Chủ nhật, 2/4/2017, 01:00 (GMT+7)

Đánh bắt cá mòi trên sông Hồng

Cá mòi vào mùa sinh sản tìm về nước ngọt để đẻ trứng, người dân Hưng Yên trúng đậm mỗi lần giăng lưới.

Cá mòi, loài cá nửa của sông nửa của biển, chỉ có ở sông Hồng. Dựa vào con nước, đầu tháng 3 âm lịch đánh bắt được nhiều cá nhất trong năm. Ngã ba sông Hồng, sông Luộc, sông Nam Định là nơi nước sâu, cá về nhiều. 

Bến đò thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, Tp Hưng Yên có hơn 20 gia đình làm nghề chài lưới, đánh bắt cá bằng thuyền máy và thuyền nan nhỏ, thời điểm đông đúc và tấp nập nhất là từ 16h-18h hàng ngày. 

Trong khi chờ đợi nhiều người tranh thủ vá lưới và gỡ rác trên các mắt lưới.

Người dân chia lượt, người nào đến trước đi đánh bắt trước, thay phiên nhau thả lưới đánh bắt cả ngày lẫn đêm. Lưới hình chữ chi để tạo luồng lạch cho tàu bè qua lại không bị mắc. Họ ngầm quy ước để ai cũng được hưởng lộc trời. Khó khăn của việc đánh bắt là gặp sóng lớn không rải được lưới, mặt sông không có sóng cũng gây nhiều khó khăn bởi nước lặng không chảy thì luồng cá ít dính lưới hơn.

Sông Hồng đoạn chảy qua chân cầu Yên Lệnh có độ sâu khoảng 14-17 mét, lưới được sử dụng để bắt cá mòi thường dài gần 200 mét, sâu 12 mét, mắt lưới 5cm để bắt những con cá mòi to. Người khỏe có thể đánh bắt cả ngày cả đêm, trung bình 4-6 lượt giăng lưới mỗi ngày.

Phần lớn người dân làm nghề chài lười là những người đàn ông, phụ nữ đảm nhiệm công việc gỡ cá và bán hàng. Tuy nhiên, vào ngày con nước, cá nhiều, các gia đình huy động tối đa thành viên tham gia đánh bắt. Mỗi thuyền chạy một đầu lưới để quét luồng cá.

Anh Nguyễn Văn Tú cho biết: "Không ít lần vừa giăng lưới gặp đàn cá lớn, nặng chìm cả phao phải kéo lưới lên ngay. Những lúc đó thu khoảng 50-70 kg cá, hai người ngồi gỡ cả ngày mới xong".

Nguyễn Văn Bản (Đằng Châu) hơn 20 năm là nghề chài lưới. Bộ lưới thửa của ông có giá gần 5 triệu đồng, chuyên để bắt cá mòi. "Giống cá này khi vào nước ngọt sinh sản sẽ chậm chạp, cá lớn nhất chỉ hơn 200g nên loại lưới cũng đặc biệt".

"Xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để tới lượt đi đánh bắt, mỗi lần mong kéo được khoảng 20-30kg rồi về bến gỡ cá như vậy cá mới được tươi. Một mẻ lưới kéo lên khoảng 70kg cá là có thể phải bỏ đi gần nửa bởi cá khi lên bờ không gỡ kịp gặp thời tiết nóng sẽ bị ươn và thối nhanh", ông Bản nói thêm.

"Vào ngày con nước, vừa uống rượu vừa ngủ vừa giăng lưới cũng có thể bắt được cả chục cân cá. Mỗi lần dong thuyền thả lưới khoảng 2-4 tiếng đồng hồ được một mẻ tùy vào thời tiết", ông Bàn vừa nói vừa khoe mẻ cá được kéo lên lúc 13h.

Trước kia người dân sử dụng lưới nilong để kéo cá, nên sản lượng ít, nay thay thế bằng lưới cước, mắt 5cm nên chỉ đánh cá to và dễ gỡ cá hơn khi mắc lưới.

Theo những người có kinh nghiệm trong nghề chài lưới, cá mòi sông ở biển, đến mùa sinh sản tìm cách bơi vào sông đẻ trứng. Những con cá đã bơi vào sông thường có vây đỏ hồng, thịt ngon ngọt. Cá mới từ biển vào cửa sông hoặc vẫn ngoài biển thì vẩy và vây màu xanh thịt có vị hơi hôi.

Khoảng 4 năm gần đây, cá mòi được thu mua nhiều, người dân sinh sống ven sông có khoản thu nhập ổn định. Cá mòi có màu trắng, mình dẹt, vảy nhỏ, da cá bóng mỡ màng, thịt mềm, có nhiều xương nhỏ và mềm, có thể chế biến thành nhiều món ăn. Tháng 3 âm lịch là thời điểm cá đẻ trứng nên cá béo, nhiều thịt, con to hơn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, 15 kg cá mòi cái sinh sản được khoảng 150-200 nghìn cá mòi con.

16h đến 18h là thời điểm các thuyền to nhỏ cập bến để gom cá về nhà, đây là lúc bến thuyền nhộn nhịp tấp nập nhất trong ngày.

"Gia đình đánh bắt thủ công một người trên sông, một người bán cá. Mỗi ngày bắt được từ 40 đến 100kg, giá cá từ 25 đến 30 ngàn đồng/kg, ngày cũng thu được ít nhất 1 triệu đồng", chị Đỗ Thị Sỹ vừa ướp mẻ cá vừa nói.

Khoảng 20 giờ tối mỗi ngày, lái buôn từ khắp nơi đổ về thu gom cá để chở đi các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội. 

Mùa săn cá mòi kiếm tiền triệu mỗi ngày
 
 

Ngọc Thành

Đánh giá phiên bản mới