khi ấy nhận nhiều gạch đá.

Hơn một năm trôi qua, giờ đây Chung đứng đầu công ty 100 nhân viên và cậu là người trẻ nhất, chuẩn bị cho ra mắt chiếc Cphone "Made in Vietnam", hứa hẹn người thu nhập thấp cũng có thể sở hữu.

Giọng nói thỏ thẻ, áo trắng thư sinh, Chung kể về những hoài bão thực hiện được, từ chặng đường đạp xe 15 km xin học cấp ba tới hành trình hiện thực hóa ước mơ làm điện thoại Việt Nam.

Đoàn Công Chung trẻ tuổi nhất trong công ty 100 nhân viên do anh lãnh đạo.

'Cậu bé bán kẹo' và gánh khoai lang của mẹ

Sinh năm 1997 tại Thanh Hóa, Đoàn Công Chung là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Bố qua đời vì ung thư năm Chung lên lớp 6. Trong 3 năm bố trị bệnh và mất khả năng lao động, cậu con út đã tập làm quen với cuộc sống bươn chải đỡ đần mẹ.

Đó cũng là thời điểm Chung bắt đầu xách giỏ kẹo cao su đi bán mỗi dịp nghỉ hè và Tết, cho tới tận năm lớp 10.

"Tôi không quan tâm người ta nói gì mà chỉ nhìn những gì họ làm được", Đoàn Công Chung nói.

Chung tủi thân nhớ lại những dịp Tết bạn bè được ở quê còn cậu đi bán kẹo cùng mẹ trên Hà Nội. Có lần do bán hàng rong, cậu bé lớp 6 bị giữ lại đồn công an và hai mẹ con lạc nhau 3 ngày. Tuy nhiên, lần lạc mẹ ấy sớm rèn cho Chung bản lĩnh tự lập. 

Chung nhớ như in lần mẹ khiêng gánh khoai lang đi chợ và bị người quen trả giá quá thấp rồi lớn tiếng. Mẹ Chung khóc nhưng nhất quyết không bán, mang chỗ khoai hôm ấy về nấu cho cả nhà ăn. Chung vẫn chưa thể quên bữa khoai chan nước mắt đó.

16 tuổi, tự kiếm 500 nghìn đồng mỗi tháng

Dọc hành trình tuổi thơ khó khăn, "cậu bé bán kẹo" luôn nuôi dưỡng đam mê học hành. Bằng sức tự thân, Chung luôn đạt thành tích xuất sắc tại trường lớp. Sau này thành đạt, chàng trai vẫn sẵn sàng bỏ nhiều tiền cho các khóa học.

Sau khi thành đạt, Chung đưa mẹ đi du lịch nhiều nơi vì muốn báo hiếu bà.

Năm cấp ba, Chung đạp xe hơn chục cây số để nộp hồ sơ vào ngôi trường THPT Quảng Xương I mơ ước. Sau kỳ thi, Chung trở thành học sinh hiếm hoi của địa phương trúng tuyển vào trường top đầu của huyện. Sự kiện trở thành dấu mốc cho sự tự chủ và dũng cảm trong những quyết định của chàng trai.

Trong suốt ba năm THPT, Chung nhận được sự đùm bọc của hai thầy giáo môn Toán và Hóa. Thậm chí, thầy Hóa nhận dạy miễn phí cho học trò nghèo.

Với chiếc laptop cá nhân, Chung bắt đầu học trực tuyến và dùng kiến thức lĩnh hội để làm trợ giảng qua mạng, soạn bài tập giúp một giáo viên ngoài Hà Nội. 16 tuổi, chàng trai có thu nhập 500 nghìn đồng mỗi tháng.

Gắn bó với công việc đến hết năm nhất đại học, cậu dùng tiền kiếm được trang bị kiến thức cho bản thân. Nhờ vậy, từ dạy Toán, tiếng Anh, Chung dần chuyển sang dạy lập trình. Quá trình dạy và học luân phiên vừa đem đến nền tảng kiến thức vững chắc và thu nhập tự lực từ sớm cho chàng trai trẻ.

Chàng trai 21 tuổi ra mắt tự truyện Cậu bé bán kẹo tạo nên phép màu hồi đầu năm nay.

'Vua săn học bổng'

Danh xưng Chung muốn được gọi hơn cả là "vua săn học bổng" vì đó là kết tinh của một hành trình dài cậu bé bán kẹo vươn lên từ một vùng quê nghèo.

Bước chân vào ĐH Bách Khoa năm 2015, nhờ trau dồi tiếng Anh từ những bài học trực tuyến, Chung đỗ vào chương trình chất lượng cao của trường. Những thành công thời điểm đó giúp chàng sinh viên nhận được học bổng dành cho sinh viên xuất sắc của báo Tuổi Trẻ. Đó là học bổng đầu tiên Chung nhận được, bắt đầu chuỗi hành trình "hái trái ngọt".

Trong vòng 6 tháng cuối năm 2015, Chung liên tiếp săn được 6 học bổng khác nhau trong nước. Đầu năm sau, sự xông xáo giúp cậu lần đầu xuất ngoại, dự một workshop tại Indonesia nhờ một giáo sư nước ngoài đỡ đầu. 

Concept Cphone đầu tiên do Chung tự thiết kế và chạy truyền thông.

Trở về từ Jakarta, chàng thanh niên nhớ cảm giác đeo tai nghe, đi tàu điện ngầm như một du học sinh thực thụ, nung nấu ý định sẽ xin học bổng du học. 

Trong vòng một năm kể từ đó, Chung xin được ba học bổng toàn phần đều trị giá hàng tỷ đồng từ các trường đại học của Italy, Nhật và Mỹ. Năng lượng toát lên từ chàng trai là nhân tố chính thuyết phục người tuyển sinh.

Có lịch trình du học, Chung nghỉ học Bách Khoa tháng 2/2017.

"Quê hương cũng như gia đình, trước hết tôi phải lo được cho bố mẹ, sau đó mới đủ điều kiện đóng góp cho xã hội", trích câu trả lời quyết định học bổng du học Nhật của Chung khi được hỏi sẽ ở lại hay về nước.

Tưởng rằng "vua săn học bổng" sẽ sớm tận hưởng cuộc đời du học sinh nhưng cơ duyên với một chặng đường khác giữ Chung ở lại.

Một tháng sau khi nghỉ học, Chung đăng status trên Facebook, tuyên bố sẽ chế tạo smartphone "Made in Vietnam".

Ít ai biết sau lời nói có vẻ gây sốc ấy là quá trình từ hơn nửa năm trước đó, chàng trai yêu công nghệ cần mẫn tìm hiểu từng bước sản xuất một chiếc điện thoại thông minh, thậm chí bỏ ăn Tết ở quê để đi thực địa.

Khách hàng Cphone được hưởng ưu đãi nằm trong hệ sinh thái Cgroup, như không gian làm việc chung ZikZak co-working space.

CEO Cgroup ở tuổi 21

Tháng 8/2017, Chung quyết định đăng ký kinh doanh công ty TNHH MTV Cphone, nhân viên chỉ bao gồm cậu và hai trợ lý hành chính. Công ty thành lập hoàn toàn bằng tiền học bổng tích góp và thù lao lập trình web từ năm nhất đại học của chàng trai 20 tuổi.

Hết năm đó, concept Cphone đầu tiên do chính tay Chung thiết kế và những kịch bản truyền thông cũng một mình cậu đứng sau.

Nhờ hành trình thú vị, "vua săn học bổng" được nhiều người quan tâm và tìm đến từ trước khi kinh doanh. Chung gieo được lòng tin bằng những gì đã làm được. Đầu năm nay, ý tưởng tham vọng của chàng trai được nhà đầu tư rót số vốn lớn, tuy nhiên CEO trẻ từ chối tiết lộ con số cụ thể. Từ đây, đội ngũ nhân sự của Cphone dần hình thành.

Mới sau khoảng 6 tháng, đến nay Đoàn Công Chung tạo ra cả một hệ sinh thái 100 nhân viên mang tên Cgroup, với nhiều tiện ích bên cạnh Cphone: công nghệ Ctech, giáo dục trực tuyến Cedu, và không gian làm việc chung ZikZak co-working. Theo Chung, đây chính là những ưu đãi đi kèm giúp chiếc smartphone ra mắt trong năm nay cạnh tranh. Quan trọng nhất, chất lượng chính là điều doanh nhân 21 tuổi cam kết.

Đội ngũ 9X đứng sau chiếc smartphone "Made in Vietnam" tiếp theo.

Nhân viên Cgroup, theo Chung chia sẻ, có thể ăn mặc thoải mái, vì quan trọng nhất là kết quả công việc của họ.

Chung sẵn sàng trả mức lương hấp dẫn cho nhân sự nhưng họ cần làm được việc. 21 tuổi, chàng trai đứng đầu startup công nghệ tỏ ra khắt khe khi chiêu mộ con người. Chung tự hào rằng nhân viên Cgroup hiện tại đều là những người có năng lực.

"Cậu bé bán kẹo" ngày nào dự định bận giày thể thao trong buổi ra mắt Cphone. Không phải tuýp doanh nhân ưa mặc vest, Chung muốn được là chính mình, điều học được từ đất nước Singapore. Thậm chí người ta có thể thấy CEO trẻ đi dép tông và mặc quần short làm việc.

Ước mơ sắp tới của Chung là lại được đeo tai nghe và đi trên tàu điện ngầm, du học bằng tiền túi mình bỏ ra.

Đoàn Công Chung: 21 tuổi, sản xuất smartphone 'Made in Vietnam' tiếp theo
 
 

Concept rò rỉ gần nhất của smartphone 'Made in Vietnam' sắp ra mắt.

Quốc Việt
Ảnh: NVCC

Đánh giá phiên bản mới